1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo - 1 năm nhìn lại

(Dân trí) - Hôm nay (4/5), những trí thức trẻ ưu tú có trình độ Đại học về làm Phó Chủ tịch các xã thuộc 62 huyện nghèo đã có buổi giao lưu tại cuộc tọa đàm “Dự án 600 trí thức trẻ về làm PCT xã nghèo, sau 1 năm nhìn lại” trên cổng TTĐT Chính phủ.

Cách đây 1 năm khi Quyết định 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ Đại học về làm Phó Chủ tịch (PCT) các xã thuộc 62 huyện nghèo, hàng ngàn thanh niên ưu tú trên cả nước đã tình nguyện đăng kí tham gia dự án, qua sơ tuyển thì đã có hàng trăm bạn trẻ lên đường đầu quân về các xã nghèo.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, những bước đi ban đầu của dự án này là thành công, trên 1.700 trí thức trẻ đăng ký tham dự.

Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo - 1 năm nhìn lại

Trong tổng số chỉ tiêu 600 thì 20 tỉnh đã tuyển 559 đội viên, còn thiếu 41. Do 2 nguyên nhân: Có tỉnh chưa tuyển đủ vì điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, như Lai Châu còn thiếu 12 đội viên. Tính bình quân tất cả các địa phương thì 85% các đội viên là trong tỉnh, riêng Lai Châu thì trên 80% là người ngoài tỉnh. Điện Biên cũng thiếu 4, Quảng Trị, Bắc Giang thiếu 1. Đến thời điểm này, một số đội viên đã đi thực tế tại các xã.

Tỉnh Cao Bằng là nơi đầu tiên đón nhận các trí thức trẻ về làm PCT, cho đến giờ thì các trí thức trẻ đã nhận nhiệm vụ công tác được 2 tháng. Tuy nhiên, đây là thời gian quá ít ỏi để có thể đánh giá về năng lực chuyên môn.

Khi nhận nhiệm vụ, các đội viên được hỗ trợ ban đầu 10 tháng lương tối thiểu. Nếu có gia đình đi theo, các đội viên được hưởng thêm 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ, được trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Các đội viên cũng được thanh toán tiền tàu xe đi về thăm gia đình, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng…

Tại buổi tọa đàm, bạn Bế Thị Liên - Phó Chủ tịch xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, kể nơi bạn công tác có tới 12 thôn bản vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, nên khi tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn, có 8 thôn phải đi bộ 3, 4 tiếng mới tới nơi. 11 thôn chưa có điện lưới quốc gia, 6 thôn chưa có sóng điện thoại, đến nhà trưởng thôn nhiều khi lại không gặp, phải tiếp tục vượt qua 2, 3 quả đồi nữa. Tuy nhiên, trong thời gian công tác, bạn đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng tham dự tọa đàm còn có bạn Hoàng Chính Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nọi, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái; bạn A Dũng, Phó Chủ tịch xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và  bạn Lê Quang Tính, Phó Chủ tịch  xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Những khó khăn và thuận lợi mà các bạn trẻ đã trải nghiệm trong quá trình công tác là những thực tế hết sức quý báu, giúp ích cho quá trình công tác của các bạn sau này.
 
Trước băn khoăn, các trí thức trẻ tình nguyện được phân về làm Phó Chủ tịch xã nhưng chuyên môn được đào tạo khác xa với những gì thực tiễn xã đó cần, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thừa nhận: tại Cao Bằng, đợt đầu tiên có hơn 100 ứng cử viên và đã chọn được 44 trí thức trẻ. Trên 1/2 số này là các em học sư phạm, còn lại ở một số ít ngành. Còn những ngành địa phương cần như nông lâm, quản lý xã hội, thì gần như rất ít, vì các em học về lĩnh vực này nhưng khi tham gia để phỏng vấn, về chuyên môn, khả năng giao tiếp kể cả kiến thức không đáp ứng được.

 P. Thanh