1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn

Phần <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/11/154858.vip">đăng đàn thẳng thắn</a> của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 27/11 đã giải tỏa bức xúc của một số đại biểu trước cách trả lời câu giờ, nhận trách nhiệm quá dễ dãi của một số bộ trưởng. Thậm chí, một số đại biểu cho rằng, đây là phiên chất vấn thành công nhất nếu xét trên phương diện hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: “Phiên chất vấn thành công nhất”

 

Kết quả quan trọng nhất của phiên chất vấn là làm thay đổi một điều gì đó của cuộc sống. Qua 10 phiên chất vấn tôi tham dự thì đây là phiên đạt kết quả nhất. Ngay trong hôm qua, những vấn đề lớn đã được Thủ tướng xem xét, quyết định. Ví dụ thủy lợi phí chắc chắn có chiều hướng giảm; điện có tăng, nhưng không tác động trực tiếp đến 80% dân số... Chưa bao giờ kiến nghị của nhân dân tác động qua đại biểu Quốc hội, rồi đại biểu tác động lên Chính phủ được giải quyết nhanh chóng như thế. Điều này sẽ đặt tiền đề cho những kỳ chất vấn trong nhiệm kỳ sau.

 

Có thể có một số bộ trưởng trả lời chưa tốt, nhưng phải rạch ròi đấy là chủ quan hay khách quan. Chẳng hạn vấn đề nhà đất, thẩm quyền các bộ trưởng rồi luật pháp chưa rõ ràng gây khó khăn nhất định cho người trả lời. Có trường hợp như Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, do nhận thức chủ quan có vấn đề, trả lời phản cảm, Quốc hội tỏ thái độ rất rõ ràng là đề nghị ban hành một nghị quyết. Việc này Quốc hội chưa bao giờ làm, trong khi luật có quy định.

 

Với 3 tân bộ trưởng (Giáo dục, Tài chính, Giao thông), mặc dù lần đầu tiên đăng đàn, song tôi cho rằng cả ba vị đã hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn thành xuất sắc là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ông đã trả lời rất sắc sảo, cụ thể, chứng tỏ nắm được vấn đề và thực sự muốn giải quyết chúng. Ví dụ, Bộ trưởng thừa nhận in các phôi bằng của Bộ, dùng tiền lãi để lo công đoàn, cơm trưa cho Bộ là sai. Bộ trưởng Nhân thừa nhận rất thẳng thắn và cam kết chấm dứt điều đó.

 

Có nhiều người chưa hài lòng hoàn toàn với cách trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, nhưng phải đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể, ông nhận một gia tài với nhiều vụ tiêu cực như PMU18. Nếu đòi hỏi Bộ trưởng phải có thay đổi ngay thì không đơn giản. Tôi thấy mấy tháng ở vị trí Bộ trưởng mà nắm được từng ấy vấn đề và trả lời như thế cũng là thỏa đáng. Còn về 4 tháng nhậm chức, chưa có chương trình hành động, đó chỉ là một cách nói. Một người khi nắm vị trí nào đó tất yếu phải có định hướng nhất định.

 

Đại biểu Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn  - 1

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân: “Có bộ trưởng còn câu giờ, nhận khuyết điểm quá dễ”

 

Kỳ chất vấn này tiến bộ hơn, các câu hỏi đã ngắn, cách trả lời cũng ngắn gọn, nhưng vẫn còn đại biểu đặt câu hỏi dài quá, hỏi để biết. Tôi và các đại biểu khác có cảm giác các Bộ trưởng nhận khuyết điểm dễ quá, như một cách cho xuôi công việc trả lời chất vấn. Nhận khuyết điểm là để sửa, chứ không phải để đấy, cử tri và đại biểu Quốc hội chờ đợi cách sửa, điều hành của các Bộ trưởng như thế nào sau một kỳ họp, chứ không chỉ nhận lỗi tại kỳ họp...

 

Còn nhận xét từng bộ trưởng, trước hết là anh Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Bộ trưởng mới, nhậm chức cũng 4-5 tháng nhưng chưa thấy chương trình hành động và thứ tự ưu tiên cần giải quyết vấn đề gì là không được. An toàn giao thông là vấn đề không mới, anh nói sẽ đưa chương trình hành động sớm hơn tháng 6/2007, như thế là quá chậm, trong khi mỗi ngày chết 30 người vì tai nạn. Anh Dũng trả lời rất gãy gọn, nhưng chưa giải quyết được băn khoăn của cử tri và đại biểu Quốc hội.

 

Đối với Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, cách trả lời cũng giống người tiền nhiệm, vấn đề khó thì trả lời rất ngắn, vấn đề dễ thì câu giờ. Câu hỏi của tôi về giá đất là rất cụ thể, nhưng về cách giải quyết Bộ Tài chính không nói gì, để ông Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực trả lời, trong khi trách nhiệm chính là của Bộ Tài chính. Tôi hơi thất vọng về báo cáo của Bộ này.

 

Trong các bộ trưởng, phần trả lời của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo là tôi ưng ý nhất. Ý tưởng của Bộ trưởng rất nhiều, tôi hoan nghênh cái đó, nhưng có lẽ phải lựa chọn trọng điểm và lộ trình ưu tiên giải quyết. Giáo dục như một cái nhà, động đến chỗ nào cũng thấy cần sửa, nhưng mình rút cái mè không khéo thì cả nhà sụp.

 

Đại biểu Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn  - 2

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc: “Các bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ”

 

Về các thành viên Chính phủ, phải thấy được một số bộ trưởng trả lời khi đã làm gần hết nhiệm kỳ, có bộ trưởng rất mới, nhưng đa số đã nắm được vấn đề. Tôi rất ưng ý với phần trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Người thủ trưởng phải đặt đúng vị trí, thấy được trách nhiệm của mình thì rất chủ động, rất có khả năng phát huy hết sức mạnh.

 

Còn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, cũng có người chê trách vì anh Dũng nói sau 4 tháng nhậm chức chưa có chương trình hành động. Thực ra, đó chỉ là cách nói. Mỗi người khi vào vị trí nào đó bao giờ cũng không phải lo việc trước mắt mà phải hoạch định nhiệm vụ trong 5 năm tới, tức là phải có tầm nhìn. Nhưng do tính chất phức tạp của Bộ nên người ta phải thâm nhập vào. Điều đầu tiên là phải duy trì cho bộ máy của Bộ hoạt động theo cơ chế hiện hành, rồi sau đó điều chỉnh thế nào là việc khác.

 

Theo Hồng Khánh
Vnexpress