1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Thừa Thiên - Huế:

Đã có hướng xử lý những trạm điện thoại thẻ “vô dụng”

(Dân trí) - Ngày 1/4, PV Dân trí có buổi trao đổi với ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Hành chính Viễn thông tỉnh TT-Huế về tình trạng các trạm điện thoại thẻ hư hỏng trên địa bàn. Ông Anh cho biết Viễn thông Huế đã có hướng xử lý tình trạng này.

Ông Anh cho hay, thời điểm lắp đặt trạm điện thoại thẻ Việt Nam (hay còn gọi là Cardphone) tại TT-Huế vào năm 1999. Có tổng số 180 trạm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (cũ) - hiện là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Riêng tại TP Huế, do phục vụ nhu cầu đa số người dân và khách du lịch nên có đến 140 trạm.

Thời điểm mới lắp đặt, có nhiều người dân và khách du lịch sử dụng loại hình điện thoại này. Nhưng theo thời gian, khi loại hình điện thoại di động bùng nổ, Cardphone dần lu mờ. Thời điểm năm 2007-2008 là lúc Cardphone ít còn được ai sử dụng.

Đã có hướng xử lý những trạm điện thoại thẻ “vô dụng” - 1

Một trạm Cardphone bị đập vỡ kính, mất bộ đàm trên đường Lê Huân - TP Huế

Do ý thức không tốt của một bộ phận người dân địa phương và thời tiết nên hiện tại có khoảng 25-30 trạm bị hư hỏng nhẹ hay hư hỏng một vài bộ phận; ước tính tổng thiệt hại gần 300 triệu đồng.

Đã có hướng xử lý những trạm điện thoại thẻ “vô dụng” - 2
Một bốt điện thoại may mắn còn "nguyên đai nguyên kiện" nhưng... không sử dụng được.

Tuy nhiên vì Huế là 1 thành phố du lịch, khách đến rất đông và theo chủ trương của ban lãnh đạo là bằng mọi cách phải duy trì các trạm Cardphone nên hàng tháng, Viễn thông TT-Huế đã trực tiếp cho 1 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng, lau chùi vệ sinh để đảm bảo hoạt động của hệ thống. Đặc biệt để phục vụ cho Lễ hội Festival Huế năm 2010, Viễn thông TT - Huế đã đầu tư trên 120 triệu đồng để thực hiện duy tu bảo dưỡng.

Do các trạm hư hỏng một vài bộ phận mà linh kiện thay thế trong nước chủ yếu đã không còn sản xuất nên phải đặt mua ở nước ngoài với giá cao. Bộ phận bảo dưỡng đã tận dụng một số thiết bị lành của trạm này đem qua thay thế cho thiết bị hỏng của trạm khác để cứu các trạm bỏ trống không cần thiết.

“Chúng tôi là một đơn vị có tính chất vừa công ích lẫn kinh doanh, với kinh phí duy tu bảo dưỡng gần 200 trạm này cũng mất một số tiền không nhỏ. Nhưng vì quan điểm là phải duy trì trạm để phục vụ dân chúng tối đa nên dù gì cũng phải làm.

Mỗi thời điểm xã hội có mỗi cách phát triển khác nhau, hiện chúng tôi đã có kế hoạch tiến hành chuyển đổi một số trạm trở thành các trạm thông tin xã hội (hay các trạm điện thoại gọi khẩn cấp miễn phí) để phục vụ người dân trong tỉnh. Bước đầu sẽ có các dịch vụ gọi khẩn miễn phí như công an (113), cứu hỏa (114), cứu thương (115), gọi 1080 với cước rẻ,... Sau này sẽ tăng thêm các dịch vụ được gọi miễn phí khác.

Đã có hướng xử lý những trạm điện thoại thẻ “vô dụng” - 3
Hình dáng 1 “Trạm thông tin xã hội” sẽ được Viễn thông TT-Huế thay thế cho trạm Cardphone vào quý 2-3/2011 (Hình: Viễn thông TT-Huế cung cấp)

Bên ngoài các trạm thông tin xã hội mới sẽ dán logo, maquet có ghi “Miễn phí/ FREE”, điều này sẽ kích thích người dân, du khách đến với trạm Cardphone - một loại hình điện thoại mà ở các nước tiên tiến sử dụng rất nhiều. Dự kiến trong quý 2 và 3 sắp tới sẽ có khoảng 27 trạm Cardphone bị hư được chuyển đổi. Như chúng tôi được biết thì Huế là địa phương đầu tiên sẽ tiến hành việc chuyển đổi này” - ông Anh cho biết thêm.

Đã có hướng xử lý những trạm điện thoại thẻ “vô dụng” - 4

Mặt trong 2 cánh cabin của trạm thông tin xã hội ghi các số mà người dân có thể gọi miễn phí (Hình: Viễn thông TT-Huế cung cấp)

Đại Dương