1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Quảng Ngãi:

Cứu cháu bé 2 tháng tuổi giữa đám người đánh ghen

Thấy đám người đòi bắt cháu bé, bác sĩ Ánh lao vào ôm lấy cháu, khom người giữ chặt cháu trong lòng, vùng thoát khỏi nhóm người dữ tợn. Đám người xông tới lấy ớt tươi bôi lên mặt bác sĩ, nhưng bà kiên quyết, bằng mọi cách phải cứu cháu bé…

 

Cứu cháu bé 2 tháng tuổi giữa đám người đánh ghen - 1

Ngôi nhà của bác sĩ Nguyễn Thị Đề Ánh
 - nơi xảy ra vụ đánh ghen.

Sáng sớm ngày 10/7/2009, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Đề Ánh (ngụ tổ dân phố 5, thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên, lo sợ điều chẳng lành sẽ xảy ra. Trước đó, có kẻ đã gửi lời nhắn hăm dọa nội trong ngày hôm đó sẽ đến nhà bà đánh, bắt người.

 

Đối tượng nhóm người này nhắm tới là mẹ con chị Huỳnh Thị H.V (28 tuổi, thường trú xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ), đang được bà Ánh chăm sóc trong thời gian trước và sau khi sinh nở.

 

Khoảng 7 giờ 30, bất ngờ xuất hiện một nhóm người đeo khẩu trang bịt kín mặt tự động đẩy cửa bước vào nhà. Bốn người đàn ông và đàn bà xông vào căn phòng nơi mẹ con chị Huỳnh Thị H.V đang ở. Thấy cháu Nguyễn Huỳnh Đức Phát (mới hơn hai tháng tuổi) đang nằm trên võng, người đàn ông hét lớn: “Ẵm lấy thằng nhỏ”. Bác sĩ Ánh hoảng sợ lao tới ôm lấy cháu Phát. Bọn người kia xông tới giành đứa nhỏ trên tay bác sĩ Ánh. Một người phụ nữ lấy bịch ớt tươi được nghiền nát pha với nước đổ lên người và bôi lên mặt bác sĩ.

 

Bằng mọi cách lúc này phải bảo vệ cháu bé, bà Ánh khom người ôm chặt Phát trong lòng, vùng thoát khỏi nhóm người dữ tợn kia, chạy ra phòng vệ sinh phía sau nhà. Sau khi bác sĩ Ánh bảo vệ cháu Phát thoát khỏi vòng vây, năm người kia quay qua chị V. túm tóc, vật chị xuống nền nhà dùng lưỡi lam rạch mặt, da đầu, vành tai. Có hơn sáu vết rạch trên mặt và đầu chị V. Chúng còn đạp đá túi bụi, lấy ớt nát trộn nước đổ lên người nạn nhân.

 

Vừa lúc này, con nuôi của bác sĩ Ánh tên Nguyễn Thị Phương Linh (18 tuổi) đang cắt rau ở phía sau nhà, nghe có chuyện liền chạy lên. Sẵn con dao cắt rau trên tay, em quơ dọa nhóm người kia thả chị V. ra. Bọn chúng đành ngừng tay và lớn giọng hù doạ: “Mày mà báo công an thì tao giết mày”, sau đó lên xe bỏ đi.

 

Tại hiện trường, chị V. ngất lịm, máu chảy bê bết cùng với ớt tươi dính đầy nền nhà. Hàng xóm chạy đến đưa mẹ con chị đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm.

  

 

 

Cứu cháu bé 2 tháng tuổi giữa đám người đánh ghen - 2

Bé Phát đang nằm viện cùng mẹ.

Sáng 13/7/2009, tại khoa ngoại Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, sức khỏe hai mẹ con chị V. đã đỡ hơn trước. Trên cánh tay cháu Phát vẫn còn nhiều vết bầm tím. Nhìn đứa trẻ kháu khỉnh mới hơn hai tháng tuổi bị thương do đám người lớn vô lương tâm gây ra, ai cũng thấy đau lòng.

 

Bà Cao Thị Kiệp - bà ngoại cháu Phát - nói: “Mấy ngày trước, vì bị đau ở tay nên cháu Phát không ngủ, khóc suốt đêm. Còn con V. thì một phần bị những vết rạch trên mặt và đầu, khắp lưng và bụng nên mỗi lần ngồi dậy rất khó khăn...”.

 

Qua điều tra ban đầu được biết, cha của cháu Phát là ông Nguyễn Trí Dũng (50 tuổi, ngụ xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ). Ông Dũng là thầy thuốc Đông y, có vợ là bà Trinh, sinh được ba người con gái. Vài năm trở lại đây, hai vợ chồng ông Dũng hay lục đục cãi cọ. Trong thời gian này, ông Dũng gặp và có quan hệ bất chính với chị Huỳnh Thị H.V. Khi chị V. mang thai được bảy tháng, ông Dũng đưa mẹ con chị đến nhà bác sĩ Nguyễn Thị Đề Ánh nhờ cho tá túc và chăm sóc trong thời gian trước và sau khi sinh.

 

Cũng thời gian này, biết chồng có quan hệ với người phụ nữ khác và có con, bà Trinh bỏ vào TP Hồ Chí Minh ở với người  thân nhưng vẫn nuôi ý định trả thù. Bà Trinh thuê người truy lùng nơi ở của mẹ con tình địch. Biết chị V. và đứa trẻ đang ở nhà bác sĩ Ánh, bà Trinh đã kéo theo một nhóm người đến đánh ghen.

 

Sau khi tổ chức đánh mẹ con chị V., bà Trinh bỏ trốn vào TPHCM. Công an huyện Đức Phổ đã vận động và ngày 12/7, bà Trinh từ TPHCM về Công an huyện Đức Phổ đầu thú.

 

Nhân dân thị trấn Đức Phổ rất cảm kích hành động dũng cảm, bất chấp nguy hiểm, bảo vệ cháu bé hơn hai tháng tuổi giữa nhóm người côn đồ, của bác sĩ Nguyễn Thị Đề Ánh. Người dân huyện Đức Phổ cho biết bác sĩ Ánh là một lương y luôn làm việc thiện. Từ trước đến giờ bà đã giúp rất nhiều bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ lang thang. Điển hình như em Nguyễn Thị Phương Linh (18 tuổi) bị bỏ rơi từ hai tháng tuổi, bà đem về nuôi nấng cho đến bây giờ và hiện đang sống với bà.

 

Theo Công an TPHCM