1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trong lòng dân”

(Dân trí) - “Tôi nhận được tin bác Giáp mất lúc 20h tối 4/10. Dẫu biết rằng sự ra đi của Người là điều không thể tránh khỏi trong quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng tôi bàng hoàng và cảm giác như nghẹt thở!”.

Chúng tôi đến nhà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - vào buổi sáng mùa thu dịu mát của Hà Nội nhưng trong lòng lại chất chứa nhiều nỗi niềm khi được tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - vị Tư lệnh từng có những năm tháng chiến đấu và kỷ niệm khó quên với Đại tướng ngồi lặng trong khuôn viên vườn nhà. Ông chia sẻ khi trên tay vẫn cầm một cuốn sách dày viết về vị Tướng vĩ đại: “Tôi nhận được tin bác Giáp mất lúc 20h tối 4/10. Dẫu biết rằng sự ra đi của Người là điều không thể tránh khỏi trong quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng tôi vẫn bàng hoàng và cảm giác như nghẹt thở! Những hình ảnh về Người dần hiện ra trước mắt và càng thêm tự hào vì từng được sống, chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Người”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bàng hoàng về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bàng hoàng về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ thêm về cảm xúc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt Nam nào khi biết tin Đại tướng qua đời đều có rất nhiều nỗi niềm cảm xúc đau thương. Nhưng chúng ta không được ủy mị, không được yếu đuối mà phải biến đau thương thành hành động. Hãy thực hiện thật tốt tâm nguyện của Người, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với sự hi sinh vì nước vì dân của Đại tướng”.

Trung tướng Thước tin tưởng sâu sắc một điều, ngay cả khi Đại tướng đã qua đời, Người cũng không bao giờ có suy nghĩ đất nước này phải để bác nằm an nghỉ ở đâu, tổ chức tang lễ như thế nào, vì cuộc đời của Người nằm ở trong lòng dân!
 

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Con người toàn tài và thượng đỉnh”

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể rằng, cuộc đời ông may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các bức điện chỉ đạo chiến đấu, đặc biệt lần đầu tiên ông được trực tiếp gặp Đại tướng vào tháng 10 năm 1974. Khi đó, ông là Thiếu tá - Tham mưu trưởng chiến dịch. Ông được thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận lệnh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

“Lúc bấy giờ, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong hai năm 1975-1976 và nhấn mạnh thời cơ là năm 1975. Mà muốn thực hiện được kế hoạch ấy thì phải giải phóng được Tây Nguyên bởi khi đó Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu. Thời Pháp xâm lược nước ta, đế quốc đã từng tuyên bố rằng, nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương” - Tướng Thước cho biết.
 
Trung tướng Thước trong một lần đến thăm sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trung tướng Thước trong một lần đến thăm sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Tướng Thước kể, sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu và nhận lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, ôngđược gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng để nghe lệnh. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới điều trị ở Liên Xô về, sức khỏe đang yếu nên ông báo cáo ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận từ Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Đại tướng hỏi thăm tướng Thước vào chiến trường Tây Nguyên được bao nhiêu năm và đã ra Hà Nội mấy lần rồi (theo quy định cứ đi 3 năm thì được về thăm nhà 1 tháng - PV). Ông Thước trả lời đã công tác trong chiến trường này được 10 năm và đây là lần đầu tiên ra Hà Nội. Bác Giáp ngỡ ngàng khi nghe tôi nói và hỏi sao lâu thế? Ông trả lời Đại tướng rằng những cán bộ chỉ huy đánh giặc giỏi luôn được cấp trên quan tâm giữ lại để chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi cho chiến trường.

Nghe cấp dưới chia sẻ, Đại tướng cười và 2 lần nói lời động viên: "Thôi, 10 năm dài lắm rồi, cố gắng chịu đựng nhé. Lần này cậu vào chiến trường nhưng sẽ không bao lâu nữa tớ sẽ cho cậu về nhà dài hơn". Và quả thật chỉ ít lâu sau, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi và tiếp tục giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Cho đến giờ tướng Thước vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự dự báo vô cùng tài tình của Đại tướng.

"Hai ngày hôm sau khi tôi chuẩn bị vào chiến trường, Đại tướng lại gọi cho chúng tôi một lần nữa. Lúc đó tôi linh cảm chắc có gì thay đổi nhưng Đại tướng đã nói tới dự báo: Đây là lần đầu tiên quân đội ta đánh vào một thành phố lớn như Buôn Mê Thuột nên phải dùng lực lượng bộ binh cơ giới mạnh và nhanh thì mới mong giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, chiến dịch này là một chiến dịch lớn, tình hình như thế và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, vì thế ngoài dự kiến ban đầu thì người Tư lệnh chỉ huy chiến dịch phải nắm lấy thời cơ và nhanh chóng hành động chứ không chờ lệnh của cấp trên" - vị tướng già hồi tưởng.

Vị Tư lệnh Quân khu IV ngày ấy xúc động trước sự quan tâm của vị Tổng Tư lệnh về cuộc sống đời thường của anh em cấp dưới một cách ân cần, chu đáo và kịp thời. Một ví dụ điển hình về phán đoán tài tình của Đại tướng là Người đang ốm bệnh phải ngồi ở Hà Nội nhưng vẫn chỉ đạo sâu sát, dự báo về mọi tình hình và việc giải phóng miền Nam chỉ trong vòng có 5 tháng đã hoàn thành. Điều này ngay cả trong mơ cũng không ai dám thấy.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - con người toàn tài và thượng đỉnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - con người toàn tài và thượng đỉnh

Trung tướng Thước kể thêm về lần thứ 2 được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời bình. Đó là năm 1990, khi đất nước đã giải phóng được 15 năm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn trực tiếp chỉ huy trong quân đội nữa mà tham gia công tác quản lý nhà nước ở cương vị Phó Thủ tướng. Nhưng khi đến thăm Tư lệnh quân khu IV và nghe báo cáo về tình hình xây dựng lực lượng, Đại tướng đã rất quan tâm và lắng nghe chia sẻ. Người đã chỉ ra cái được, cái chưa được và những gì cần phát huy…

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và dường như khi Hồ Chủ tịch ra đi, Người đã để Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế tục sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, suốt đời chăm lo cho nhân dân của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Tướng của các vị Tướng, là vị Tướng của nhân dân. Ông là một con người toàn tài và uyên bác. Ở Tướng Giáp có sự nhân văn của một con người thượng đỉnh, của nền văn hiến dân tộc Việt Nam” - Trung tướng Thước nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh