1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Dân hoang mang vì nước chung cư bốc mùi

(Dân trí) - Gần chục ngày nay, người dân toà chung cư N3A, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) phát hoảng vì nước sinh hoạt đột nhiên bốc mùi tanh nồng, hôi thối rất khó chịu.

Dân hoang mang vì nước chung cư bốc mùi - 1
Bể nước ngầm nằm ngay cạnh cống thoát nước sinh hoạt, một đường ống nhỏ được dẫn ra để nhân dân “dùng tạm”
 
Biết nước bẩn vẫn phải dùng

 

Theo phản ánh của người dân sống tại đây, nước sinh hoạt trong đơn nguyên 2 của toà nhà (từ số 08 đến số 14 các tầng) bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, không thể sử dụng được. Khoảng chục ngày nay, nước đột nhiên bốc mùi hôi thối, tanh nồng rất khó chịu.

 

Bác Lưu Thị Gái sống tại phòng 208 cho biết, gia đình bác chuyển đến đây sống hơn 2 tháng nay. Lúc mới về chỉ thấy nước có mùi dầu, vì cho rằng đường ống mới nên không lo ngại lắm. Nhưng mấy ngày nay, nước bỗng nhiên có mùi khó chịu. “Nước rất tanh, không thể ngửi nổi. Nước đun sôi lên rồi vẫn còn mùi tanh, rất khó uống”, bác Gái cho biết.

 

Các hộ khác ở cùng đơn nguyên với bác Gái đều chịu chung cảnh nước có mùi như vậy. Bác Nguyễn Trí Điệt (phòng 308) bức xúc: “Tôi vẫn phải dùng nước đó nhưng chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt rũ. Nước ăn thì phải mua cả một bình nước tinh khiết dùng dần, rất tốn kém. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là nó có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của chúng tôi. Bây giờ tôi phải dùng nước tinh khiết để rửa mặt vì sợ đau mắt”.

 

Ghi nhận của PV Dân trí, nước tại các phòng trong đơn nguyên 2 của nhà N3A đều có mùi tanh, có phòng mùi nồng nặc, rất khó chịu. Hầu hết các hộ này đều chỉ dám dùng nước máy này để sinh hoạt cá nhân chứ không dám sử dụng để nấu ăn. Nhà bác Gái vẫn “liều lĩnh” đun nước sôi để sử dụng nhưng hạn chế hết mức có thể.

 

Phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, có mùi tanh nồng, khó chịu, nhiều người dân trong khu nhà đã “đổ bệnh”. Bác Điệt mới chuyển đến đây được một tuần nhưng không thể nào quên được cái hôm đầu tiên chuyển đến. Bác ở một mình, nấu một nồi canh ăn rồi cả đêm đó không ngủ được vì đau bụng, đi ngoài tới 7 lần.

 

Chị Nguyễn Thu Thuỷ (phòng 512) cho biết, mấy ngày nay chị bị đau mắt là do rửa mặt bằng nước máy. Nhà chị cũng có mấy người liên tục bị đi ngoài. Rất nhiều hộ gia đình khác cũng “tố” với chúng tôi là do dùng nước không đảm bảo vệ sinh nên người thân của họ đã có vấn đề về sức khoẻ.

 

Mấy ngày gần đây, các hộ này đều phải “lạch cạch” xuống tầng 1 xách nước sạch từ một vòi bơm về sử dụng. Nhiều thanh niên trong toà nhà còn tắm ngay tai khu vực vòi bơm này, sau đó xách nước về cho gia đình dùng.

 
Dân hoang mang vì nước chung cư bốc mùi - 2
Cách “chữa cháy” cho hệ thống cống đang tắc nghẽn của khu nhà.
 

“Quả bóng” trách nhiệm: đá qua đá lại

 

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu nhà, hàng chục hộ dân không giấu bức xúc trước cảnh “ngổn ngang” của cống rãnh xung quanh. Các ống cống đầy ứ nước thải hôi thối, nắp cống sập, bê tông, gạch vụn ken đầy lòng cống. Theo những người dân sống ở đây, chính sự tắc đường thoát nước thải này dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt của họ có mùi lạ.

 

“Hệ thống cống quanh toà nhà chưa được thông với hệ thống thoát nước của thành phố. Cho nên, nước thải sinh hoạt của các hộ dân trong toà nhà đều phải “tự tiêu”. Do quá đầy nước đã tràn lên, ngấm qua thành bể ngầm trữ nước, gây ô nhiễm nguồn nước ăn” - bác Nguyễn Mậu Minh, trưởng Ban đại diện toà nhà N3A nêu quan điểm về hiện tượng nước nhiễm bẩn (Do chưa được phép thành lập tổ dân phố nên các hộ dân ở đây đã lập một ban đại diện tạm thời, đại diện cho các hộ lên tiếng). Hàng ngày, một xe chở nước thải được “điều” đến đây, hút hàng chục chuyến để tạm thời “giải nguy” cho cống rãnh khu vực này.

 

Chứng kiến tận mắt tại hiện trường, bể nước ngầm cấp nước cho toà nhà nằm ngay sát cống thoát nước. Theo những hộ dân, bể này đã bị nứt, nước thải ngấm thẳng vào bể, gây nên mùi hôi thối, tanh nồng. Ngày 17/4, các cơ quan chức năng trong quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đã xuống mở nắp bể kiểm tra và khẳng định sự việc trên là có thật. Trung tâm y tế dự phòng quận đã lấy mẫu nước đem kiểm tra song đến lúc này nhân dân vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về tình hình ô nhiễm của nước họ đang sử dụng.

 

Tại bể nước ngầm, một chiếc vòi đã được gắn để lấy nước trực tiếp từ ống ngầm cho nhân dân sử dụng, không thông qua bể nữa. Đây chính là nơi người dân phải “hì hụi” lấy nước mang lên các tầng sử dụng.

 

Ông Lê Bá Nghị, Khối trưởng khối 1, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco có cách giải thích khá khôi hài về sự việc này. Ông cho rằng, do người dân đang quen sử dụng nguồn đã được xử lý bằng Clo. Nguồn nước của công là nước tự nhiên, lấy trực tiếp từ sông Đà nên người dân tạm thời “chưa quen” với “mùi vị” của nước.

 

Anh Nguyễn Tiến Thắng, người trực tiếp bơm nước cho khu nhà này cho biết, họng hút nước của bể nước ngầm bị hỏng, gây rò bể. Song vì chủ đầu tư (Công ty cổ phần phát triển nhà số 6 - PV) chưa bàn giao các hạng mục cung cấp nước sạch cho công ty Viwaco nên công ty CPPT nhà số 6 phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục hỏng hóc trên. Tạm thời, công ty nước sạch Viwaco ngừng cấp nước cho các hộ, chỉ dẫn một họng nước cho nhân sử dụng.

 

Về hệ thống thoát nước gây ảnh hưởng tới bể nước ngầm, khi trao đổi với Tổ quản lý nhà KĐT Trung Hoà - Nhân Chính, nơi trực tiếp quản lý khu nhà này, một lần nữa trách nhiệm lại được “đá” sang cho Cty CPPT nhà số 6. Nguyên nhân là do họ mới chỉ tiếp nhận các căn hộ để đảm bảo tiến độ di dân, tái định cư cho các gia đình từ việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 khu vực Thanh Xuân chuyển về. Còn các hạng mục bên ngoài, Xí nghiệp QLDV & KT khu đô thị chưa nhận bàn giao nên… vô can(?).

 

Trách nhiệm bị các bên dồn hết cho Cty CPPT nhà số 6, song khi PV đến liên hệ tại Cty, toàn bộ lãnh đạo đang… bận đi họp. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi sự việc được làm sáng tỏ.

 

Tiến Nguyên - Lê Quân