1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Đêm không ngủ trên bãi biển Thanh Khê

(Dân trí) - Chị Lê Thị Huệ ngất đi rồi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần khi nghe hung tin chồng chị cùng 32 ngư dân khác đã chìm sâu xuống đáy biển. Niềm hi vọng duy nhất của người vợ góa với 4 đứa con nhỏ lúc này là chỉ mong sao tìm thấy xác chồng.

Bốn đêm qua, bãi biển Thanh Khê luôn le lói ánh đèn và nghi ngút khói hương. Bốn đêm kể từ khi hung tin về hàng trăm ngư dân mất tích trong bão số 1, hàng nghìn người đã đổ ra đây mỏi mắt hướng về biển khơi với niềm hy vọng đang ngày càng cạn dần.

 

Không khí tang thương bao trùm khắp các ngõ xóm của phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Tiếng khóc hời của những người mẹ, người vợ có người thân đang bặt vô âm tín giữa mịt mùng biển khơi như cứa vào lòng người. Dọc theo con đường ven biển Nguyễn Tất Thành khói hương nghi ngút bên cạnh những chiếc lán được dựng vội. Những người phụ nữ chờ chồng, ngóng con trở về trong khắc khoải. Bốn ngày đêm vừa qua, đối với những người đàn bà bó gối ngồi nhìn ra biển khơi hun hút còn dài hơn cả đời người.

 

Chị Lê Thị Huệ ngất đi rồi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần khi nhận được tin dữ, chồng chị cùng 32 ngư dân khác đã chìm sâu xuống đáy biển. Người mẹ của 4 đứa con nhỏ ấy vẫn nuôi hy vọng chồng chị được tìm thấy xác. Giọng ông Lê Tài, bố chị Huệ nghẹn ngào, đứt quãng: "Nghe nói họ vớt được nhiều xác lắm... nhưng vẫn không tìm thấy xác thằng Thanh mô cả". Trong tiếng khóc ai oán, chị Huệ kể, đợt ra khơi này gia đình chị có 4 tàu, 3 tàu đang tham gia cứu hộ và một tàu DNA 90053 đã bị chìm.

 

Ngồi cạnh chị Huệ là ông Huỳnh Văn Bó, suốt mấy ngày hôm nay vẫn ông không ngưng cầu nguyện cho hai người con trai trên chuyến tàu có số hiệu DNA 6018 hiện đang mất tích. Ông vừa khóc vừa run rẩy nói như mê sảng về những điều kỳ diệu, những phép màu trong những lúc ngặt nghèo, về phước đức, nhân nghĩa ở đời. Chúng tôi không đủ can đảm ngồi lại với ông lâu hơn nữa khi nhìn những giọt nước mắt đặc quánh đọng lại trên khuôn mặt già nua, nhăn nhúm vì hơi muối biển đang đau đáu nhìn ra biển tuyệt vọng.

 

Với gia đình bà Phạm Thị Cảnh, nỗi đau này là quá lớn khi có đến hai người con rể và em ruột cùng đi trên chuyến tàu định mệnh 90199. Ba mươi năm trước, bà Cảnh trở thành góa phụ khi chỉ mới 29 tuổi, giờ đây, hai người con gái của bà cũng đang phải gánh chịu nỗi mất mát mà bà đã gánh gồng trong cả quãng đời đánh đu cùng biển cả.

 

Trước mất mát của bà con xóm giềng, gia đình ông Ngô Tấn Nhất phải giấu nỗi mừng vui đến tột cùng khi 24 thuyền viên trên con tàu của ông đều may mắn được cứu sống. Anh Lê Văn Chua, người vừa vượt cơn sóng bạc cùng 24 thuyền viên thoát hiểm trở về từ biển khơi suốt mấy ngày qua cũng nhập vào đám đông bên bờ biển ngóng chờ tin tức của những bạn thuyền khác. Đến giờ, anh vẫn như đang sống trong mơ, khi nhớ đến những giờ phút kinh hoàng trên biển, ánh mắt anh vẫn ánh lên sự sợ hãi đến cùng cực.

 

Anh Chua nhớ lại thời khắc quyết định mạng sống của đoàn thủy thủ trong đó có anh: “Khi tàu chúng tôi đến được nơi trú ẩn thì những tàu bè đến trước đã về đậu kín mít âu tàu. Không còn chỗ tránh bão, chúng tôi đành phải tháo hết giàn phơi mực vứt xuống biển, thuyền trưởng ra lệnh cho tàu chạy hết tốc lực quay trở lại hướng biển Việt Nam. Và ông trời đã có mắt, chúng tôi được bình yên trở về”.

 

Đêm 21/5, chúng tôi men dọc theo bờ biển Xuân Thiều, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn… dọc bãi biển từng tốp người vẫn đứng ôm nhau hướng ra biển ngóng chờ đoàn tàu cứu hộ đưa xác người thân cập bến. Cả vùng biển Thanh Khê tối 21/5 vẫn le lói ánh đèn, ánh sáng từ đất liền hướng đến biển khơi, nơi những con sóng bạc đầu đang từng giờ cướp đi niềm hy vọng của họ.

 

Cuối ngày 21/5 đã xác định được 22 tàu chìm với 315 ngư dân bị nạn. Trong đó, Đà Nẵng có 7 tàu chìm, 3 tàu mất tích với 198 lao động; Quảng Ngãi có 5 tàu chìm và mất tích với 43 lao động; Quảng Nam có 3 tàu mất tích với 39 lao động.

 

7 tàu bị chìm với 140 lao động:

 

ĐNa 90079 của ông Ngô Tấn Nhất (SN 1958), trú tổ 30, Thanh Khê Đông, có 22 lao động.

ĐNa 90190 của ông Trương Văn Minh (SN 1972), trú tổ 9, Xuân Hà, có 20 lao động.

ĐNa 90053 của bà Lê Thị Huệ (1965), trú tổ 15b Thanh Khê Đông, có 21 lao động.

ĐNa 90199 của ông Phạm Văn Xinh (1966), trú tổ 36 Thanh Khê Đông, có 21 lao động.

ĐNa 90093 của ông Ngô Văn Chiếu (1931), trú tại tổ 4 Xuân Hà, có 17 lao động.

ĐNa 90321 của ông Trần Văn Ý (1943), trú tổ 32 Thanh Khê Đông, có 21 lao động.

ĐNa 90154 của bà Nguyễn Thị Phượng (1965), trú tổ 36 Thanh Khê Đông, có 18 lao động.

 

3 tàu mất liên lạc với 58 lao động:

 

ĐNa 6126 của Đỗ Văn Đường (1960), trú tổ 35 Thanh Khê Đông, có 19 lao động.

ĐNa 6018 của ông Bùi Văn Vịnh (1956), trú tổ 8 Xuân Hà, có 20 lao động.

ĐNa 90247 của ông Nguyễn Văn Ánh (1957), trú tổ 39 Xuân Hà, có 19 lao động.

 

(Thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn)

 

 

Trần Đức - Ngọc Ánh