1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thanh Hoá:

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"

(Dân trí) - Lê Hiểm - Lê Hiêu là 2 trong số 18 vị tướng tài từng cắt máu ăn thề ở Hội thề Lũng Nhai, đã góp công lớn cùng với người Anh hùng dân tộc Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Hiện nay, đền thờ của 2 ông đang có nguy cơ trở thành phế tích...

Đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu được xây dựng từ năm 1554, tại thôn 3, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi đền có giá trị văn hóa, lịch sử cũng như giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân nơi đây. Năm 1994, ngôi đền đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và được đầu tư rất nhiều tiền của, để bảo tồn những giá trị văn hoá còn lưu lại của ngôi đền này. Thế nhưng cũng từ đấy, ngôi đền bị lãng quên, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 1
Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu.

Theo sử sách ghi lại, Lê Hiểm sinh năm 1392, thuộc Thiệu Thiên Phủ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, ông là một tướng lĩnh có tài thao lược trong những trận chiến tiêu diệt giặc Minh. Con của ông là cụ Lê Hiêu cũng tham gia đánh giặc cùng cha khi mới 13 tuổi, trong các trận chiến ác liệt. Năm 17, tuổi tuy còn rất trẻ nhưng Lê Hiêu đã được bổ sung vào Thủy quân. Tháng 4/1428, Lê Hiêu được phong tước cung Quốc công, thượng chủ Quốc tham dự triều chính trọng sự.

Cha con cụ đã tham gia nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt vang dội. Đáng ghi nhớ nhất là trận phục kích ở Chi Lăng ngày 20/9/1927 (năm Đinh Mùi), chém đầu Đại tướng Liễu Thăng tại Mã Yên; trận truy kích ở phố Cát bắt sống 5 vạn quân địch, chém đầu phó tướng Lương Minh, buộc thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 2

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 3
 Môt số các kèo, cột đã mục nát, các khớp nối sắp tung lìa ra ngoài.

Sau khi giành thắng lợi trước quân Minh, cha con cụ Lê Hiểm - Lê Hiêu đã được phong đệ nhất Công thần khai quốc, tham dự triều chính trọng sự, khi mất được phong thượng Đẳng phúc thần đại Vương, hai cha con được an táng tại Lam Kinh, triều đình lúc bấy giờ đã cấp cho gia tộc 100 mẫu điền ở xã Phục Đội, huyện Cư Phong (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) để con cháu đời đời hưởng bổng lộc.

Trong suốt nhiều năm gian khổ, công trạng của cha con cụ Lê Hiểm - Lê Hiêu đã được ghi trong nhiều tập sử sách gắn liền với những chiến thắng oanh liệt của dân tộc, đã được các triều đại tặng nhiều sắc phong. Lê Hiểm được triều Lê tặng 7 sắc phong, triều Nguyễn 3 sắc phong. Lê Hiêu được triều Lê tặng 5 sắc phong, triều Nguyễn 3 sắc phong. Tổng cộng 2 vị tướng đã được các triều đại phong kiến ban tặng tới 18 sắc phong. Hiện những sắc phong đó vẫn đang được ông Lê Văn Hợi, hậu duệ thứ 18 của 2 cụ, lưu giữ cẩn thận.

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 4
 

Tưởng nhớ công ơn của cha ông của mình, hàng năm cứ vào dịp 16/3 âm lịch, người dân, con cháu dòng họ Lê khắp mọi miền lại về đây làm lễ dâng hương tưởng nhớ. Nhưng điều đáng buồn là hiện nay di tích trên đã xuống cấp nghiêm trọng, do không được quan tâm đầu tư đúng mức. Tìm về ngôi đền này, chúng tôi không khỏi xót xa cho một di tích đã tồn tại gần 500 tuổi đang bị bào mòn theo thời gian.

Toàn bộ di tích trước đây được quy hoạch tới gần 1.500m2 nay chỉ còn lại một ngôi đền nhỏ vỏn vẹn khoảng 150m2, tất cả những diện tích xung quanh và các vùng phụ cận trước đây đã được UBND xã cấp đất cho các hộ dân sinh sống. 
 
Liên quan đến vấn đề này, ngày 22/5/2009, Sở VH - TT - DL Thanh Hóa cũng đã có văn bản số 910 về việc lấn chiếm đất Di tích lịch sử Quốc gia Lê Hiểm - Lê Hiêu. Theo đó, qua kiểm tra theo đơn thư của công dân, Sở VH - TT - DL đã xác minh, tại Biên bản đề nghị xếp hạng di tích ngày 7/12/1992 và lý lịch di tích miêu tả cụm di tích Lê Hiểm - Lê Hiêu gồm các thửa đất số 234 (nhà thờ họ) chiều dài 29m, chiều rộng 11m và thửa 212, chiều dài 49m, chiều rộng 24m, không có các hộ gia đình hiện đang là chủ thể tồn tại trên các thửa đất nêu trên.

 Nhìn ngôi đền bên ngoài vẫn uy nghi nhưng ít ai biết rằng khi đi vào bên trong mới thấy hết những hạng mục đang xuống cấp từng ngày.

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 5
Tường của ngôi đền bị nứt nghiêm trọng.

Ngay chính giữa ngôi đền, nơi đặt hương án thờ tự hai vị Quốc công Lê Hiểm - Lê Hiêu, ngói trên nóc nhà đã nứt vỡ, bong tróc khắp nơi. Bên phía gian trái của ngôi đền một số các kèo, cột đã mục nát, các khớp nối đã tung lìa ra ngoài. Ngôi đền đang bị lún, nghiêng mạnh về hướng Tây… Ngoài ra do không được thường xuyên quan tâm đầu tư, tu bổ nên một số các kiến trúc điêu khắc đẹp mắt có từ đời nhà Lê đang có dấu hiệu hư hại do mối mọt gặm nhấm, ăn mòn…

Ông Lê Văn Trắc, thủ từ của ngôi đền cho biết: "Tôi đã trông coi ngôi đền này lâu lắm rồi, tôi nhớ năm 2007, nhà nước có hỗ trợ cho ngôi đền được 80 triệu đồng để khắc phục một số các hạng mục bị xuống cấp nặng như đảo lại ngói, thay thế một số chuồng cửa… Tuy nhiên được một thời gian sau ngôi đền vẫn ngày một xuống cấp, ngói trên nóc bong tróc nên cứ mưa là nước dột tý tách vào trong đền, khiến cho một số các kiến trúc gặp nước là mốc meo, nhanh hỏng hơn".

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 6
Ngói trên nóc nhà bị nứt vỡ ngay trung tâm gian thờ.

Di tích quốc gia gần 500 năm tuổi "kêu cứu"    - 7
Một số các kiến trúc điêu khắc đẹp mắt có từ đời nhà Lê đang có dấu hiệu hư hại do mối mọt gậm nhấm, ăn mòn.

Còn ông Lê Văn Hợi, hậu duệ 18 đời của dòng họ Lê, phân trần: “Hai năm nay tôi có đề nghị với UBND xã xin được cấp kinh phí để tu sửa lại ngôi đền, nhưng cho đến nay vẫn không có ý kiến gì từ chính quyền địa phương. Hình như họ quên mất ngôi đền đang thờ hai vị tướng của dân tộc và là di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia!”.

Thanh Hoá và một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị, nhưng do công tác quản lý ở một số nơi còn chưa được quan tâm đúng mức nên xảy ra tình trạng di tích xuống cấp, bị lãng quên nhiều. Và đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu là một điển hình. Rất mong các cấp chính quyền huyện Nông Cống cũng như tỉnh Thanh Hoá sớm có biện pháp cứu ngôi đền kịp thời.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên