1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh giá xăng

(Dân trí) - Dự thảo cho một quy định mới về kinh doanh xăng tiến tới hội nhập đang được bày lên bàn các nhà hoạch định chính sách. Một cơ chế kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường, hướng mở cửa thị trường sẽ chính thức đi vào hoạt động trong vòng 6 - 7 tháng nữa.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã cho biết như vậy vào chiều hôm qua, 12/9. Đó cũng chính là những nội dung cơ bản trong định hướng xây dựng một văn bản mới, thay thế Quyết định 187 về kinh doanh xăng dầu nhằm đưa giá xăng hội nhập với nền kinh tế thị trường.

Đưa giá xăng hội nhập với nền kinh tế thị trường, tức là phải có sự điều chỉnh giá trong nước cho phù hợp với tình hình thế giới. Vậy tại sao, kể từ thời điểm giá dầu thô bắt đầu giảm mạnh và liên tục giảm, đến nay đã là 13 ngày rồi Liên Bộ Thương mại - Tài chính mới quyết định giảm giá xăng?

Giá dầu thô đã giảm kéo theo giá xăng, các sản phẩm xăng dầu đã giảm sát với nó. Đây là điều rất thuận lợi để chúng ta tiến hành điều chỉnh giá xăng cho phù hợp.

Tuy nhiên, xin thông báo là giá dầu các loại như: dầu diezel, dầu hỏa, mazút vẫn ở mức cao và thuế bằng 0% nên chúng ta mới chỉ điều chỉnh được giá xăng. Chứ còn các loại dầu vẫn bị lỗ nên không điều chỉnh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng hi vọng nhiều ở chuyện giá dầu thô ổn định ở mức thấp, bởi giá dầu thô cực kì khó dự báo vì nó bị ảnh hưởng từ rất nhiều nhân tố. Các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng đã dự báo trước tất cả biến động của xăng dầu.

Ở nước ta, Công văn 117 của Chính phủ về giá xăng cũng đã cho tiếp cận với giá thị trường. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Thương mại chủ trì cùng phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh giá xăng lên xuống cho mềm mại và dần dần cho phù hợp với giá thị trường.

Chính vì lý do đó mà chúng tôi đã phải theo dõi biến động của giá dầu thô thế giới liên tiếp trong 13 ngày qua để điều chỉnh một cách hợp lý làm sao hài hòa giữa ba lợi ích: Nhà nước - Người tiêu dùng - Doanh nghiệp. Trên tinh thần dung hòa ba lợi ích ấy, chúng tôi tính toán hạ giá các loại xăng xuống 1.000 đồng/lít.

Tại sao xăng lại được lấy mức giảm xuống là 1.000 đồng/lít, thưa Thứ trưởng?

Sau khi đã tính toàn bộ chi phí dầu thô ra sản phẩm xăng, chúng tôi cũng đã quyết định tăng thuế nhập khẩu lên 10%. Việc chỉ giảm 1.000 đồng/lít cũng là biện pháp để doanh nghiệp không bị lỗ và có lãi. Trên cơ sở đó mà chúng tôi tính đến việc giảm giá và giảm đến 1.000 đồng/lít mới phù hợp.

Lãi của doanh nghiệp hiện dựa trên nguyên tắc mà Bộ Tài chính - Bộ Thương mại đưa ra là bình quân cả năm là doanh nghiệp không được lỗ. Tôi còn nhớ, vào những ngày từ tháng 3 - 5/2006, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước đã lỗ rất kinh khủng, có ngày tổng lỗ lên tới mấy chục tỉ đồng.

Đến đợt điều chỉnh lần này thì phần lãi của doanh nghiệp không còn nhiều lắm, khoảng 650 đồng/lít xăng. Và cái lãi này sẽ bù cho lỗ của những tháng trước trên nguyên tắc cả năm doanh nghiệp kinh doanh không lỗ.

Theo Thứ trưởng nói, khi giảm hay tăng giá xăng bao giờ cũng căn cứ dựa trên ba quyền lợi: Người tiêu dùng - Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng khi hội nhập, trường hợp giá xăng tăng cao, Nhà nước vẫn thu thuế, doanh nghiệp vẫn không lỗ thì có phải khó khăn là về phía người tiêu dùng hay không?

Riêng về mặt hàng xăng, Chính phủ đã có quyết định từ năm 2005 là xăng không được lỗ, tức là không để cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải lỗ. Còn lại là nguyền lợi của người tiêu dùng thì bây giờ phải quan tâm khi mà giá thế giới giảm thì giá xăng trong nước cũng phải giảm cho phù hợp.

Về quyền lợi của Nhà nước tức là trong đợt này đã đưa thuế nhập khẩu vào được, còn trước đây thì Nhà nước không thu được thuế nhập khẩu. Và trong quyết định này thì thuế nhập khẩu là 10%.

Rõ ràng là khi hội nhập, giá xăng phải theo giá thị trường, nhất là phải theo những cam kết mở cửa. Theo đó, thuế cũng phải cắt giảm theo cam kết mà chúng ta đàm phán. Về phía quyền lợi của người dân, Nhà nước cũng không thể tăng thuế cao được mà có sự chia sẻ. Và lộ trình hội nhập đó phải tiến hành dần dần.

Như vậy, giá xăng sẽ được điều hành “mềm” hơn trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Theo chủ trương của Chính phủ, giá xăng phải được điều hành một cách “mềm” hơn, tức là tiến tới để các doanh nghiệp quyết định giá chứ Bộ không can thiệp. Nhưng trước mắt giá xăng biến động liên tục như thế này thì Chính phủ không thể không can thiệp.

Sự can thiệp này một mặt để đảm bảo cho người tiêu dùng không bị thiệt hại lớn, ổn định nhiên liệu trong nước, bởi nguồn dự trữ chúng ta rất thấp. Chúng ta nhập gần như 100% sản phẩm xăng dầu, nếu chúng ta buông lỏng quản lý này sẽ là một vấn đề xã hội rất lớn.

Riêng về dầu, tôi xin khẳng định lại là Chính phủ vẫn phải điều hành. Còn xăng thì Chính phủ đã tiến một bước nữa là giao cho liên Bộ Thương mại - Tài chính điều chỉnh và cuối cùng, “mềm” hơn nữa sắp tới sẽ giao lại cho doanh nghiệp.

Để giá xăng được “mềm” hơn trong thời gian tới, Quyết định 187 hiện nay sẽ được sửa đổi thế nào cho phù hợp, thưa Thứ trưởng?

Quyết định 187 ra đời cách đây 3 năm và đã phát huy rất mạnh các tác dụng của nó. Nếu không có Quyết định 187 thì tình hình xăng dầu sẽ rất khó xử lý. Chính vì có Quyết định 187 mà chúng ta đã thàng công trong việc thiết lập hệ thống phân phối và điều hành giá định hướng, điều hành “van” biên độ rất tốt.

Hiện nay, Chính phủ chủ trương đưa giá xăng tiến gần tới giá thị trường thì quyết định đó phải được sửa đổi, bổ sung. Chính phủ cũng đã có công văn chỉ đạo, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính sẽ ra một quy định mới thay thế Quyết định 187.

Quy định mới này sẽ tập trung 3 vấn đề: giá phải theo giá thị trường, đảm bảo chất lượng xăng dầu và để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mạnh lên theo hướng mở cửa thị trường. Quy định mới này có thể phải 6 - 7 tháng nữa mới ban hành được, hiện đang trong quá trình dự thảo.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hiền (ghi)