1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Về cuốn sách ca ngợi Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank:

"Do hâm mộ mà viết thôi"

Chiều qua 25/8, khi trao đổi với phóng viên về cuốn sách ca ngợi mình, ông Lê Văn Sở - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank) - khẳng định "không bán, không chi tiền, không tổ chức in ấn… Hoàn toàn là do tác giả".

Tức là tác giả tự đứng ra làm, thưa ông?

 

Ừ, họ làm mọi thứ. Họ dày công chuẩn bị từ nhiều năm nay rồi. Bản thân tôi không có chủ trương, không đặt hàng. Toàn bộ là do tác giả tự viết, tự liên hệ, tự bỏ tiền để in, sau đó họ biếu cho chúng tôi.

 

Hai tác giả này có quan hệ như thế nào với ông mà lại tự ý bỏ tiền túi ra làm?

 

Anh Cường (Đinh Mạnh Cường) là cán bộ phụ trách phòng truyền thống của Agribank. Còn anh Đạt (Hoàng Đạt) là nhà văn, bạn bè với nhau mà.

 

Như thế có nghĩa là hai tác giả chỉ thuần tuý vì hâm mộ ông mà viết cuốn sách này?

 

Đúng rồi! Do hâm mộ mà viết thôi, chứ không có gì cả.

 

Chỉ vì hâm mộ ông mà hai tác giả bỏ tiền túi ra in cuốn sách có giá bìa tới 56.000 đồng/cuốn và biếu ông 2.800 cuốn có điều gì đó không bình thường, thưa ông?

 

Việc đó phải hỏi các tác giả. Tôi không quan tâm việc đấy. Có nhiều cái không thể nhưng mà có thể…

 

Trước khi in sách, họ có cho ông đọc duyệt nội dung không?

 

Họ có nói với tôi và tôi cũng khuyên là không nên in. Nhưng họ nói là cứ để họ in.

 

Nội dung cuốn sách có đúng so với con người ông không?

 

Tôi cũng chưa đọc.

 

Vì sao vậy?

 

Tôi không có thời gian để đọc.

 

Nhưng thưa ông, chính Phó Tổng giám đốc Agribank Kiều Trọng Tuyến có văn bản khẳng định là Agribank đã mua sách, thậm chí còn có kế hoạch phân phối cho toàn hệ thống hẳn hoi.

 

Việc in ấn văn bản này là sai, bởi thực tế chúng tôi không hề mua cuốn sách này. Chúng tôi đã kiểm điểm nội bộ, yêu cầu rút kinh nghiệm.

 

Dư luận cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà một Phó Tổng giám đốc Agribank lại ra thông báo này khi chưa có chủ trương của lãnh đạo Agribank?

 

Có sao đâu. Theo chủ trương của lãnh đạo Agribank, hằng năm chúng tôi vẫn in nhiều tập sách về gương người tốt việc tốt trong ngành và phát cho các đơn vị. Nhưng cuốn sách “Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng giám đốc Agribank” thì không thuộc loại sách này.

 

Khi phát hành văn bản phân phối sách, ông không được báo cáo sao?

 

Khi đó tôi đi công tác nước ngoài nên không nghe ai báo cáo. Sau 10 ngày công tác, lúc về thì đã có chuyện này rồi nên tôi không cần phải nói đến nữa.

 

Có ý kiến cho rằng, việc in cuốn sách này khiến người ta nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu Agribank chỉ do mình ông?

 

Tôi chưa nghe được thông tin này nên không có ý kiến.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Ngoài việc trao đổi với ông Lê Văn Sở, nhóm PV chúng tôi cũng đã phỏng vấn những người có liên quan đến cuốn sách này.

 

Tác giả Đinh Mạnh Cường, Trưởng phòng truyền thống Agribank: “Thực tế anh Sở rất đáng viết...”

 

Ông Cường cho biết: “Tôi làm công tác tuyên truyền ở Agribank hơn chục năm rồi, nên có điều kiện tiếp xúc với anh Lê Văn Sở từ khi anh là cán bộ ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Hà Tây.

  

Tôi tìm hiểu và thực sự khâm phục anh Sở, khi biết anh đi lên từ một gia đình rất nghèo, từng trải qua quân ngũ… Hơn thế anh có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Agribank ngày nay. Anh ấy lại là người rất tốt… Điều đó khiến một người từng viết báo, viết văn như tôi thực sự khâm phục”.

 

Ông và ông Đạt đã viết cuốn sách đó trong bao lâu?

 

Tôi đã sưu tập tư liệu về anh Sở cả chục năm nay rồi. Riêng viết cũng mất vài tháng.

 

Khi viết ông có bàn với ông Sở không?

 

Tôi và anh Đạt có nói, nhưng anh ấy bảo viết làm gì. Nhưng vì thấy anh là một tấm gương nên tôi và anh Đạt vẫn viết. Viết xong, tôi cũng chuyển bản thảo cho anh ấy đọc trước rồi mới in…

 

Thưa ông, thế ai là người chi tiền để tổ chức bản thảo và in ấn?

 

Tôi và anh Đạt cùng góp tiền.

 

Nhưng chính lãnh đạo Agribank có văn bản mua 2.800 cuốn để phân phối toàn hệ thống kia mà?

 

Ban đầu ý định là thế, nhưng sau đó anh Kiều Trọng Tuyến thấy nhạy cảm quá, vì sách viết về Tổng giám đốc nên bảo “không thể mua được”.

 

Và các ông đành phải biếu sao?

 

Thì là vậy, biết làm sao!? Thì đành cắn răng mà chịu thôi.

 

Như vậy, ý định ban đầu của các tác giả là làm sách để bán cho Agribank, chứ không phải để tặng, thưa ông?

 

Đúng là như vậy!

 

Nay mất tiền “oan” thế ông có ân hận là đã viết cuốn sách này không?

 

Không, có gì đâu mà oan. Thực tế anh Sở rất đáng viết mà…

 

Xin cảm ơn ông.

 

Nhà văn Nguyễn Phan Hách - giám đốc NXB Hội Nhà văn: "Chính chúng tôi là người bị hại"

 

Thưa ông, tại sao cuốn sách “Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng giám đốc Agribank” đăng ký xuất bản 1.200 cuốn nhưng lại in tới 2.800 cuốn, trong chuyện này trách nhiệm thuộc về ai?

 

Đại diện cho nhóm tác giả, người liên doanh với nhà xuất bản (NXB) in cuốn sách này là ông Đinh Mạnh Cường (công tác tại Ngân hàng NN&PTNT) mới đầu đề nghị in 3.000 cuốn và chúng tôi đã đăng ký với Cục XB in số lượng này.

 

Cục XB cũng đã làm thủ tục xác nhận. Tuy nhiên, về sau ông Cường lại đề nghị chỉ in 1.200 cuốn, NXB cũng đồng ý. Việc in tới 2.800 cuốn là trách nhiệm của ông Cường và nơi in (theo đăng ký là xưởng in Nhà XB Văn hóa dân tộc).

 

Theo tôi trong việc này đã có sự gian dối, trong hợp đồng liên kết xuất bản này, NXB Hội Nhà văn chỉ được hưởng phí quản lý 6% (tính theo giá bìa nhân với số lượng in). Phía đối tác đăng ký in số lượng thấp, sau đó lại in số lượng thực tế cao hơn là hành vi in lậu. Chính chúng tôi là bị hại.

 

Tại sao các ông - phía NXB - không tổ chức giám sát việc in ấn?

 

Đúng ra là phải như thế đấy. Nhưng trước vấn đề in lậu, các NXB vừa và nhỏ như chúng tôi đều bó tay. Họ có nhiều thủ đoạn lắm, thậm chí mình đã tổ chức giám sát, in đủ số lượng rồi, người của mình vừa đi khỏi họ lại in tiếp thì giám sát làm sao được.

 

Mới rồi, Chính phủ đã có Nghị định 56 quy định rất rõ, có những hành vi bị phạt tới 30 triệu đồng, nặng hơn là bị truy tố. Theo tôi việc này cứ phải làm theo luật thôi.

 

Nhưng phía NXB cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung?

 

Vâng, tất nhiên. Với cuốn sách kiểu như “Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng giám đốc Agribank”, chúng tôi xác định nó là loại sách trong tủ sách “Người tốt việc tốt”.

 

Loại sách này các NXB đều làm, và còn được khuyến khích làm. Ngay Ngân hàng NN&PTNT cũng đã làm rất nhiều những cuốn loại này ở các NXB khác.

 

Ông Lưu Văn Lý - Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Dân tộc: Việc in nối bản khi chưa được phép là sai

 

Ông Lưu Văn Lý cho biết: "Đây là cuốn sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Họ ký hợp đồng liên kết với tác giả và chúng tôi chỉ nhận in".

 

Vậy tại sao trong giấy phép chỉ cho in 1.200 cuốn mà lại in 2.800 cuốn?

 

NXB Hội Nhà văn đăng ký ấn hành 3.000 cuốn. Ban đầu, tác giả ký hợp đồng với chúng tôi in 1.200 cuốn.

 

Sau khi in xong đợt 1, tác giả lại đề nghị (bằng giấy viết tay) in thêm 1.600 cuốn và sẽ mang giấy xin phép sau. Tuy nhiên, ở đây có sự sai sót trong quy trình: Đáng lẽ phải có giấy được phép nối bản thì mới được in thêm.

 

Việc này đã được xử lý ra sao?

 

Ngay sau đó, cơ quan công an (PA25, CA TP Hà Nội) đã vào cuộc và xác định sai phạm này. Theo quy định, nếu NXB in quá số lượng từ 50 cuốn trở lên thì sẽ bị phạt 15 - 30 triệu đồng.

 

Số tiền mà tác giả đã trả cho NXB khi in 2.800 cuốn sách này là bao nhiêu?

 

Hơn 33 triệu đồng.

 

Ông Kiều Trọng Tuyến - Phó Tổng giám đốc Agribank: Tôi làm theo sự phân công của Tổng giám đốc

 

Khi ký thông báo, ông có hỏi ý kiến Tổng giám đốc không?

 

Tôi làm theo sự phân công công việc của Tổng giám đốc.

 

Tổng giám đốc Lê Văn Sở có chỉ đạo việc phát hành cuốn sách này không?

 

Việc này không có chủ trương của Tổng giám đốc.

 

Lúc đầu anh Cường có đề nghị mua. Tôi cũng phân vân. Sau đó, tôi đã xử lý nội bộ và chỉ đạo Chánh văn phòng không mua. Và bàn với tác giả là tặng cho Agribank.

 

Thu nhập của anh Cường có nhiều không mà có thể tự in sách tặng Agribank?

 

Ông này chỉ là trưởng phòng nhưng chắc có thu nhập khác.

 

Theo Hoài Linh - Đức Kế - L.V

Tiền Phong