1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu Quốc hội sôi nổi tranh luận cảnh... diễn viên hút thuốc

(Dân trí) - “Phim ảnh Hollywood ngày nay không còn cảnh diễn viên hút thuốc. Nếu có cũng dụng ý người sử dụng thuốc lá đều là diễn viên thật mập, hoặc thật gày gò, ốm yếu, làm sao cho điếu thuốc không tôn lên vẻ sang trọng hay vẻ đẹp của người diễn”…

Đại biểu Hoàng Hữu Phước nêu dẫn chứng để thấy quy định buộc làm mờ hình ảnh diễn viễn hút thuốc là hợp lý, hợp thời. Hôm qua, 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
 
Đại biểu Quốc hội sôi nổi tranh luận cảnh... diễn viên hút thuốc - 1
Khó cấm cảnh hút thuốc khi chiếu phim nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận thẳng vấn đề lợi - hại của thuốc lá đối với đời sống, nền kinh tế đất nước, đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) khái quát, cả nước hiện có hơn 200.000 người dân vùng chuyên canh trồng thuốc lá (loại cây xóa đói giảm nghèo), 20.000 người đang làm việc tại các nhà máy sản xuất thuốc lá. Đề cập vấn đề giảm trừ thuốc lá có ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu và thuốc lá ngoại có tràn vào Việt Nam không?

Ông Bản tự kết luận, dù sao, những cản trở đó so với tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, tính mạng của con người và môi trường, cái giá phải trả còn lớn hơn rất nhiều.

Tán thành phân tích đó, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đặt lên bàn cân: sản xuất kinh doanh thuốc lá là một ngành đem lại lợi nhuận trước mắt cho nền kinh tế nhưng việc sử dụng thuốc là cũng đang gây tổn thất lớn.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, dự báo đến năm 2020, số người chết do thuốc lá sẽ cao hơn gấp 4 lần số người chết do HIV/AIDS và tai nạn giao thông. Hàng năm, người Việt Nam phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua thuốc hút. Chính phủ và người dân cũng đồng thời phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) đề cập quy định không được lạm dụng việc sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Bà Thảo cho rằng điều khoản này sẽ không khả thi vì rất nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới và Việt Nam đều có cảnh diễn viên hút thuốc lá. Những cảnh đó mang lại tác động rất đắt giá cho tác phẩm.

Nữ đại biểu lấy ví dụ bộ phim "Ván bài lật ngửa" có cảnh của diễn viên đóng vai Nguyễn Thành Luân khi suy tư có cầm điếu thuốc lá trên tay, tạo nên tác động rất mạnh về mặt nghệ thuật. Nếu buộc dùng hình thức che mờ, bỏ cảnh, hoặc có câu cảnh báo về việc hút thuốc lá lên sẽ gây phản cảm cho các bộ phim, tác phẩm. Cũng không thể nào áp dụng quy định cho những bộ phim “nhập ngoại”.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) lập tức “phản pháo” cho rằng, việc sử dụng hình ảnh diễn viên cầm điếu thuốc lá để biểu đạt dụng ý nào đó đã lỗi thời. “Thời Nguyễn Chánh Tín cầm điếu thuốc lá để biểu đạt nội tâm đã qua. Phim ảnh Hollywood ngày nay không còn cảnh sử dụng thuốc lá điếu. Nếu có cũng dụng ý người sử dụng thuốc lá đều là diễn viên thật mập, hoặc thật gày gò, ốm yếu, làm sao cho điếu thuốc không tôn lên vẻ sang trọng hay vẻ đẹp của người diễn. Nếu không phải nhân vật chính thì người diễn viên cũng vào vai một tên lưu manh, phản diện. Kết quả của những diễn viên hút thuốc cũng không có hậu, anh ta sẽ bị bắn hạ”.

Cả nghị trường cười ồ vì những lý lẽ, ví dụ tranh luận sinh động.

Về vấn đề thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho một phiếu thuận vì hiện tại, kinh phí kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam chủ yếu dựa vào các nhà tài trợ quốc tế (chiếm khoảng 90%). 10% còn lại do Chính phủ hỗ trợ. Nguồn tài chính như vậy không chủ động nên việc thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá không đồng bộ, thường xuyên. Trong thời gian tới khi Việt Nam vượt qua ngưỡng nước nghèo, nguồn tài trợ quốc tế cũng bị giảm đi.

Đại biểu kết luận, để có nguồn tài chính ổn định, bền vững, lâu dài, không ảnh hưởng đến ngân sách nhằm mục tiêu kiểm soát thuốc lá, việc lập quỹ như dự thảo luật đưa ra là hợp lý. Đại biểu cũng đồng ý phương thức thu quỹ từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính theo mức tuyệt đối trên 1 bao thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và kiến nghị giao Bộ Y tế quản lý, sử dụng.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) phân tích thêm, nhu cầu chi cho công tác trị bệnh liên quan đến thuốc lá rất lớn, theo ước tính của Bộ Tài chính khoảng 420 tỷ đồng trong khi năm 2011 ngân sách cấp cho công tác này gần 1 tỷ đồng. Ở Thái Lan, kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá gấp 250 lần Việt Nam nhưng số lượng người hút thuốc lá của Thái Lan chỉ bằng 2/3 Việt Nam.

P.Thảo