1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3/3:

Đồn anh hùng giữa đại ngàn Trường Sơn

(Dân trí) - Trong câu chuyện về sự đổi thay trong đời sống đồng bào xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình) luôn có bóng dáng của những chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đồn 597, đồn đã gắn bó với họ từ năm 1959 với tên gọi thân thiết: Đồn Làng Mô.

Dạy đồng bào cái chữ và cách làm kinh tế

 

Người Vân Kiều đã bao đời định cư trên những rẻo núi, thung lũng của dãy Trường Sơn với nguồn sống độc tôn là cây ngô, đậu và lúa rẫy. Nhưng ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), người Vân Kiều ở các bản xa đã biết trồng lúa nước, nuôi lợn, hình thành những mô hình kinh tế kết hợp.

 

Bà Hồ Thị Con - Chủ tịch UBMTTQ xã Trường Sơn - hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi nhiều tấm gương triệu phú Vân Kiều trong xã  như Hồ Văn Chiến, Hồ Tư, Hồ Thị Gio. Song song với đó là 24 ha lúa nước ở bản Trung Sơn, Khe Cát, Sắt, Nước Đắng, mô hình trồng hồ tiêu ở bản Đá Chát, mô hình nuôi lợn thịt ở bản Khe Cát, Cây Là, mô hình nuôi lợn nái ở bản Đá Chát… “Nhờ sự giúp đỡ, chỉ dẫn của bộ đội biên phòng cả đấy”, bà Con cho hay.


Đồn anh hùng giữa đại ngàn Trường Sơn - 1
Tang vật một vụ bắt lâm sản của đồn.

Đến Trường Sơn ngày đầu tháng 3, trong câu chuyện về sự đổi thay của người dân nơi đây đều có bóng dáng của người chiến sỹ bộ đội biên phòng Làng Mô. Bản Trung Sơn có công trình thuỷ lợi, lại được bộ đội Biên Phòng hướng dẫn cấy 6 ha lúa nước và chăn nuôi trâu bò nên mỗi năm làm được 2 vụ lúa, cơ bản đảm bảo lương thực.      

 

Ông Hồ Văn Chiến (bản Dốc Mây) tâm sự bằng thứ tiếng Kinh rành rọt: “Nhờ có đồn Làng Mô, dân bản đã có cái chữ. Bà con không quên được cán bộ Chung (Đại úy Trần Thanh Chung - PV), cán bộ đã về với bản, dạy cái chữ suốt mấy năm ròng”. Bây giờ thì người dân Trường Sơn không còn đói chữ, họ đã được xóa mù đến mức 3, được học tập các mô hình làm kinh tế, trong đó có sự đóng góp không thể thiếu của đồn Làng Mô.

 

Ngay ở bản Đá Chát, bản nằm cách trung tâm xã 10km đường rừng vốn sống du canh du cư, cuộc sống gắn chặt với rừng nay đã có gần như 100% nhà xây mái ngói, mái tôn mới, rất nhiều nhà có xe máy, tivi.... Điều này cũng xuất phát từ sự vận động kiên trì của bộ đội biên phòng, kêu gọi dân bản định canh định cư, xóa bỏ lối canh tác lạc hậu, bắt tay trồng lúa nước và phát triển chăn nuôi.


Đồn anh hùng giữa đại ngàn Trường Sơn - 2
135 khẩu súng mà đồn đã vận động bà con giao nộp

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Bí thư Đảng uỷ xã Trường Sơn cho biết: “Xã Trường Sơn có 21 thôn, bản, có 60% dân số là đồng bào Vân Kiều. Cuộc sống xưa nay của người dân đặc biệt khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của đồn Làng Mô cùng sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt”.

 

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”

 

50 năm đứng chân trên địa bàn thôn Long Sơn (xã Trường Sơn), các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đồn Làng Mô đã gắn bó cật ruột với bản miền núi khó khăn này. Từ những chiến công bắt biệt kích, bắn rơi máy bay trong thời chiến đến việc vận động dân định canh định cư, vận động thu hồi súng đạn, dạy học, dạy làm kinh tế, khám chữa bệnh, chống lũ lụt… đồn Anh hùng LLVTND này đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân nơi đây.

 

Thượng tá Đặng Huy Chương - Chính trị viên của đồn - bồi hồi nhớ lại trận lũ quét lịch sử năm 1992: “Lúc đó nước lũ dâng cao 20m, cả xã có tới hơn 200 nhà bị nước cuốn trôi, 67 căn nhà sập rụi, 13 người chết và của cải, gia súc của dân thiệt hại nặng nề. Chúng tôi đã huy động tất cả các cán bộ, chiến sỹ ngay trong đêm, chèo thuyền vượt thác lũ cứu được gần 1.000 người đưa về khu vực đồn”.

 

Tưởng như trận lũ đó sẽ làm Trường Sơn điêu đứng, nhưng với sự đùm bọc, thuốc men, gạo của bộ đội biên phòng, người dân đã sớm vượt qua. Sau lần đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong lần vào thăm đồn đã xúc động biểu dương tinh thần “Vì dân phục vụ” của tập thể đồn.

 

Mới đây nhất, tháng 12/2009, lực lượng quân y của đồn đã kịp thời phát hiện ổ dịch chân-tay-miệng, chủ động phối hợp với Trung tâm y tế huyện Quảng Ninh, Trạm y tế xã Trường Sơn dập tắt dịch. Ông Hồ On (ở bản Đá Búa) cho biết: “Ngày trước, dân bản thường có tập tục cúng ma mỗi khi đau ốm, nhưng nhờ sự vận động của bộ đội biên phòng và cán bộ, đến nay dân bản không cúng ma nữa. Cứ đau bệnh là xuống trạm y tế hoặc đến đồn xin thuốc. Uống vào là khỏe thôi”.


Đồn anh hùng giữa đại ngàn Trường Sơn - 3

Các chiến sỹ đồn Làng Mô đang chăm sóc vườn rau
.
 

Trong năm nay, đồn sẽ vận động xây dựng quỹ hỗ trợ cho các hộ nghèo, với chỉ tiêu hỗ trợ 4 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu/nhà, xây dựng hệ thống nước sạch tự chảy phục vụ sinh hoạt cho bà con ở bản Đá Búa với chiều dài hơn 1km phục vụ 37 hộ dân Vân Kiều.

 

Trở lại đồn Làng Mô trong bữa cơm trưa bình dị, chúng tôi lại được nghe kể về hai người lính trẻ mất vợ, phải đưa con lên đồn chăm sóc nuôi dạy, lại nghe những câu chuyện gia đình rơi nước mắt về những người miền xuôi đã gắn bó với đồn từ hàng chục năm nay.

 

Trong cái nắng ban trưa, nhìn bóng những chiến sỹ đang lui cui dọn chuồng lợn, chăm sóc vườn rau mà thấy nao lòng. Những việc làm bình dị hàng ngày đó, ngoài ý nghĩa tăng gia để sản xuất thực phẩm cải thiện bữa ăn, còn là mô hình thí điểm, mô hình trình diễn để giới thiệu với dân bản…

 

Hồng Kỹ