1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đối phó với bão số 11: Di dân trước 24h đêm nay

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chiều 31/10 đã gửi công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương... chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão Mirinae (bão số 11) trong đó đáng chú ý là việc phải di dời dân trước 24h ngày 1/11.

Bão số 11 đã vào biển Đông, tiếp tục đi sâu vào đất liền sẽ gây mưa lớn từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với bão đang được triển khai tại nhiều địa phương.
 
Theo thông báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ: Hồi 16h ngày 31/10, vị trí tâm bão vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
 
Đối phó với bão số 11: Di dân trước 24h đêm nay - 1
Bão số 11 gây mưa lớn tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
 
Dự báo đến 16h ngày 1/11, vị trí tâm bão vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc, 113,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa khoảng 410 km về phía Đông.
 
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
 
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
 
Từ tối và đêm 1/11 vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
 
Chiều 31/10, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện trước khi bão vào đất liền để thực hiện việc sơ tán dân.
 
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề mưa to được dự báo ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Việc điều hành các hồ chứa chặt chẽ theo quy trình quy định, phân tích và cập nhật đầy đủ các thông tin, dự báo để thực hiện điều tiết nước hiệu quả cho hạ du.
 
Cùng đó, các địa phương từ Bình Định đến Ninh Thuận sẵn sàng thực hiện lệnh cấm ra biển, kiểm tra liên tục, chặt chẽ, sơ tán dân ở vùng ven, khu vực hiểm yếu, cấm đò ngang, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa.
 
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ có chức năng thành lập các đoàn đi các tỉnh Phú Yên và Bình Thuận để phối hợp, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại khu vực. Đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra quy trình, đánh giá tình hình và quyết định điều tiết nước tại các hồ chứa trước và trong bão.
 
Theo báo cáo, đến chiều nay Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên tuyến biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương, hướng dẫn gần 5.000 tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh.
 
Theo tinh thần công điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND các tỉnh nằm trong vùng dự báo bão đổ bộ từ Phú Yên đến Bình Thuận huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện... phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời những hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (ven biển, vùng cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất).
 

TPHCM: Triển khai phòng, tránh bão đổ bộ trực tiếp

Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM nên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM đã phát công điện số 9, yêu cầu các cơ quan ban, ngành triển khai ngay phương án phòng, tránh bão đổ bộ trực tiếp.

Mặc dù thời gian dự kiến bão số 11 đổ bộ là ngày 3/11 nhưng nhận định đây là cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh nên Ban chỉ huy Phòng tránh lụt bão TPHCM đã phát động ngay phương án này từ ngày 31/10.

Theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ thì thời gian bão vào cũng trùng với thời điểm triều cường dâng cao; các hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai cũng đã tích đầy nước, có khả năng sẽ xả lũ trong thời gian này. Do đó, nếu bão vào TPHCM thì TP sẽ đối mặt với tổ hợp bất lợi: mưa bão, triều cường và xả lũ.

Theo đó, địa bàn trọng tâm là huyện Cần Giờ phải chuẩn bị ngay các cơ sở để di dời dân xã đảo Thạnh An theo phương án định sẵn. BCH PCLB yêu cầu phải di dời dân vào địa điểm an toàn trước thời điểm bão đổ bộ 12 tiếng đồng hồ.

BCH PCLB TPHCM cũng lưu ý chính quyền các quận nội thành phải kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ các hệ thống: điện, kho tàng (vật tư, thiết bị, lương thực, hàng hóa...), thoát nước, thông tin liên lạc, nhà ở, chung cư, trạm, trại, chợ, cây xanh... để kịp thời có phương án đảm bảo an toàn khi bão vào.

Tùng Nguyên

 
Thanh Trầm