1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đệ nhất “amatơ” cổ vật đất Hà thành

(Dân trí) - Giới chơi cổ vật không mấy ai không biết đến biệt danh lão Trường tóc bạc. Không những thế, nhiều tay chơi đồ cổ có tiếng ở Hà Nội lại tự nhận mình là học trò của ông như thể một “thương hiệu”, có biệt tài thẩm định niên đại và chất lượng cổ vật.

Tôi hỏi không dưới 10 người bạn thuộc giới chơi cổ vật, rằng: Có người nói "Vua" cổ vật bây giờ nhiều không xuể, chém cả ngày không hết, nhưng dường như chưa có ai nhận được tước phong đệ nhất tay chơi cổ vật "amatơ" thì phải. Không chần chừ, anh nói luôn tay chơi tư nhân amatơ nhất chính là ông Trường ở Quán Thánh mà giới chơi cổ vật thường gọi là lão Trường tóc bạc.
 
Đệ nhất “amatơ” cổ vật đất Hà thành - 1

Không gian tĩnh lặng giữa lòng biệt thự cổ

Giới chơi cổ vật không mấy ai lại không biết đến cái biệt danh lão Trường tóc bạc, không những thế nhiều tay chơi đồ cổ có tiếng ở Hà Nội bây giờ lại tự nhận mình là học trò của ông như thể là một "thương hiệu", có biệt tài thẩm định niên đại và chất lượng cổ vật. Lão Trường chẳng phải là Chủ tịch của hội cổ vật mà cũng chẳng tham gia câu lạc bộ cổ vật nhưng nhà của lão tháng ba mươi ngày, bất kể nắng mưa ngày nào cũng nườm nượp khách. Mà câu chuyện cũng chỉ xoay quanh mấy thứ liên quan đến cổ vật, nào là chuyện người này vừa mua được chiếc mâm bồng gốm thế kỷ 16, nào là chuyện chiếc đĩa men Celadon đã bị làm lại, rồi thì con dao đồng mục Đông Sơn của người nọ bị gãy vì tay chủ mới lao vào giới đồ cổ không biết cách bảo quản... Khách khứa nhiều, mỗi lần đến lại phải leo cầu thang lên sảnh tầng 2, thế là lão liền bàn với vợ bỏ cái mảnh vườn trước cửa biệt thự cổ tổ tiên để lại, làm cái quán cafê trông ra mặt đường Quán Thánh để tiếp đón anh em.

Lão lấy tên Art để đặt cho quán cafê nhưng giới chơi cổ vật thì chẳng mấy ai nhớ đến cái biển hiệu loằng ngoằng ấy mà chỉ gọi là quán cafê cổ vật. Ngót nghét 10 năm tồn tại, quán của lão trở thành nơi tụ họp không chỉ của giới chơi đồ cổ mà còn của những người yêu nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ. Những tay chơi cổ vật Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng rồi cả Long An, Cà Mau... mỗi lần ra Hà Nội cũng tìm đến quán cafê của lão. Gọi là quán vậy thôi nhưng lão cũng chẳng chú tâm kinh doanh, chỉ có duy nhất một cái bàn gỗ và và hàng ghế gỗ kê xung quanh như phòng khách nhà riêng. Những cái ghế ấy lão chỉ để mời những người yêu nghệ thuật, yêu cổ vật một ly cafê hay tách trà nóng và cùng ngắm nghía, luận bàn về cổ vật. Câu chuyện chơi cổ vật kiểu amatơ của lão không chỉ dừng ở việc hy sinh mảnh vườn không chỉ có giá trị văn hoá truyền thống tổ tiên lão để lại, mà tính ra giá thị trường chỉ cần cho thuê chỗ ấy thôi thì mỗi tháng lão cũng bỏ túi vài chục triệu đồng. Lão còn sẵn sàng tặng một món cổ vật quý giá cho người bạn nào đó mà lão quý mến chứ không giữ khư khư như nhiều người chơi cổ vật khác và lão cũng chẳng tặng bảo tàng để hòng kiếm chút hư danh như có người vẫn làm. Đối với lão, một người Hà Nội gốc từ xửa xưa thì cái tình thâm giao giữa những người bạn với nhau mới là quý.

Lang thang săn cổ vật

Vừa ngắm nghía con dao đá nhẵn nhụi, đen bóng mà người bạn vừa mang đến nhờ thẩm định niên đại, lão vừa kể về chuyến đi Tây Ban Nha tháng trước. Đến thủ đô Madrid, lão lần mò hỏi được người bản địa về chợ Sole chuyên bán đồ cũ. Nhưng hiềm nỗi, chợ Sole chỉ họp vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần mà ngày lão đến mới là ngày thứ hai đầu tuần. Thế là lão nghiến răng, bóp bụng gần một tuần đợi đến ngày phiên chợ họp. Trời chẳng phụ lòng lão, lang thang hai ngày ở chợ đồ cũ, cuối cùng lão mua được bức tượng cô gái bằng đồng, cũng thuộc vào hàng cổ vật có giá. Bức tượng ấy được lão bày trang trọng ở tủ kính trong cái không gian nhỏ của quán cafê. Rồi lão với tay chỉ vào bức tượng con nghê bằng gỗ và chiếc bát thời Lê, Trần được mua về từ Xiphuchạt, Thái Lan. Lang thang mấy ngày ở chợ biên giới, lão  mua được chiếc lư hương bằng gốm từ thời Mạc bày bán trong góc chợ. Trong bộ sưu tập chuyên về Lư của lão đến nay có tới hàng chục chiếc bằng các chất liệu khác nhau, đủ cả gốm, đồng, gỗ, đất nung. Mỗi chiếc lư mang đậm dấu ấn văn hoá của một thời, từ nét hoa văn thô sơ đến tinh xảo trải dài suốt dọc các triều phong kiến Lý, Lê, Trần, Nguyễn...

Trong bộ sưu tập ấy, có cả chiếc lư bằng sành vẽ các loài thủy tộc thô sơ, bộ 2 chiếc lư bằng đất nung không mầu, không men, rồi cả bộ lư 2 con nghê được làm từ đất Thổ Hà với men nâu đặc trưng... Trong căn phòng trên gác ba của ngôi biệt thự cổ, còn có những chiếc bình gốm, đĩa, âu, ang từ triều đại nhà Trần; các bộ đồ sứ ký kiểu từng được các vua chúa Việt Nam đặt làm từ bên Trung Hoa mang về dùng trong cung phủ và cả những chiếc lọ, đĩa quân, dầm, đĩa tống của chính các triều đại phong kiến Trung Hoa xưa. Chiếc tủ kính to đặt ngay ngắn trong góc nhà bày la liệt các loại cổ vật có niên đại từ thời Trần, Lê thuộc vào loại cổ vật đắt giá hiện nay như chân đèn bằng đồng thời Trần hoặc chiếc dao đồng từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn và những sản phẩm gốm Chu Đậu... Hoặc chiếc đĩa men trắng hoa lam từ thế kỷ 15 mà trước đó từng có chiếc tương tự được chào bán trên mạng giá hơn 1.000 USD. Chỉ tay vào bộ đĩa Celadon đời Trần có hoạ tiết nổi đôi cá vờn nhau, lão Trường lý giải: "Các hoạ tiết thời xưa rất hay vẽ hình cá bởi lẽ từ Cá trong tiếng Hán là Ngư (gần với âm dư). Các hoạ tiết đó thể hiện mong muốn của người xưa về một cuộc sống ấm no, dư dật". Dọc bậc thang lên sảnh tầng 2 là bộ sưu tập chó đá từ các triều đại Trần, Lê được bày dọc khắp các bậc thang. Bộ sưu tập chó đá mang đậm dấu ấn văn hoá của người Việt ở thời kỳ mà hầu như nhà nào cũng chôn một con chó đá trước cổng vì theo tín ngưỡng thời bấy giờ, có chó đá canh cổng sẽ ngăn được ma tà quấy nhiễu.

Lặn lội rừng sâu, suýt "vớ" đồ giả cổ

Nói về cái thú sưu tập cổ vật, lão chép miệng bảo, chẳng hiểu giời xui đất khiến thế nào chứ hồi còn nhỏ lão vốn là người mê hội hoạ, mỗi lần các hoạ sĩ đến nhà chơi, hoặc vẽ tranh với ông cụ thân sinh ra lão là hoạ sĩ Nguyễn Dung, lão đều nấp đằng sau tấm bình phong ở mé cửa nghe lỏm chuyện. Một hôm, đang ngồi thu lu sau tấm bình phong, lão giật nảy người khi nghe tiếng hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung gọi: Thằng cu Trường đâu, vào đây, đừng thập thò ngoài đó nữa. Thế là từ đó, lão bắt đầu được các hoạ sĩ bậc thầy bảo cho biết đặc điểm của hoạ tiết, hoa văn từng niên đại. Từ khi biết phân biệt hoa văn nào là của thời Lý, hoa văn nào là của triều đại nhà Trần... cậu bé Trường ngày ấy bắt đầu say mê các thứ đồ cũ. Một hôm đến nhà người bác ruột ở phố Hàng Gai, thấy có cái đĩa trông có vẻ cũ kỹ vứt chỏng chơ dưới gầm giường, cậu liền móc ra ngắm nghía một lúc thì phát hiện ra đó là một chiếc đĩa Celadon cổ. Cậu hỏi sao bác lại vứt cái đĩa quý như thế ở dưới gầm giường, người bác liền bảo: Cháu thích thì cứ lấy đi. Đó là món đồ cổ đầu tiên mà lão tóc bạc có. Đến năm 1969, trong một lần đi qua một ngôi đình ở Hà Tây vừa bị bom ném sập, dân làng thu dọn lấy những mảnh gỗ vụn về làm củi đun, thấy một người đàn bà gánh một miếng gỗ có hoa văn rất đẹp, lão liền hỏi mua, người đàn bà ấy bán cho lão miếng gỗ đó bằng giá củi đun. Mang về đến Hà Nội, một người đàn anh trong làng cổ ngoạn nói lão mới biết đó chính là đầu hổ phù bằng gỗ và là di tích duy nhất còn lại cho đến nay của ngôi đình cổ hàng thế kỷ đó.

 Lại có lần nghe người quen mách trên Hà Giang có bán những xô đồng cổ giá chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng một chiếc. Thế là lão hăm hở mò lên thị xã Hà Giang rồi bắt xe khách lên tận miền rừng heo hút. Nhưng lên đến nơi, lão mới phát hiện ra những chiếc xô đồng đó toàn là đồ giả cổ. Trong chuyến đi "săn" hụt đó, lão còn phát hiện ra kỹ nghệ làm giả cổ tinh xảo đến mức có lò chuyên làm giả cổ nuôi cả con hà cho bám vào món đồ, đến khi mang bán có cả xác hà bám trên đó, khiến nhiều người tưởng là cổ vật thật mà mua về.

Vào dịp gần tết này, lão càng bận. Chẳng ham tiền, lão chơi cổ vật như một số phận.

            Chu Bảo Vân