1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dạy chữ cho tử tù

Biết được mơ ước cuối cùng của tử tù Cường là biết đọc, biết viết, Trung úy Huỳnh Liên đã dạy Cường đánh vần ê a từng con chữ. Lá thư đầu tiên trong đời của Cường thấm đẫm những giọt nước mắt của người con xin được tạ lỗi với người mẹ già ở quê nhà...

Nhiều năm qua, Trung úy Huỳnh Liên cùng đồng đội Trại tạm giam Công an Quảng Nam, vẫn âm thầm cảm hóa, gieo “mầm thiện” vào tâm hồn những người đã từng lầm lỗi giúp họ làm lại cuộc đời để hòa nhập cộng đồng.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Điện Bàn (Quảng Nam), từ lúc còn ngồi ghế nhà trường, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân với nhiều chiến công thầm lặng được người thân kể lại qua những câu chuyện luôn làm Huỳnh Liên kính phục, tự hào.

 

Năm 1993, anh tình nguyện đăng ký và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, được tuyển chọn vào phục vụ trong ngành Công an. Sau thời gian huấn luyện tại trường, anh Liên được điều động về công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn (thuộc Công an Quảng Nam - Đà Nẵng cũ).

 

Năm 1997, anh Huỳnh Liên tình nguyện vào công tác tại tỉnh Quảng Nam và được điều động về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Có lẽ mốc thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời anh Liên là sau 3 năm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của người thanh niên với Tổ quốc, anh Liên chính thức được biên chế vào ngành Công an.

 

Đây là bước ngoặt trong đời anh, từ chiến sĩ bảo vệ, năm 1998 anh Liên được cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tín nhiệm bầu làm cán bộ chỉ huy đội, công việc gì anh cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2006, anh được bổ nhiệm làm Đội phó phụ trách quản lý phạm nhân.

 

Là cán bộ quản giáo hằng ngày tiếp xúc với phạm nhân, anh Huỳnh Liên luôn nghĩ bất cứ làm việc gì, cái tâm đối với công việc là quan trọng nhất. Ngoài công việc quản lý, giam giữ người phạm nhân cũng không kém phần quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là làm sao để cảm hóa, giáo dục phạm nhân xóa bỏ mặc cảm với tội lỗi mà họ đã gây ra, giúp họ phấn đấu rèn luyện trở thành người lương thiện, nhen nhóm lên chút lửa thiện còn đọng trong họ, để sống có ích cho xã hội, cho gia đình và bản thân.

 

Để làm được công việc đó, anh Liên cùng anh em trong đơn vị đã gần gũi chia sẻ, giáo dục động viên can phạm bằng chính cái tình của con người đối với con người.

 

Theo anh kể: Nguyễn Hữu Cường, phạm tội giết người, khi vào trại Cường không biết một chữ bẻ đôi, nhưng bản chất hung hãn, ngoan cố, lỳ lợm thì có thừa ở Cường. Hơn nửa tháng trời, với cái tâm của người cán bộ quản giáo, anh Liên động viên, quan tâm chăm sóc, thuyết phục… bằng tất cả khả năng có thể. Dần dần Cường nhận ra lỗi lầm, sám hối.

 

Thật bất ngờ từ tên tội phạm nguy hiểm, hung hãn, sẵn sàng ra tay anh chị ở ngoài xã hội, Cường trở thành một người hiền từ, ngoan ngoãn. Biết được mơ ước cuối cùng của Cường là biết đọc và biết viết, anh đã dạy Cường đánh vần ê a từng con chữ, tập viết từng câu. Và Cường viết được lá thư đầu tiên trong đời, được cầm bút viết những dòng chữ nguệch ngoạc in đậm những giọt nước mắt của người con xin được tạ lỗi với người mẹ già ở quê nhà đang ngóng chờ con… mặc dù đã quá muộn đối với Cường.

 

Lúc bước chân ra pháp trường, Cường cố ngoái đầu lại nói lời cuối cùng: “Xin được cám ơn cán bộ nhiều lần”.

 

Có trường hợp anh Liên cùng cán bộ y tế vào chăm sóc một đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS, lúc đang tiêm thuốc thì bất ngờ đối tượng chụp lấy kim tiêm, dứ dứ trước mặt và nói: “Tôi đâm cho mấy ông nhiễm sida luôn...” anh Liên và cán bộ y tế vọt ra ngoài, đóng cửa và dùng tình cảm thuyết phục, hơn một giờ đồng hồ y mới giao lại cho cán bộ thứ “vũ khí” đáng sợ ấy…

 

Và rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cổ tích mà anh cùng đồng đội nhiều năm qua và hôm nay đang từng ngày, từng giờ âm thầm gieo những “hạt giống thiện” vào tâm hồn những người đã từng lầm lỗi… làm lại cuộc đời để hòa nhập cộng đồng và sống có ích cho xã hội.

 

Với những thành tích trong công tác cải tạo phạm nhân, Trung úy Huỳnh Liên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an Quảng Nam.

 

Vinh dự hơn anh là đoàn viên thanh niên của ngành Công an được Ban Công tác thanh niên Bộ Công an đề cử, đại diện cho đoàn viên thanh niên trong ngành Công an của 64 tỉnh, thành trong cả nước tham dự chương trình “Người đương thời” được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trong tháng 4/2008 tại Hà Nội.

 

Theo Tam Thang

Công an Nhân dân