1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Đau lòng những cái chết do bom đạn chiến tranh sót lại

(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa, song với lượng bom mìn còn sót lại, đâu đó vẫn vang lên những tiếng đạn bom nổ chát chúa, cướp đi nhiều sinh mạng.

Đau lòng những cái chết do bom đạn chiến tranh sót lại - 1
Hiện trường vụ nổ tại nhà anh Nguyễn Văn Minh hồi tháng 5/2009
 
Tại TP Đà Nẵng vài năm trở lại đây đã xảy ra không ít những vụ cưa đầu đạn để khai thác phế liệu dẫn đến những cái chết thương tâm.

 

Mới đây  nhất là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11h ngày 29/10/2010. Hôm đó, hàng chục người dân thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng hoảng loạng khi nghe tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ nhà ông Nguyễn Xí (trú cùng thôn). Khi người dân xung quanh chạy đến thì đã thấy anh Đinh Văn Vương (30 tuổi, con rể ông Xí) nằm trên vũng máu, thi thể không còn nguyên vẹn.

 

Khu lán trại và hiện trường xung quanh bị tàn phá nặng. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã có mặt để điều tra nguyên nhân, xác định do anh Vương cưa đầu đạn 105 ly để khai thác phế liệu khiến đạn nổ gây tử vong.

 

Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện và thu giữ 4 vỏ đầu đạn 105 ly, 1 vỏ đạn cối 81 ly nằm ngổn ngang.

 

Trước đó, vào chiều  ngày 29/7/2010, ông Ngô Phụng (46 tuổi, trú thôn Phú Sơn Tây, Hòa Khương, Hòa Vang) trong lúc cưa bom lấy thuốc cũng bị bom nổ làm ông dập nát bàn tay, chấn thương nặng vùng đùi.

 

Điều đáng nói, do tàng trữ trái phép các loại phế liệu cấm nên ông Phụng đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính song ông Phụng vẫn chứng nào tật ấy. Không những tiếp tục buôn bán, tàng trữ các loại đạn, bom phế liệu, ông Phụng còn tiến hành cưa để lấy thuốc bán trái phép.

 

Cơ quan chức năng đã tịch thu tại nhà ông Phụng 26 đầu đạn lớn 106,7mm; 18 đầu đạn nhỏ (đạn cối 81) và 30 ống thuốc phóng tên lửa cùng nhiều viên đạn. Toàn bộ số vật liệu nổ nguy hiểm này đã được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy ngay sau đó tại khu quân sự Đồng Nghệ.
 
Đau lòng những cái chết do bom đạn chiến tranh sót lại - 2
Tiêu hủy vật liệu nổ trái phép tại khu quân sự Đồng Nghệ.

 

Tháng 5/2009, báo Dân trí từng có bài viết về một trường hợp nổ mìn không còn nguyên thây tại thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng). Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Minh (46 tuổi) làm nghề buôn bán sắt phế liệu, tự rước “thần chết” về nhà.

 

Trưa ngày 23/5/2009, anh Minh đem một quả mìn ra cưa, mìn phát mổ khiến thân thể anh bay tứ tán khắp xóm. Ngay chỗ anh cưa, mìn “khoét” một hố sâu gần nửa mét, rộng hơn 1m khiến ai nhìn cũng rùng mình. Chuồng heo bị quả mìn thổi bay, cây cối ở gần bị tuốt sạch lá...

 

Tại hiện trường còn lại một đống “thần chết” gồm 4 đầu đạn 105 ly, 3 quả cối 81, 4 quả pháo sáng khiến mọi người không dám đến gần. Sau khi vụ nổ xảy ra, hàng xóm của anh Minh phải đi tìm khắp xóm mới thấy đầy đủ bộ phận của thân thể anh về để mai táng.

 

Những vụ nổ kinh hoàng nói trên, nguyên nhân chính là do một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức hết sự nguy hiểm của loại vũ khí chiến tranh còn sót lại này. Nghĩ rằng những món đồ gỉ sét ấy chỉ là phế liệu, họ không ngờ “thần chết” đang rình rập bên trong.

 

Bên cạnh đó, việc người dân lén lút thu gom bom đạn làm phế liệu là do công tác tuyên truyền, vận động người dân giữa các ngành, đoàn thể địa phương trong việc nâng cao hiểu biết và thực hiện việc tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Do đó, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do bom mìn gây ra, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng thu mua, khai thác bom mìn còn sót lại từ chiến tranh. Người dân khi phát hiện các loại phế liệu đạn dược phải tự giác giao nộp hoặc báo cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý an toàn.

 

 

Công Bính