1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng họp khẩn ứng phó thiên tai chuẩn bị APEC

(Dân trí) - Trong những ngày tới, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng - thành phố chủ nhà Tuần lễ Cấp cao APEC - có thể có mưa lớn đến rất lớn, dự báo kéo dài đến ngày 3 - 4/11.

Tối 1/11, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn đến làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về ứng phó thiên tai trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chuẩn bị ứng phó thiên tai phục vụ APEC do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn vừa làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tối 1/11
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chuẩn bị ứng phó thiên tai phục vụ APEC do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn vừa làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tối 1/11

Tại buổi làm việc, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đà Nẵng với việc đã sớm có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh thông tin: Ngày 31/10/2017, xuất hiện một đợt áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông miền Trung Philippin và đến chiều nay 1/11, ATNĐ đã đi vào khu vực biển Đông; kết hợp ảnh hưởng đợt không khí lạnh ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ có thể mưa lớn đến rất lớn, dự báo kéo dài đến ngày 3 - 4/11. Để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao APEC sắp diễn ra từ ngày 6/11 - 11/11 tới, Đà Nẵng phải có phương án chủ động ứng phó thiên tai. Nếu trời mưa lớn, phải túc trực 24/24 tại các đập thủy điện, hồ chứa nước trên địa bàn, chủ động di dời dân khi cần kíp.

Về phía Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, về công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trong Tuần lễ Cấp cao APEC, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành Kế hoạch Ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Quyết định số 04/QĐ-PCTT ngày 19/10/2017. Kế hoạch đã được Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp phát, phổ biến cho các đơn vị, sở, ban ngành và các địa phương để chủ động lập các Phương án ứng phó của ngành.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã sớm có Kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong tuần lễ cấp cao APEC 2017
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã sớm có Kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong tuần lễ cấp cao APEC 2017

Trong ngày hôm nay (1/11), lãnh đạo UBND TP cũng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó thiên tai và thời tiết xấu trên địa bàn theo 3 phương án là bão, lũ lụt và sóng thần. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã có công điện đến các cấp cơ sở ở các quận, huyện, các sở, ban, ngành về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và tình hình mưa, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Về an toàn các hồ đập, lãnh đạo chính quyền thành phố đã chỉ đạo công ty chủ quản 2 hồ chứa nước lớn trên địa bàn thành phố là hồ Đồng Nghệ và hồ Hòa Trung túc trực 24/24, chủ động ứng phó trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ, và kiểm soát cả 19 hồ nhỏ còn lại trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Đà Nẵng, Ngày 28/10, xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực Nam Trung Bộ, đến ngày 31/10, vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), hồi 13 giờ ngày 01/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

- Ngày 31/10/2017, xuất hiện một ATNĐ ở khu vực phía Đông miền Trung Philippin, hồi 13 giờ ngày 01/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với trường gió đông nên tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam từ ngày 30/9 đến sáng ngày 01/11 đã xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa từ 07h/30 đến 13h/01 tại một số trạm như sau: Hiên: 94mm; Khâm Đức: 294mm; Thành Mỹ: 121mm; Hội Khách: 117mm; Ái Nghĩa: 145mm; Cẩm Lệ: 99mm; Sơn Trà: 121mm; Đà Nẵng 95mm; Hòa Bắc 184mm.

Mực nước ở các hồ chứa nước trên địa bàn thành phố, trong đó có hai hồ lớn là hồ Đồng Nghệ và hồ Hòa Trung hiện tại đều đang ở mức thấp. Mực nước ở các hồ thủy điện cụ thể như sau:

- Hồ ĐăkMi4: Mực nước: 254,50m/251,00m (mực nước đón lũ). Hiện đang vận hành xả tràn trung bình 56,67m3/s để đưa hồ về mực nước đón lũ.

- Hồ A Vương: Mực nước: 365,80m/370,00m (mực nước đón lũ).

- Hồ Sông Bung 4: Mực nước: 216,22m/214,30m (mực nước đón lũ).

Tâm An