1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Lạt: Trồng bắp cải, chỉ thu được... củ

Tình trạng sinh trưởng kỳ dị trên đang trở thành một thảm hoạ nghiêm trọng chưa từng có đối với nghề trồng bắp cải, súp lơ của Đà Lạt.

Nông dân cho biết cây bắp cải hay súp lơ trồng xuống chừng 6 tuần tuổi là bắt đầu hoá củ dần bộ rễ: có cây củ hình thành tua tủa như những ngón tay người, có cây cả gốc phình ra tạo khối củ to như củ cây cải đường (cải củ)…, sau khi trải qua thêm vài tuần nữa. Dĩ nhiên không ai dám ăn (thu hoạch) thứ “sản phẩm” (củ) trái với tự nhiên như vậy.

 

Cây nào bị “hoá củ”, toàn bộ dinh dưỡng của cây dồn vào phần gốc khiến phần bắp cải bên trên teo dần, lá không cuốn vào, thân cây không phát triển nữa, cho đến khi lá héo toàn bộ  và chết. Nông dân nôm na “đặt tên” cho hiện tượng bệnh trên là “bướu”, nhưng các nhà khoa học nông nghiệp ở Đà Lạt gọi là “sưng rễ”.

 

Nông dân cho rằng bệnh trên xuất phát từ nguồn giống (hoàn toàn nhập ngoại - VN chưa sản  xuất được hạt giống cây bắp cải - PV) có thể thuộc chủng biến đổi gen nhập từ nước ngoài, hoặc từ nguồn đất, hoặc phân chuồng (đưa về từ Di Linh…) mà các điểm sản xuất và cung  ứng  cây con giống sử dụng; nhưng các cơ quan quản lý nông nghiệp ở thành phố.

 

Đà Lạt nhận định chắc nịch là do đất cánh tác ở vùng trồng rau Đà Lạt đã bị chua hóa, độ pH giảm nặng: do nông dân dùng quá nhiều phân hoá học để bón, phân chuồng hay vi sinh không được coi trọng, trong khi đất không hề được nghỉ ngơi (hết lứa này trồng ngay lứa khác, dĩ nhiên bằng loại rau khác, suốt nhiều chục năm qua)... khiến cho một loại virus (nấm) rất ưa thâm nhập bộ rễ cây họ thập tự ( như bắp cải, súp-lơ…) phát triển mạnh, khống chế bộ rễ, và loại nấm này lan rất nhanh trong môi trường đất…

 

Hiện gần như toàn bộ vùng rau Đà Lạt đã bị nhiễm bệnh sưng rễ tấn công, không còn sót khu vực nào, từ  ấp Bạch Đằng, sang Hà Đông, Đa Thành, Phước Thành, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Mát… Theo đó, bệnh trên lan vào đến vùng trồng bắp cải, súp-lơ, cả củ dền và cải thảo ở tận xã Lát (dưới chân núi Langbian) thuộc huyện Lạc Dương, đưa tổng diện tích  rau lâm nạn ở cao nguyên Langbian lên đến trên 900 ha, trong khi đó ít nhất 100 ha đã bị nông dân âm thầm phá bỏ.

 

Nhiều nông dân cho biết, mảnh vườn của họ 5 năm qua chỉ trồng hoa, cà rốt…, nay vừa quay sang với bắp cải cũng không thoát thứ bệnh kỳ lạ trên - trong suốt lịch sử gần 80 năm trồng bắp cải… của Đà Lạt chưa từng bùng phát bệnh này.

 

Được biết, bệnh sưng rễ bắp cải trên cách đây ba năm chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài khu nhà vườn ở Đà Lạt, còn 5 năm trước nữa chưa từng xuất hiện. Hiện các nhà bảo vệ thực vật, khuyến nông, lẫn cơ quan quản lý nông nghiệp ở Đà Lạt cũng như nông dân đều bất lực trước bệnh trên, khi không tìm được cách (kỹ thuật, hoặc thuốc) để chặn đứng dịch bệnh, ngoài việc bảo dân… thu gom cây bệnh đốt, và khuyến cáo… đừng trồng bắp cải nữa.

 

Nhà vườn Đà Lạt nói mỗi sào bắp cải bị nhiễm bệnh “bướu” trên khiến họ thiệt hại ít nhất 15 triệu đồng; trong khi các thương lái rau cảnh báo: có khả năng từ đây trên thị trường rau ở các đô thị phía Nam người tiêu dùng sẽ không còn mua được nguồn bắp cải, súp lơ chất lượng cao dồi dào từ Đà Lạt, bởi có thể sẽ không nông dân nào dám trồng nữa, chuyển sang những cây trồng khác để “né” thứ bệnh tàn sát trên.

 

Theo Hàng Tình
Tuổi Trẻ