1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc tuần hành thị uy đặc biệt của Việt Minh cách đây 71 năm

(Dân trí) - Ngày 17/8/1945, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã lệnh tất cả công chức phải tham gia cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) để lấy lại tinh thần và ủng hộ họ. Nhưng sau đó, cuộc mít tinh này đã bị hàng vạn người dân Hà Nội biến thành cuộc tuần hành thị uy của ta.

Câu chuyện trên được Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại (SN 1933, quê gốc ở Hưng Yên, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội), nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, là một trong những người chứng kiến sự kiện nói trên và những ngày cách mạng tháng Tám hào hùng cách đây 71 năm (1945-2016), kể cho PV Dân trí.

Ký ức không thể quên của cậu thiếu niên 13 tuổi

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại nhớ lại: Những ngày tháng 8/1945 tình hình ở Hà Nội rất căng thẳng. Lúc đó, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim đề nghị Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ngày 17/8 ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, vận động đồng bào tham gia cuộc mít tinh của Tổng hội công chức chính quyền Trần Trọng Kim tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố.

“Lúc đó, hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền), người đi xem rất đông, công chức thì mặc áo trắng. Tôi còn nhỏ mới 13 tuổi, hôm đó tôi mặc áo đen nhưng cũng len vào xem thế nào, thì thấy không khí rất nhốn nháo, vì mọi người đã có kế hoạch là phá cuộc mít tinh này.

Các đội viên đội Tuyên truyền Giải phóng quân cũng giương cờ đỏ sao vàng và hô to “Ủng hộ Việt Minh”. Họ tạo ra một sự hỗn loạn cực độ phá vỡ chương trình tổ chức. Ban tổ chức cố gắng lập lại trật tự nhưng không thể nào kiểm soát nổi tình hình” – Thiếu tướng Thoại nói.

Ngày 17/8, tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), cuộc mít tinh do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức đã bị phá vỡ và biến thành cuộc tuần hành thị uy của Việt Minh. Trong ảnh có Thiếu tướng Thoại (vị trí đánh dấu X) (Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại cung cấp).
Ngày 17/8, tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), cuộc mít tinh do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức đã bị phá vỡ và biến thành cuộc tuần hành thị uy của Việt Minh. Trong ảnh có Thiếu tướng Thoại (vị trí đánh dấu X) (Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại cung cấp).

Thiếu tướng Thoại kể tiếp: Khi ban tổ chức cuộc mít tinh nói trên mới tuyên bố lý do, người của Việt Minh xông lên giành micro. Hai phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên Đảng Dân Chủ) lên sân khấu thông báo Nhật đã đầu hàng, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, giành độc lập.

Tiếp theo, nhiều đội viên đội danh dự của Việt Minh xông lên khán đài, cầm súng ngắn trong tay dồn các viên chức Đế quốc Việt Nam (chính phủ bù nhìn do Nhật dựng lên) vào một góc, hạ cờ Đế quốc Việt Nam xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên. Từ trên tầng hai Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng to, rộng được buông xuống.

Sau đó, ông Nguyễn Khang – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ phát biểu kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đồng thời kết tội Chính phủ Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam phục vụ quyền lợi nước ngoài và kêu gọi dân chúng ủng hộ Việt Minh đánh đổ chính quyền tay sai, đấu tranh cho độc lập dân tộc.

“Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô “tiến lên”, do tôi đứng ở cuối đoàn nên khi quay đầu trở thành người dẫn đường. Hàng vạn người tham dự mít tinh cũng xoay người theo. Cả đoàn đi về hướng Tràng Tiền. Đi đến đâu, người dân từ hai bên đường gia nhập đến đó. Vừa đi, mọi người vừa hô “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập”” – Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại kể trong sự xúc động.

Cuộc mít tinh sau đó đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng do Việt Minh điều khiển. Nhiều lính bảo an cũng khoác súng đi theo. Sau cuộc biểu tình, Việt Minh phân phát cờ đỏ cho dân chúng để đón quân giải phóng sắp ở chiến khu về. Hàng ngàn người vào Bắc bộ phủ hô đả đảo phát xít, hoan hô giải phóng, hô hào dân chúng đi chiếm các công sở.

Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Trần Phú, Cửa Nam rồi dừng lại trước tiếng súng chỉ thiên của lính bảo an. Từ đây, đoàn diễu hành chia thành các nhóm nhỏ đi về các phố, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập” cho đến 20h mới tan.

Quyết định khởi nghĩa, không chờ lệnh Trung ương

Chiều ngày 17/8, tại làng Vạn Phúc – An toàn khu của Xứ ủy tại Hà Đông, ông Nguyễn Khang sau khi trực tiếp khảo sát tình hình Hà Nội trở về đã trao đổi với ông Trần Tử Bình – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và đi tới quyết định: Dựa trên Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ lệnh của Trung ương. Quyết định quan trọng này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng đồng minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Việt Nam và Đông Dương.

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại vừa chỉ vào tấm ảnh lịch sử, vừa kể lại cho phóng viên Dân trí về sự kiện lịch sử ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội).
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại vừa chỉ vào tấm ảnh lịch sử, vừa kể lại cho phóng viên Dân trí về sự kiện lịch sử ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Việc chớp thời cơ này thật táo bạo vì lúc đó Ủy ban khởi nghĩa chỉ dựa hoàn toàn vào sức mạnh của chính nhân dân Thủ đô, với các tổ tự vệ chiến đấu mà chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu.

Sáng ngày 18/8, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở về số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Các ủy viên tích cực chuẩn bị cho công việc sáng hôm sau. Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng. Hội nghị của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng được triệu tập, ngay sau đó quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.

Sáng 19/8/1945, cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) do Việt Minh tổ chức đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình do các đơn vị chiến đấu đi đầu, đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát… Cuộc khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi hoàn toàn trong ngày 19/8/1945.

Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, có 4 tỉnh lị giành được chính quyền: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam; 23/8/1945: giành chính quyền ở Huế; 25/8/1945 giành chính quyền ở Sài Gòn.

Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã cổ vũ nhân dân toàn quốc vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng 15 ngày (14/8/1945 – 28/8/1945), Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước.

Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời (Ủy ban Dân tộc giải phóng) đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguyễn Dương (ghi)