1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc gặp của những người bạn vì Việt Nam

Khác nhau về màu da, quốc tịch, đến từ nhiều nơi trên thế giới nhưng 100 đại biểu quốc tế có mặt tại Hà Nội những ngày đầu tháng 9 lịch sử này có chung một tình yêu mang tên: Việt Nam.

Họ là những người thuộc "thế hệ Việt Nam", trưởng thành trong những năm mà cái tên Việt Nam vang danh toàn cầu bởi 2 cuộc kháng chiến vĩ đại. Rất nhiều người trong số họ đã từng xuống đường, phản đối chiến tranh.

 

Giờ đây, tóc đã điểm bạc, nhiều người đã bước vào tuổi thất thập, họ hội ngộ tại chính mảnh đất mà mình yêu mến đúng dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Việt Nam để bày tỏ tình hữu nghị, đoàn kết với dân tộc mà họ từng gắn bó.

 

"Việt Nam đã thức tỉnh tôi"

 

Bốn mươi năm trước, tháng 5/1965, chàng sinh viên John Percy của Đại học Sydney là một trong những người đầu tiên bị bắt khi xuống đường biểu tình phản đối sự tham dự của chính phủ Australia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau đó, anh sinh viên Percy bắt đầu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác.

 

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, J.Percy, giờ là Thư ký Quốc gia Đảng Triển vọng Dân chủ Xã hội Australia nói rằng, "Việt Nam là một sự thức tỉnh chính trị" đối với cá nhân ông.

 

"Tôi có một món nợ cá nhân đặc biệt với nhân dân Việt Nam - họ đã thức tỉnh tôi, thôi thúc tôi tham gia các hoạt động chính trị. Nhờ thế, giúp tôi có được một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa", John xúc động bày tỏ.

 

Một người đồng hương của ông, chính khách Thomas Uren, cũng đã đứng lên phản đối việc chính phủ gửi cố vấn quân sự sang hỗ trợ chính quyền Ngô Đình Diệm ở Miền Nam Việt Nam ngay từ khi còn là một nghị sỹ trẻ.

 

Và trong những năm chiến tranh, còn có hàng triệu người Mỹ đã tỏ tình đoàn kết với VN thông qua diễu hành trên phố, đốt thẻ quân dịch, thậm chí còn bị bỏ tù.

 

Trong cuộc gặp hôm nay, còn có cả những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến, những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN. Với họ, VN là sự thức tỉnh lương tâm.

 

Hoạt động tại Sài gòn trong những năm 67, 68 với vai trò là một nhân viên tình báo, Chuck Searcy đã chứng kiến những thời khắc khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh.

 

Trở lại Việt Nam năm 1995, Chuck đã quyết định gắn bó những năm tháng còn lại của cuộc đời mình cho những nạn nhân bom mìn chiến tranh.

 

Mười năm sống ở VN, trưởng Đại diện Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại VN (VVMF) vẫn đang miệt mài với dự án rà phá bom mìn Quảng Trị, giúp hồi sinh những mảnh đất chết chóc và trả lại sự yên bình cho người dân nơi đây.

 

"Tên bạn, tên tôi là Việt Nam!"

 

Ông J.Narayana Rao, Tổng Thư ký Tổ chức Hoà bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, kể: "Trong những ngày VN chiến đấu chống Mỹ, ở Ấn Độ, nhân dân đã tổ chức các cuộc biểu tình tại khắp các thành phố, lên tiếng ủng hộ nhân dân VN. Trong số những khẩu hiệu thường dùng có: "Hamara Nam, Tumara Nam". Nghĩa là: Tên tôi, tên bạn là Việt Nam".

 

"Chỉ cần nhắc tới VN thôi đã làm bừng lên niềm tự hào trong tâm trí người dân Ấn Độ về chủ nghĩa anh hùng của những người đã đánh cho các lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ phải rút chạy", ông Rao kết luận.

 

Trong số những đại biểu có mặt tại "Gặp gỡ bạn bè quốc tế: Đoàn kết, Hữu nghị và Hợp tác với VN" còn có những vị khách mời đặc biệt. Đó là hai người cựu chiến binh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp: ông Fitsitzoglou Kostantinos và ông Sarantidis Kostantinos.

 

Mang trong mình dòng máu Hy Lạp, nhưng họ đã chiến đấu trong hàng ngũ của Việt Minh trong cuộc kháng chiến giành và giữ độc lập vĩ đại. Rồi họ trở thành những người con Việt Nam thực thụ: Nói tiếng Việt, nghĩ theo cách nghĩ của người Việt, cống hiến quãng đời đẹp nhấp cho đất nước mang tên: Việt Nam.

 

Bây giờ, họ về lại Việt Nam, tự hào giới thiệu: Chúng tôi tên là Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Văn Lập.

 

Thế hệ mới vì Việt Nam

 

 

Cuộc gặp của những người bạn vì Việt Nam  - 1
 

Họ đã có mặt tại Hà Nội những ngày

 đầu tháng 9 lịch sử này để tự hào

 về môt đất nước đã hồi sinh nhanh

 chóng, để kể về những kỷ niệm gắn

 bó họ với đất nước mang tên: Việt Nam.

Ôn lại quá khứ, nhưng nhiều người trong số họ vẫn đang có những hành động thiết thực đóng góp cho VN thời kỳ đổi mới.

 

Từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh VN, giờ ông Kumaki Hideo (Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Bảo vệ Hoà bình Nhật Bản), lại say sưa với những dự án mới, giúp đỡ VN trong cuộc chiến chống đói nghèo.

 

Ông kể về dự án làm giấy bằng thân cây chuối do Hội của ông phối hợp với hội Quốc tế ngữ VN triển khai. Một cán bộ VN nhận xét, đó là dự án giúp cải thiện đời sống cho người nghèo khá hiệu quả bởi chỉ cần ít vốn nhưng tạo ra nhiều việc làm.

 

Trong khi đó, Alain Ruscio (một học giả người Pháp) và Crepaldi Francesco Sergio (Italia) lại dành tâm huyết của mình cho Trung tâm Việt nam học nhằm "mở ra những cửa sổ về VN, quảng bá hình ảnh VN tới người dân các nước Âu châu".

 

Chúng tôi gặp lại Len Aldis, người Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt đã rất quen thuộc với người Việt Nam trong cuộc chiến đòi công lý cho những nạn nhân da cam.

 

Câu chuyện của Len với chúng tôi lại trở về với những nỗ lực của ông già năm nay đã bước qua tuổi thất tuần đang cố gắng vận động để quốc tế công nhận ngày 10/8 hằng năm trở thành "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam" trên toàn thế giới.

 

Không chỉ có những cựu chiến binh mắc một món nợ quá khứ với VN, nhiều người Mỹ không một chút dính líu với cuộc chiến trong quá khứ cũng đã có mặt tại đây để giúp đỡ VN.

 

Một người Mỹ đang sống ở Hà Nội, anh Andrew Wells Dang, đại diện khu vực của Quỹ Hoà giải và Phát triển tự thừa nhận mình "còn quá trẻ để có những ký ức về những năm chiến tranh, chỉ đơn giản thấy VN là một nơi hấp dẫn và bổ ích để sống và làm việc".

 

Andrew chỉ là một trong số rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi đang làm việc cho hàng chục tổ chức phi chính phủ Mỹ hoạt động tại VN (chiếm tới 43% tổng số các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại VN).

 

Một thế hệ mới những người bạn quốc tế vì VN đang hình thành và tiếp tục con đường hưng thịnh đất nước đã quá nổi tiếng này. 

Theo Việt Lâm - Hà Trường

Vietnamnet