1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đệ nhất nước giếng” bên chân núi Nga

(Dân trí) - Giếng Am, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa nổi tiếng trong vùng không chỉ bới giếng có lịch sử lâu đời mà còn là nguồn nước trong mát, mang vẻ huyền bí. Người dân nơi đây còn mệnh danh cho giếng Am là: “Đệ nhất nước giếng”.

Giếng Am nằm ở phía Nam, thuộc thôn Sơn Hạ, xã Thanh Sơn, nằm ngay sát chân núi Nga. Miệng giếng rộng 4m, sâu gần 7m. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, giếng đã có từ rất lâu đời, từ khi có người đến khai sinh lập địa ở làng Tào - Nay một nửa thuộc xã Thanh Sơn, một nửa thuộc xã Thanh Thủy.
 
“Đệ nhất nước giếng” bên chân núi Nga - 1
Đường vào giếng Am

Giếng Am là do cư dân ấp Am, thuộc làng Tào khơi lên. Giếng được đào vào đúng nơi có mạch nước ngầm từ khe núi Nga và các núi như núi Chải, núi Tào đổ về. Chỉ cần đào vài mét thì mạch nước từ chân núi đã phun lên. Nước giếng bắt nguồn từ núi nên nước trong xanh, chưa bao giờ cạn.

Cụ Lương Luyện, thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy năm nay đã hơn 90 tuổi cho biết: “Hồi nhỏ nghe các cụ kể lại thì giếng Am được đào ngay cạnh miếu thờ thần rắn hai đầu và chùa Am. Chùa Am có cây Gụ đại thụ cao vút lên hàng mấy chục mét, đường kính hơn 1m. Tại đây cư dân ấp Am đặt làm nơi thờ để làm chỗ dựa tinh thần, cầu an tránh các loại ma quỷ quấy rối. Ngay giữa miếu thờ và chùa Am có một hố nước quanh năm chảy không ngừng, nước trong và rất mát. Vì vậy dân ấp Am đã xin thần rắn và thần chùa Am được đào giếng cho cư dân trong ấp dùng”.  

Mạch nước giếng Am chảy quanh năm, nước giếng lại trong xanh, có vị ngọt. Theo một số người dân thì nếu uống nước giếng Am không lo bị sôi bụng, hay nhiễm bệnh. Ban đầu khi giếng được đào lên thì chỉ phục vụ chủ yếu cho dân ấp Am, nhưng sau này thì các ấp khác thấy nước giếng Am mát lại có vị ngọt, uống không  bệnh tật thì cũng xin về dùng. Đặc biệt nếu dùng nước giếng Am nấu pha trà thì nước trà có màu vàng đậm nhìn rất bắt mắt, hương vị của ấm trà cũng nhờ đó mà thơm hơn. Bởi thế mà giếng được mệnh danh là “Đệ nhất nước giếng”.
 
“Đệ nhất nước giếng” bên chân núi Nga - 2
Lúc nào cũng rất đông người dân trong vùng đến lấy nước

Và cũng không biết từ bao giờ đã có bài thơ về giếng Am được lưu truyền trong nhân dân cho đến ngày nay. Để mỗi ai khi về đây đều nhớ những vần thơ:

“Giếng Am trời phú quê anh,
Nước trong hầm với chè xanh nên vàng
Chè xanh vị đậm sắc vàng
Vàng như vàng thật, thật vàng trời ban…”
 
Chính vì vậy mà giếng Am bây giờ không ai trong vùng là chưa dùng đến. Với người dân hai xã Thanh Sơn và Thanh Thủy, nấu một ấm chè xanh mà không có nước của giếng Am thì ấm trà rất vô vị. Đặc biệt hơn là nếu dùng nước giếng Am nấu trà khi rót vào chén, gợn trà sẽ không bị bám gây ố vàng vào chén. Người dân nơi đây còn có thể nhận biết được đâu là một ấm trà nấu bằng nước giếng Am, đâu là ấm trà nấu bằng nước ở giếng bình thường.
 
“Đệ nhất nước giếng” bên chân núi Nga - 3
Nước giếng luôn trong xanh
 
Không chỉ dùng pha trà để uống, hàng năm cứ dịp Tết đến xuân về, thì nhà nào cũng phải đi lấy bằng được vài can nước giếng Am về nấu bánh chưng, và nấu nếp. Bánh chưng nấu bằng nước giếng Am có màu xanh của đất, dậy lên được mùi hương nồng của nếp.  Bánh nấu bằng nước giếng Am thì bánh dù để lâu nhưng vẫn rất dẻo.
 
Nước giếng rất quý, chỉ dùng để nấu nước uống và  những ngày gia đình có công hệ trọng thì mới dùng để nấu nếp, gói bánh, chứ không bao giờ dùng tắm rửa, giặt giũ.

Ông Đỗ Trọng Huy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Hiện nay giếng đã được tôn tạo cho rộng và đẹp hơn, đoạn đường từ giếng nối với đường vào làng dài gần 700m đã được bê tông hóa giúp người dân đi lấy nước dễ dàng hơn”.

Ông Huy cũng cho biết thêm, có một số công ty về định xin thầu tu sửa lại giếng rồi bán nước cho dân, nhưng UBND xã kiên quyết từ chối, vì giếng không phải để kinh doanh mà để phục vụ nhân dân trong vùng. 
 
Hiện nay, nước từ giếng Am chủ yếu phục vụ nhân dân các xã như: Thanh Sơn, Thanh Thủy, và Ngọc Lĩnh. Thường thì vào mùa đông và xuân là giếng đầy nước, còn mùa hè và mùa thu, do nhu cầu người dân sử dụng cao nên giếng cạn nước.
 
“Đệ nhất nước giếng” bên chân núi Nga - 4
Lấy nước giếng Am về sinh hoạt đã trở thành thói quen của người dân nơi đây

Theo anh Nguyễn Duy Hòa, một người dân sống gần giếng Am cho biết: “Vào mùa hè lúc nửa đêm vẫn có người đi lấy nước, thậm chí là họ đi theo từng tốp một. Vì ban ngày số người đi lấy nước quá đông, ai đến trước thì được lấy trước, ai đến sau thì lấy sau. Nhiều người còn tranh thủ đi lấy nước từ lúc một, hai giờ sáng”.

Nhiều lúc, đi làm đồng vất vả mệt mỏi, người dân nơi đây đã tìm đến giếng Am uống vài ngụm nước thì cảm thấy vơi đi những mệt nhọc. Nhiều người còn quan niệm giếng Am có thể mang đến may mắn nên vào các mùa thi Đại học, Cao đẳng họ còn mang theo một bình nước được lấy từ giếng Am, vừa cầu may mắn, vừa dùng để đi đường uống.
 
Đức Văn - Duy Tuyên