1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đại công trường” Sài Gòn

(Dân trí) - Năm 2008, với hàng lọat công trình mới khởi công và những công trình cũ tăng tốc chạy tiến độ… Sài Gòn trở thành một “đại công trường”. Mùa mưa đến, “đại công trường” Sài Gòn vẫn chễm chệ nằm im, giăng đầy TP, chỉ khổ người dân…

Toàn cảnh “đại công trường” đào đường

 

Đứng trước yêu cầu tăng tiến độ để Ngân hàng thế giới xem xét gia hạn vốn vay ODA, dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cuống cuồng rào đường thi công trong năm nay. Dự kiến năm 2008, riêng dự án này sẽ đào trên 100 tuyến đường. Hàng lọat dự án khác cũng đứng trước yêu cầu tăng tiến độ để giải ngân. 

 

Theo Sở Giao thông Công chính TPHCM, đến ngày 14/5/2008, toàn TP có 105 hàng rào thi công được dựng lên trên 49 đường. Thế nhưng, đó chỉ là các tuyến đường rào dài ngày của 3 dự án lớn là: Vệ sinh môi trường TP (rào 45 vị trí tại 22 đường), Cải thiện môi trường nước (53 vị trí trên 22 đường) và Nâng cấp đô thị (7 vị trí trên 5 đường).

 

Còn hàng lọat dự án thoát nước nhỏ lẻ khác, rào 5 bữa, 1 tuần để thi công cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Hiện nay, toàn TP có khoảng 145 dự án thoát nước, trong đó có 45 dự án thuộc Sở GTCC. Các dự án này triển khai thi công suốt trong năm thì số vị trí phải đào trên đường phố Sài Gòn lên đến hàng ngàn.

 

Đó là chưa kể đến dự án Cải thiện hệ thống cấp, thoát nước ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm sắp sửa triển khai dự án thành phần 5, 6. Theo kế hoạch, dự án này sẽ triển khai đào 38 km đường trên địa bàn 49 phường thuộc 14 quận huyện vào cuối năm nay.

 

Và hàng lọat dự án cải tạo đường phố cũng phải đào xới mặt đường, lật vỉa hè, vây hàng rào… Chẳng hạn như dự án Đại lộ Đông Tây dài đến 21km, đi qua 7 quận huyện, rào hàng loạt tuyến đường, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường sống của người dân rất nhiều nhưng phải đến năm 2010 mới xong.

 

Chưa hết, các dự án đào đường đặt ống cấp nước cũng góp phần không nhỏ làm tăng số km đường bị đào ở TPHCM. Tiêu biểu là dự án lắp đặt ống cấp nước phi 2000 của nhà máy nước BOO Thủ Đức đã phải đào hàng chục km.

 

Ô nhiễm và kẹt xe

 

Kẹt xe là một điều không thể tránh khỏi khi mặt đường bị rào từ 1/2 cho đến toàn bộ, trong khi số xe của TP đứng đầu cả nước (3 triện xe máy, 300.000 ôtô). Theo sở GTCC, đến cuối năm 2007 TP có 36 điểm ùn tắc giao thông. Nhưng theo phòng CSGT đường bộ TPHCM thì đến nay toàn TP có đến 128 vị trí thường xuyên ùn tắc.

 

Hệ quả thứ 2 mà người dân thường xuyên phải gánh chịu từ các công trình đào đường này là bụi đất ô nhiễm tăng cao. Nhiều công trình thi công cẩu thả, thải đất và nước ra khỏi hàng rào, đổ vào cống trong khi hàng rào vây hết mặt đường, tiến sát nhà dân; điển hình như hàng rào trên góc đường Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo.

 

Chưa kể đến thiệt hại kinh tế mà người dân phải gánh chịu khi hàng rào dựng ngay trước cửa nhà, buôn bán ế ẩm, mặt bằng không ai dám thuê… Nhiều công trình còn gây nghiêng, nứt nhà dân; vật liệu thi công vương vãi trên mặt đường gây ra tai nạn…

 

Những nguy cơ, thiệt hại ấy đang tăng cao khi “đại công trường” đào đường ngày càng mở rộng. Nguy cơ, thiệt hại ấy còn có khả năng sẽ kéo dài hơn dự kiến vì vật giá leo thang, nhiều công trường mở ra chỉ để báo cáo, còn thi công thì không vì… sợ lỗ.

 

Ngoài ra, mùa mưa đã đến, nhiều đơn vị thi công nghiêm túc cũng than phải trễ tiến độ vì… nước mưa. Một kỹ sư trên công trường đào đường Nguyễn Văn Trỗi (dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho biết: “Khi mưa xuống, nước ngập hết hố công trình, chúng tôi phải bơm ra hết mới thi công được. Khi lấp hố công trình mà gặp trời mưa, phải chờ mấy ngày cho đất ráo nước mới có thể lèn chặt, tráng nhựa tái lập mặt đường”.

 

Tùng Nguyên