1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Hà Nội:

Đề nghị nâng thu nhập để tránh đình công

(Dân trí) - “Mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản không vi phạm pháp luật nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, mức lương đang trả là quá thấp. Thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp tăng thu nhập cho người lao động”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã nói như vậy trong cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ tình hình đình công với các Sở, ban, ngành liên quan cùng Ban quản lý KCN Thăng Long và các Tổng Giám đốc của 65 công ty đóng trên địa bàn KCN Bắc Thăng Long ngày 11/6.

Trong thời gian qua, một số vụ đình công tự phát của công nhân tại KCN Bắc Thăng Long liên tục xảy ra. Nguyên nhân chính vẫn là do người lao động đòi hỏi về mức lương, phụ cấp cũng như điều kiện sinh hoạt tại đây.

Tại buổi họp, các doanh nghiệp Nhật Bản đóng trong KCN đều bày tỏ mong muốn được sớm giải quyết tình hình để ổn định sản xuất. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, các cuộc đình công này đều diễn ra bất hợp pháp, không theo trình tự pháp luật.

Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho hay, các cuộc đình công, ngừng việc kéo dài và lan rộng như vậy là do một số phần tử kích động, xúi giục công nhân, thậm chí có một số trường hợp đe dọa, phá hại phương tiện đi lại của công nhân.

Vì thế phía các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam cần phải áp dụng các qui định pháp luật, dẹp bỏ các cuộc đình công bất hợp pháp và yêu cầu lao động đình công bất hợp pháp phải bồi thường.

Đánh giá trên góc độ công đoàn, bà Nguyễn Thị Hóa, Chủ tịch công đoàn các KCN và KCX Hà Nội cho rằng, 7 cuộc đình công, ngừng việc đã và đang có nguy cơ xảy ra (Panasonic, VICO, Nissei, Asahi Intecc, Yamaha, Sumitomo và Chiyodj Intergre) chủ yếu do chủ doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu của lao động.

Cụ thể mới chỉ có 34/65 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn; 11/65 doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương; 45/65 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nội qui lao động. Đây là những “khoảng trống” khiến doanh nghiệp và người lao động không thể đối thoại được với nhau.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đánh giá, nếu tình hình không có gì thay đổi thì tiềm ẩn đình công lan rộng là rất cao. Không chỉ doanh nghiệp, người lao động thiệt hại về kinh tế mà TP Hà Nội cũng thiệt hại về môi trường đầu tư, uy tín Thủ đô...

Hồng Ngân