1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng: Bãi biển vắng vì "sóng lạ"?

Sáng sớm hôm qua 18/7, người dân Đà Nẵng lại rơi vào trạng thái hoang mang cực độ khi mà: "sóng rút rất sâu ra biển, mọi người bỏ chạy lên bờ, không ai dám tắm". Chúng tôi đã có mặt tại chỗ và ghi nhận...

Tại bãi biển Mỹ Khê lúc 8 giờ, dấu sóng tràn lên bờ khoảng 10m, ào luôn qua khu vực đặt dù và ghế vẫn dành cho dành cho du khách thường ngày. Một người buôn bán nhỏ trước khách sạn Tourane nói: "Chẳng biết răng sáng ni sóng lớn hơn ngày thường. Người ta bỏ chạy rần rần... Tui không dám soạn ghế bàn ra!".

Trên bãi, khác với cảnh đông đúc thường ngày, lúc này chỉ lơ thơ 3 người phụ nữ đang nhìn sóng và 3 trung niên đang nhậu. Chúng tôi tiếp tục chạy xe lên bãi Mỹ Đa Đông, ngoài một nhóm thanh niên đang "nâng lên để xuống" dưới gốc phi lao, biển không một bóng người, vắng hiu vắng hắt.

Cùng lúc, tại bãi Nam Ô - Xuân Thiều, theo nghe ngóng của anh Phan Xuân Tiệp, Đội trưởng Cứu hộ biển Đà Nẵng, cũng có hiện tượng sóng biển rút ra xa. Nhiều người tắm biển bàn tán xôn xao, cứ như... sóng thần sắp ập vào bờ! Chả là, vùng này khoảng 10 ngày trước từng hoảng loạn trước tin báo động "sóng lạ cao 45m, cách bờ 50 dặm" xuất phát từ quan sát "ảo" của một phi công người Thái Lan.

Đà Nẵng có 27 km bờ biển, trong đó có 15 km bờ biển từ bãi Phạm Văn Đồng đến bãi Bắc Mỹ An. Những ngày hè, đặc biệt vào 2 ngày cuối tuần, các bãi biển chứa đến 40.000 -  50.000 người tắm biển. Đây là hiện tượng "ngạt biển". Do khách quá đông nên công tác cứu hộ có phần khó khăn, nhất là khi có hiện tượng "sóng lạ".

Theo Đội Cứu hộ, để không bị chết đuối, du khách không bơi ra ngoài vùng có sóng, không đến vùng sóng êm do có ao xoáy bên dưới. Du khách cũng không nên dùng pát- xi do sóng lớn, gió giật sẽ đánh lật pát- xi. Tốt nhất là dùng áo phao hoặc phao nổi cột vào người, đặc biệt đối với trẻ em.

Trước hiện tượng trên, chúng tôi đã có vài cuộc phỏng vấn nhanh. Theo anh Phạm Thanh Sang, nguyên chiến sĩ hải quân từng chứng kiến hiện tượng vòi rồng trên đảo Trường Sa, nay là đội viên cứu hộ tổ số 1 Phước Mỹ, đây là hiện tượng bình thường của thủy triều lên xuống 4 lần trong một ngày đêm.

Hiện nay, biển Đà Nẵng đang trong tuần đầu tiên của mùa trăng tháng sáu âm lịch nên sóng có lớn hơn một ít. "Cũng có thể sóng lớn như ri là do triều cường sẽ liên tục 2-3 ngày. Tại vùng bờ biển sẽ hình thành các vùng xoáy ngoài vùng sóng, cách bờ khoảng 50 - 100m", anh Sang nói và cho biết thêm, với đợt sóng lớn này, các ao xoáy từ trước sẽ bị san bằng nhưng sau đó chúng sẽ "trổ" các ao xoáy mới. Các tổ cứu hộ sẽ cập nhật và cắm cờ đỏ cho du khách tránh xa.

Anh Hồ Xang, tổ cứu hộ Mỹ Đa Đông, bổ sung: "Nguy hiểm nhất là ao xoáy "ma souer". Mới đây một thanh niên bơi ra trúng miệng ao, may mà thoát chết". Theo anh, biển từ Mỹ Khê đến Non Nước là bãi Ngang, hướng chính Đông nên hay hình thành nhiều ao xoáy. Nhiều khách tắm biển cứ thấy chỗ sóng êm là lao tới nhưng thật ra đó chính là chỗ có ao nằm sâu bên dưới, ngược lại chỗ có sóng bạc đầu là chỗ an toàn, không ao.

Về hiện tượng gọi là "sóng lạ", anh Xang quan sát sóng và nói: "Sóng mùa hè mà giống như sóng mùa đông! Tối qua, tôi nghe TV báo có bão trên biển Đài Loan. Có thể biển mình bị ảnh hưởng".

Anh Phan Xuân Tiệp tổng hợp tình hình và điện cho Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ. Theo Phó giám đốc của đài,  nếu có hiện tượng sóng biển rút ra xa là do ảnh hưởng bão ngoài biển Đông, còn lại vùng biển Việt Nam vẫn bình thường.

Như vậy hiện tượng sóng biển rút ra xa hơn bình thường vào sáng 18/7 tại Đà Nẵng là có thật, tuy nhiên nguồn gây sóng là do tác động của triều cường và do ảnh hưởng bão ngoài biển xa. Chúng hoàn toàn không liên can tới hiện tượng "sóng thần ảo" như một số người có liên tưởng quá mạnh, đặc biệt sau đợt xuất hiện tin "sóng cao 45m, cách bờ 50 dặm" như ở phường Hòa Hiệp Nam vừa qua!

Theo Thanh niên