1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Độc đáo lễ tiễn đưa người chết về “miền cực lạc”

(Dân trí) - Ở mảnh đất đại ngàn kì bí này, có một thứ khiến người J’rai vừa buồn vừa vui, đó là cái chết. Xác chết nhưng hồn vẫn “sống” quanh người thân. Chỉ khi người thân làm lễ bỏ mả tiễn đưa người chết về bên thế giới “cực lạc”, mọi ràng buộc mới chấm dứt.

Người sống nuôi người chết

 

Độc đáo lễ tiễn đưa người chết về “miền cực lạc” - 1

Người sống xây cho người chết một ngôi nhà mả khang trang
 
Với người J’rai, cái chết chính là sự xa cách, là khoảng cách vô cùng vô tận mà không có sợi dây nào đo được giữa người còn sống và người đã chết, vì vậy nó khiến cho những đồng bào J’rai thấy buồn, thấy nhớ…

 

Nhưng cái chết cũng khiến người sống vui mừng. Mừng cho hồn ma người đã chết được giải thoát khỏi cuộc sống khổ cực nơi trần gian để về với thế giới của hồn ma - một thế giới cực lạc. Vui vì người chết đã được thanh thản và toại nguyện.

 

“Nó được về thế giới hồn ma, sướng hơn mình nhiều. Nhưng nó mới chỉ chết cái xác thôi, cái hồn vẫn ở với mình đến khi bỏ mả xong mới thôi”, già làng Punh, thôn Greo Pết, xã Dun, Chư Sê, Gia Lai, nói.

 

Chính vì thế, người chết được hưởng tất cả những gì người sống có: “sống” trong những ngôi nhà khá khang trang, được chia tài sản như xe đạp, ghè rựơu, gùi, chăn, màn… và được người sống mang đồ ăn ra tận nhà mả để cúng và nói chuyện.

 

Hàng ngày, vào mỗi bữa ăn, người sống lại mang đồ ăn thức uống ra cho người chết. Họ bỏ vào 4 cái lỗ đã được đục sẵn quanh xung quanh quan tài một ít cơm, một ít canh… cho “con ma ăn”, số còn lại họ sẽ đặt trên mả để cúng và trò chuyện đủ thứ, từ ruộng vườn đến người thân, hàng xóm ra sao.
 
Độc đáo lễ tiễn đưa người chết về “miền cực lạc” - 2
Người ôm gà, người gùi nước, gùi đồ ăn… đi dự lễ bỏ mả

 

Cứ thế, thời gian này sẽ kéo dài đến lúc tiềm lực kinh tế trong gia đình đủ khả năng tổ chức lễ bỏ  mả - cắt đứt mọi quan hệ giữa người chết và người sống, giúp người chết “nhập hộ khẩu” vào thế giới của ma.

 

Ngoài ra, nó cũng là cái mốc xác định người sống không còn phải mang cơm ra cúng cho người chết nữa, cái mả đó sẽ không còn được trông nom, chăm sóc. Ma đi đường của ma, người đi đường của người; và người vợ hoặc chồng còn sống sẽ được đi bước nữa.

 

Tiệc bỏ mả

 

Cái lý cái tình của người J’rai chỉ có núi rừng đã sống với họ ngàn đời mới hiểu thấu, nhưng tình cảm chân thật giữa người sống giành cho người chết thì lại tỏ như mặt trời trên cao. Hàng ngày không chỉ mang đồ ăn ra cúng người chết, người thân trong gia đình còn cố gắng dành dụm nuôi con heo, con gà, con trâu, trồng cây lúa thật nhiều để làm lễ bỏ mả giúp người chết về bên thế giới cực lạc.
 
Độc đáo lễ tiễn đưa người chết về “miền cực lạc” - 3
Họ nướng cơm lam và gà để ăn ngay tại khu nhà mả

 

Vậy là hàng năm, cứ vào dịp tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, khắp núi rừng Tây Nguyên lại rộn ràng tiếng chiêng, tiếng nói cười bên ghè rượu cần, người người kéo nhau đi mừng lễ bỏ mả kéo dài từ 3 ngày trở lên (tùy điều kiện kinh tế từng nhà). Đây cũng là ngày Tết lớn nhất đối với đồng bào J’rai.

 

Ngày 21/1 mới đây, tại làng Greo Pết có đến 7 gia đình làm lễ bỏ mả cho người thân. Khi mặt trời khuất ngọn núi, chỉ có ánh lửa đỏ hồng chiếu sáng, già trẻ, gái trai J’rai người thì gùi nước, người gùi ghè rượu, cơm lam, thịt heo, thịt gà, chăn chiếu… ra nhà mả đốt lửa bắt đầu cho 3 ngày bỏ mả liên tục.

 

Họ nấu nướng, ăn thịt, uống rượu thật no say, những tiếng chiêng vang động khắp núi rừng. Các cô gái, chàng chai nắm tay nhau nhảy xoang, họ trao nhau ánh mắt yêu thương, bày tỏ tình yêu lứa đôi. Và kết thúc lễ bỏ mả, cũng có thể vài đám cưới được diễn ra.

 

Đặc biệt, những người phụ nữ có chồng chết, trong ngày bỏ mả cho chồng phải để xõa tóc, không được tắm gội trước đó cả tháng. Trước đây, trong lễ bỏ mả họ còn phải cởi trần, nay tục này đã được bỏ.
 
Độc đáo lễ tiễn đưa người chết về “miền cực lạc” - 4

Trong 3 ngày diễn ra lễ bỏ mả, tất cả các gia đình trong làng đều ăn, ở, ngủ ngay tại khu nhà mồ của làng

 

Cứ như vậy, người dân làng Greo Pết chìm ngập trong niềm vui, cho đến khi già Punh cất tiếng đọc: “Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Chúng tôi đã làm nhà mồ rồi. Ché rượu cúng đã đặt xuống rồi, con gà con đã được thả rồi. Chúng tôi đã bỏ ma rồi”. Hết lời cũng là lúc lễ bỏ mả đã xong, ai lại về nhà nấy.

 

Người chết được “nhập khẩu” vào làng ma, người góa bụa được đi bước nữa...

 

Thiên Thư