1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBSCL họp khẩn phân công nhiệm vụ ứng phó áp thấp nhiệt đới

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới gần bờ, ngày 1/11, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL họp khẩn các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, các sở, ban ngành… để phân công cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó.

Theo đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện của địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Đồng thời phân công lực lượng, sẵn sàng các phương tiện túc trực ứng phó tình huống xấu xảy ra.

Đặc biệt bảo vệ an toàn hệ thống đê bao tại các cồn trên sông Hậu; sẵn sàng lực lượng thu hoạch lúa, hoa màu cho người dân khi thời tiết có mưa nhiều gây ngập úng.

Các tàu cá ở Phú Quốc cập bờ để tránh áp thấp nhiệt đới (ảnh CTV)
Các tàu cá ở Phú Quốc cập bờ để tránh áp thấp nhiệt đới (ảnh CTV)

Bến Tre, yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú ven biển, trong sông; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trong khoảng 5 -10 độ vĩ Bắc, 104,0-111,0 độ kinh Đông. Thực hiện nghiêm cấm tàu ra khơi từ 7 giờ sáng ngày 1/11 đến khi có thông báo mới.

Hiện tại, toàn tỉnh có 1.427 tàu, thuyền đánh bắt trên biển; đến 6 giờ sáng ngày 1/11 đã có 775 tàu với 3.879 lao động đã vào nơi neo đậu tại bến an toàn. Đối với các tàu hoạt động trên biển đã được cơ quan chức năng hướng dẫn thoát khỏi vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Bộ đội biên phòng, Sở, ngành chức năng, các địa phương,… tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ và chỉ đạo đối phó kịp thời mọi tình huống xảy ra.

Tại tỉnh Cà Mau, sáng ngày 1/11, tỉnh này đã tổ chức họp khẩn trực tuyến với các địa phương để lên phương án ứng phó với ATNĐ.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tính đến 5h ngày 1/11, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 464 tàu, 2.644 thuyền viên. Hiện đã liên lạc được 288 tàu thuyền và 1.587 thuyền viên.

Sáng ngày 1/11, Cà Mau họp khẩn thông tin và bàn các giải pháp ứng phó với ATNĐ. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Sáng ngày 1/11, Cà Mau họp khẩn thông tin và bàn các giải pháp ứng phó với ATNĐ. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh), lãnh đạo địa phương cho biết, hàng trăm phương tiện của ngư dân đã vào bờ neo đậu. Xã Khánh Hội là một trong những địa bàn của tỉnh Cà Mau cách đây 20 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 (bão Linda).

Tại huyện Trần Văn Thời, lãnh đạo huyện cho biết, khả năng sẽ di dời khoảng 1.000 hộ dân sống tại các vùng ven biển, nơi có khả năng sạt lở cao vào những nơi tránh trú an toàn.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị cập nhật thông tin liên tục sau mỗi 4 giờ về việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn, tránh trú, thoát khỏi vùng ảnh hưởng của ATNĐ; không cho tàu ra biển sau 18 giờ, kể từ ngày 1/11.

Ghi nhận của PV Dân trí, sáng ngày 1/11, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trên địa bàn 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đã có mưa.

Cà Mau có mưa gió mạnh trong sáng ngày 1/11. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Cà Mau có mưa gió mạnh trong sáng ngày 1/11. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã triển khai thông tin về áp thấp nhiệt đới và tình hình triều cường cũng như công tác triển khai ứng phó.

Để triển khai ứng phó và thông tin kịp thời đến người dân, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và phân công cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ đạo chủ động xuống các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng.

Đối với các huyện, thị xã ven biển, ven sông lớn như Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, Ban Chỉ đạo trực tiếp khảo sát các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án chủ động nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo đến ngư dân về việc cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt, kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn.

Đặc biệt, trong thời gian này, tỉnh Sóc Trăng đang chuẩn bị sự kiện lớn là Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 – Khu vực ĐBSCL 2017 nên tinh thần chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới để lễ hội thành công tốt đẹp.

Lãnh đạo sở Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh này có hơn 10.000 tàu đánh bắt hải sản. Trong đó có 45% tàu đánh bắt xa bờ. Hiện nhiều tàu đánh bắt gần bờ đã vào nơi trú an toàn, còn các tàu xa bờ cũng đang chạy vào.

Đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết: đơn vị đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động đang hoạt động từ 10 vĩ độ trở lên trong vùng ảnh hưởng vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn khoảng 6.000 phương tiện với hơn 30.000 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm từ 7-10 độ vĩ bắc.

Ông Lê Phước Săn - Trưởng điều hành đội tàu khách của Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong - cho biết tàu cao tốc có sức chứa hơn 300 khách từ Sóc Trăng ra Côn Đảo đã được lệnh tạm ngưng hoạt động để tránh áp thấp nhiệt đới.

Riêng 7 tàu cao tốc Rạch Giá- Phú Quốc; Hà Tiên - Phú Quốc; Rạch Giá - Đảo Nam Du (250-350 chỗ mỗi tàu) vẫn hoạt động bình thường. "Thời tiết trên vùng biển Kiên Giang hiện có sóng gió cấp 4-5, trong khi đội tàu chịu được sóng gió cấp 7", ông Săn nói.

Tại các địa phương ven biển như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, huyện Kiên Lương, An Minh và thị xã Hà Tiên, các lực lượng chức năng đã kịp thời thông báo diễn biến tình hình của áp thấp cho người dân, nhất là bà con sống ở khu vực rừng phòng hộ ven biển, sẵn sàng di dời khi cần thiết; triển khai biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, lồng bè cá…

Tại huyện Kiên Lương, trong sáng nay chính quyền địa phương thông báo không cho tàu thuyền ra khơi. Còn tài huyện đảo Phú Quốc, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Quốc đã có lệnh từ đầu giờ chiều cấm tất cả các phương tiện ra khơi.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện thị, thành phố phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, phân công trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo khi có tình huống xảy ra. Đề nghị các địa phương, nhất là các huyện ven biển rà soát lại các đê bao sản xuất để chủ động trong đối phó với triều cường, mưa lớn đề phòng ngập úng cho lúa đông xuân.

Đối với các tàu cá đang neo đậu trong bờ, Trưởng Ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Phú Quốc đã có lệnh, từ đầu giờ chiều cấm tất cả các tàu cá ra khơi (Ảnh: Hải Hành)
Đối với các tàu cá đang neo đậu trong bờ, Trưởng Ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Phú Quốc đã có lệnh, từ đầu giờ chiều cấm tất cả các tàu cá ra khơi (Ảnh: Hải Hành)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Khoa Toàn – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Chúng tôi vừa họp xong với lãnh đạo các xã, ngành chức năng để triển khai những công việc cụ thể phòng chống cơn bão này.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm 1/11, ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7; từ 1-11 đến hết ngày 2-11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Nhóm phóng viên ĐBSCL