1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc đào tẩu khỏi “địa ngục trần gian”

(Dân trí) - "Chúng tuyên bố đứa nào mà bỏ trốn sẽ bị thủ tiêu trong rừng, hoặc tìm về đến quê giết chết”, PLoong Hêr, một trong số 33 người dân tộc vùng núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) bị lừa vào mỏ vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) chưa hết bàng hoàng kể lại.

Đày vào “địa ngục trần gian”

Theo hồ sơ điều tra, sau khi đến thị trấn Khâm Đức (Quảng Nam), Nguyễn Chính Đông đã “sang tay” 33 thanh niên người dân tộc này cho một người lạ mặt tên Dũng rồi lặn đi mất dạng. Sáng hôm sau, Dũng cùng một người khác tên Quang áp tải họ vào bãi vàng. Mỏ đãi vàng nằm tít trong rừng sâu, xe Minsk phải chạy hơn nửa ngày, sau đó lại phải lội bộ hơn 7 giờ đồng hồ đường rừng nữa mới đến được điểm khai thác (một điểm khai thác vàng thuộc xã Phước Thành, Phước Sơn, Quảng Nam).

Ông Nguyễn Hàn, Trưởng phòng PC 14, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Công an tỉnh đang tiến hành xác minh và phối hợp với công an Quảng Nam làm rõ vụ việc này. Hiện chưa xác định tội danh, vì chưa làm rõ công ty đó có được phép khai thác vàng hay không? Bốn cô gái bị lừa vào bãi vàng vẫn chưa thể khẳng định làm “nô lệ tình dục” như lời kể của các nạn nhân trước đó. 
 
Nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, họ sẽ tiến hành tổng kiểm tra, truy quét các bãi đào đãi vàng tại huyện miền núi Phước Sơn để truy tìm các nạn nhân lao động ở tỉnh Thừa Thiên-Huế bị lừa đưa vào bãi vàng, cũng như các đối tượng có hành vi lừa người lao động.

Những người thoát ra từ bãi vàng cho biết, công việc của các “phu vàng” rất cực nhọc, họ luôn bị đánh đập và bỏ đói. Họ phải ở trong hầm mỏ suốt hơn 12 giờ mỗi ngày để đào và lấy đất từ hầm ra ngoài để lọc vàng. Ca đêm bắt đầu từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, có khi họ phải làm đến chiều ngày hôm sau mới được nghỉ.

Riêng năm phụ nữ được bọn chúng “ưu ái” cho làm việc trên mặt đất, chuyển đất đá lên dây chuyền lọc vàng. Tuy nhiên, bọn chúng “quản” các em này rất chặt, đi vệ sinh hay tắm giặt đều có người canh giữ. Các chị em đi tắm còn bị các tay cai mỏ đi theo ngồi cạnh và lấy máy ảnh quay hình (!?)

“Chúng em phải vào hầm mỏ từ 6 giờ sáng và đến hơn 6 giờ tối mới được ra nghỉ. Ai mệt mà ngồi nghỉ một lúc liền bị cai hầm dùng roi đánh, hoặc đấm vào mặt. Người bị ốm cũng bắt đi làm, cực nhất là khi hầm vừa nổ mìn, khói bụi còn mịt mùng nhưng bọn cai mỏ vẫn bắt chúng em chui vào hầm đào đất, có rất nhiều người bị ngạt thở phải đưa đi cấp cứu cả buổi mới tỉnh lại. Em cũng từng bị ép vào hầm mấy lần thở không được phải chạy ra ngoài và bị đánh rất dã man. Những người bị ốm đau được ông Quang tiêm cho một loại thuốc gì mà vài phút sau đã khoẻ lại ngay”, Kê Văn Hái kể lại.

Cuộc đào tẩu khỏi “địa ngục trần gian” - 1

Kê Văn Hái về đoàn tụ với gia đình sau hơn một tháng bị đày đoạ ở “địa ngục trần gian”. (Ảnh: H.A)

Cuộc "đào tẩu"

Người đầu tiên trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” là PLoong Hêr (SN 1986, thôn A Diên, A Ngo), em của Chủ tịch xã A Ngo Đoàn Minh Liệt. PLoong Hêr trốn được về nhà sau hành trình ba ngày đêm phải chịu đói khát, ngủ trong rừng sâu.

Theo lời kể của PLoong Hêr, khi đến thị trấn Khâm Đức (Quảng Nam) cán bộ Đông đã “sang tay” toàn bộ 33 thanh niên A Lưới cho một kẻ lạ mặt tên Dũng. Sau hơn một ngày băng rừng, cả đoàn mới đến được lán trại của ông Quang (Giám đốc, Công ty TNHH Phước Minh).

“Sợ tụi em bỏ trốn nên bọn “cai mỏ” lục túi lấy hết tiền. Hàng ngày chúng bắt phải chui vào hầm lấy cát, đá đẩy ra để lọc lấy vàng. Họ thường đe doạ ai bỏ trốn hay cãi lời sẽ bị giết chết, không ai dám chống cự vì sợ”, PLoong Hêr cho biết.

 

Cuộc đào tẩu khỏi “địa ngục trần gian” - 2

PLoong Hêr kể lại hành trình bốn ngày đêm ngủ rừng để thoát khỏi “địa ngục trần gian”.

 

Do chịu không nổi sự hà khắc và những đòn roi dã man của chủ mỏ, PLoong Hêr đã cùng với Kê Văn Hái và Hồ Văn Bông (xã A Ngo) bỏ trốn. Tuy nhiên, sau một ngày chạy trốn trong rừng sâu thì cả ba bị bắt lại và bị đánh đập rất dã man và bị bỏ đói mấy ngày liền.

“Sau khi trốn không thoát, bọn cai mỏ càng quản lý chặt chẽ hơn, đi đâu cũng có người bám theo, mệt quá nghỉ một chút cũng bị bọn chúng đánh đập. Chúng còn tuyên bố không đứa nào vào đây mà trốn thoát được, đứa nào mà bỏ trốn sẽ bị thủ tiêu trong rừng, hoặc tìm về đến quê giết chết. Nghe vậy ai cũng sợ và không ai còn dám nhắc đến chuyện bỏ trốn nữa”, PLoong Hêr chưa hết bàng hoàng.

Sau lần đầu trốn không thoát, PLoong Hêr tiếp tục rủ thêm bốn người khác bỏ trốn lần hai, tuy nhiên lần đào thoát này chỉ một mình PLoong Hêr thoát được, ba người còn lại bị bắt lại và bị đánh đến tê liệt chân tay.

PLoong Hêr kể lại: “12 giờ trưa ngày 24/3, em bàn với Hái, Bông và thêm Tôm (đều ở xã A Ngo) giả vờ đi tắm rồi bỏ trốn. Chúng em băng rừng suốt hơn 6 giờ đồng hồ mới gặp một quán nước bên đường, mua vội bốn gói mì tôm ăn rồi tiếp tục chạy trốn. Trước khi đi, chủ quán nước cho hai cái đèn pin để đi ban đêm và cảnh báo trong rừng có nhiều thú dữ. Đến khoảng 2 giờ sáng thì chúng em gặp một toán người đứng đợi sẵn chặn lại, chúng dùng gậy đánh tới tấp vào Hái, Bông và Tôm làm cả ba gục hẳn xuống không chạy được. Em đi sau thấy vậy nên chạy nhanh vào rừng. Bọn chúng đuổi theo hơn hai giờ đồng hồ thì quay trở lại. Chạy thêm hai quả núi nữa mệt quá em leo lên cây ngủ”.

Cuộc đào tẩu khỏi “địa ngục trần gian” - 3

Chị Phạm Thị Châu ngày ngày bồng con mỏi mòn trông chồng trở về.

 

Ngày đi, đêm leo lên cây ngủ, PLoong Hêr đi bộ suốt ba ngày ba đêm trong rừng sâu mới ra được đường quốc lộ 1A và xin xe về Huế. “Vì sợ bọn chủ đuổi theo bắt lại nên em không dám đi đường mòn mà phải luồn trong rừng. Đói bụng thì nhổ củ rừng hay củ sắn ăn, đi mệt lại leo lên cây ngủ. Bốn ngày sau mới xin xe về được đến Huế”.

Riêng, Hái, Bông và Tôm sau khi trốn không thoát đã bị bọn chủ đánh đến liệt chân tay. Kê Văn Hái bị đánh liệt cả hai chân tay phải nằm 10 ngày mới cử động được. Đến ngày 11/4 , ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty Phước Minh “giao” cho Kê Văn Hái nhiệm vụ về A Lưới tuyển thêm 10 người nữa vào bãi vàng.

“Trước khi cho em về bọn chúng nói, trong vòng một tuần phải tuyển đủ 10 người và trở lại bãi vàng nếu không nó sẽ đánh đập các bạn của em và sẽ tìm về tận A Lưới để giết em. Các bạn của em thì xin trình báo công an đến giải cứu để được về nhà. Em đã lên trình báo Công an huyện A Lưới về vụ việc này. Có chết em cũng không quay lại bãi vàng đó nữa”, Kê Văn Hái sợ hãi.

Bài và ảnh: Nhóm PVĐT