1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc chạy đua “ăn cướp” trên biển

Nghề đánh cá bằng pha xúc (ánh sáng điện cao áp) trên Biển Đông mà ngư dân miền Trung quen gọi là "cướp biển" đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Tuy nhiên kiểu “ăn cướp” này cũng đang “bức tử” cả một vùng biển miền Trung.

Chạy đua giữa đại dương

 

Cuộc chạy đua “ăn cướp” trên biển - 1
Những giàn đèn cao áp như thế này đang hủy hoại môi trường biển.

 

Mặt trời vừa mọc lên lưng chừng biển thì y rằng những con tàu vừa “cướp của” trên biển Đông lại cập vào mũi Khải Lương – Khánh Hòa bán cá. Những giàn đèn pha xúc cứ y như những hệ thống ra đa di động trên biển. Lúc ban đầu nghề chỉ mới phôi thai thì dân pha xúc chỉ dùng tàu cỡ ba lốc máy (30 CV – mã lực), đèn pha thường chỉ dưới 1.000W, còn  bây giờ công suất đã tăng tới 10.000W …

 

Thuyền trưởng tàu mang số hiệu PY 7123 – anh Nguyễn Duy Long - ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - cho biết: “Tàu đánh cá bằng pha xúc phát triển rất nhiều ở vùng biển Tuy An, Phú Yên. Để ăn ngon trong nghề, chúng tôi phải dong thuyền vào vùng biển này đánh bắt. Nếu tiến sâu xuống phía nam thì sẽ gặp các “đại gia pha xúc” ở Cầu Bóng và Bãi Dong đảo Trí Nguyên (Nha Trang) hoạt động cực mạnh”.

 

Thấy chúng tôi chưa hiểu “đại gia pha xúc” là gì, anh Long cười khà khà rồi giải thích: “Cái nghề đánh bắt thủy sản mà có sử dụng đèn, nếu không sắm đèn công suất lớn thì ra biển chỉ có nước nhìn người ta thu hoạch, còn mình thì chạy tàu không vào bờ. Mà cái nghề “ăn cướp” này, ai muốn giàu to thì phải đầu tư mua sắm tàu lớn.

 

Bây giờ để cạnh tranh nhau, dân hành nghề đua nhau phát triển, họ “chơi” tàu từ 6 – 14 lốc, đèn pha lên đến 5.000 – 8.000W/pha, đi kèm đó là những trang thiết bị hiện đại phục vụ nghề như: máy định vị, máy dò cá … Chẳng ai “ăn cướp” trên biển Đông mà lại chịu lép vế với người khác về việc mua sắm trang thiết bị. Lép vế với đồng nghiệp thì cũng có nghĩa là tự mình hại mình!

 

Lợi nhuận từ cái việc đánh bắt theo kiểu hành quyết như thế này là rất lớn, nó đã kéo theo một “cuộc chạy đua vũ trang” trên biển thật kinh hoàng. Tính sơ sơ cũng thấy việc sắm các trang thiết bị đánh bắt mang tính hủy diệt như thế nào. Giai đoạn đầu, giá một pha xúc trị giá 5 cây vàng, nhưng mua rất khó, phải đặt hàng từ nước ngoài đưa về.

 

Bây giờ, loại đèn cao áp này bán nhiều nên nó tụt xuống chỉ còn 2 – 3 cây vàng mà thôi. Mỗi tàu cá ra khơi chỉ cần trang bị từ 8 – 10 pha thôi là được. Còn thằng công suất lớn, bạo chơi thì chơi luôn 15 mã lực. Đấy, chỉ tính thế thôi cũng đã thấy tổng sức ánh sáng từ các pha xúc rọi trực tiếp xuống biển vào một điểm là từ 40.000 – 90.000W. Tia sáng của pha xúc từ ghe chiếu thẳng xuống biển sâu hơn chục mét, lại rất nặng, thử hỏi loại cá tôm nào nằm trong tầm pha của nó mà không nổ mắt chết tươi được chứ?”.

Tại sao nghề pha xúc lại “chạy đua vũ trang” mua sắm các trang thiết bị khủng khiếp đến như vậy, trong khi biển cả rộng mênh mông, đâu có thiếu ngư trường? Anh Long nói: “Nghề này được ví là nghề “ăn cướp” trên biển, bởi tất cả các thao tác, từ chạy tàu, giương càng xúc, tung lưới đều phải nhanh như chớp. Tàu nào có công suất lớn, chạy trên biển với tốc độ cực nhanh và biết kết hợp với đèn pha cực mạnh thì “A lê hấp” sẽ cướp được cá nhiều hơn.

 

Đấy làm nghề nào là phải bạo gan vậy đó. Chứ cũng là đi khai thác tài nguyên trên biển với nhau trên cùng một ngư trường mà sáng bảnh mắt vào bờ, nhìn tàu thằng kia đầy ắp cả mấy tấn cả, còn chiếc của mình chỉ có được vỏn vẹn mấy thiên (sọt) cá thì hỏi sao không tức. Chính vì thế, dẫu khó khăn như thế nào, bọn tui cũng cố gắng đi vay ngân hàng để chạy đua, thật ra thì không có sự lựa chọn nào khác nếu mình muốn tồn tại em ạ!”.

 

Với những chuyến tàu hành nghề “ăn cướp” như thế này thì vai trò của người thuyền trưởng cực kì quan trọng. Thuyền trưởng luôn luôn phải có trình độ lão luyện và dày dạn kinh nghiệm thì mới điều khiển tàu chạy với tốc độ nhanh, rồi đột ngột cho tàu chặt gốc cua, lùi theo đúng luồng cá, thông qua máy dò cá chỉ điểm. Thuyền trưởng phải biết kết hợp chỉ huy đám bạn (lao động trên tàu) buông lưới, kéo lưới nhanh, chính xác đúng từng li, từng tí. Tất cả các động tác đều mang tính chuyên nghiệp cao!

 

Hủy diệt môi trường!

 



Cuộc chạy đua “ăn cướp” trên biển - 2

Sau những chuyến đi biển, anh Sinh lại đan lưới.

 

Anh Trần Ngọc Sinh ở khu phố 1 phường Hàm Tiến – Phan Thiết (Bình Thuận) không chỉ có nghề chính là đi thúng chai mà còn kiêm cả việc theo tàu “ăn cướp”. Hôm nào không đi thúng chai thì anh quẩy quả theo thuyền ông cậu ra Mũi Né tức thì. Hiện nay, ở Bình Thuận có khoảng 300 chiếc tàu đánh bắt bằng pha xúc tập trung đi khơi khu vực Mũi Né và Phú Hài (Phan Thiết) và Nha Trang (Khánh Hòa).

 

Cứ khoảng 10 giờ trưa thì y rằng tàu pha xúc nổ máy chạy thẳng ra ngư trường và đến 10 giờ trưa hôm sau lại cập bờ. Ở Bình Thuận, tàu pha xúc thường có công suất từ 60 – 80 CV, nhưng chủ yếu là 60 CV với giàn đèn pha xúc từ 9 bóng đến 12 bóng. Mỗi chuyến đi khơi, gặp biển được mùa thì tàu pha xúc thu được cả 20 chục tấn cá cơm, cá trích. Cá kéo lên tàu chứa không hết thì cánh thợ lại kéo lưới cho thuyền khác xài chơi.

 

Anh Sinh cho biết: “Vùng biển Bình Thuận này không hiểu vì sao có rất nhiều cá cơm, cá trích. Nhất là từ tháng 7 cho đến tháng 9 dương lịch thì ôi thôi cá nhiều vô kể. Bởi cá nhiều nên mới thu hút nhiều tàu pha xúc làm. Chẳng những chỉ có dân Bình Thuận làm nghề này mà cả dân Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi và Khánh Hòa cứ đổ xô nhau vào đây đánh loại cá này. Nhưng nói gì thì nói, chứ năm nay tàu pha xúc ở biển Bình Thuận bị mất mùa, do không có cá dù rằng biển không bị động, hơn nữa giá dầu tăng nên đa số ngư dân nằm bờ Dẫu vậy, tàu pha xúc của chúng tôi vẫn ra biển Khánh Hòa đánh bắt”.

 

Đưa chúng tôi đi quan sát hầm máy, anh Sinh hồ hởi khoe rằng: “Đấy, em xem máy của anh 9 lốc (90CV), kèm theo bình điện 10 ký (mô tơ phát điện). Muốn nổ máy, chỉ cần rịn ga một cái, nhìn đồng hồ đo điện báo ngay 300 – 400 V. Có như thế mới tải nổi cả giàn đèn trên tàu khoảng 150.000W. Cỡ này mới đủ uy ngồi nói chuyện với đám pha xúc trong TP Nha Trang (riêng đảo Trí Nguyên có đến 116 chiếc thuyền pha xúc cỡ lớn, đứng đầu tỉnh Khánh Hòa – PV). Mặt khác, nhìn ra biển mình không cảm thấy bị thua thiệt. Thiên hạ chơi ỡ nào, mình “chơi” cỡ đó. Ngoài ra, còn dằn mặt các tàu khác không tới “ăn cướp” cá dưới biển đang nằm trong tầm kiểm soát của mình”.

 

Tàu pha xúc nhà anh Sinh có công suất 90 CV, với giàn đèn pha gồm 12 bóng. Để đầu tư cho giàn đèn này, cậu anh phải đầu tư máy phát điện và bình đi - mô loại 10 ký, chi phí cũng trên trăm triệu đồng. Phương thức đánh bắt của tàu pha xúc chủ yếu bằng ánh sáng cực mạnh. Tàu cứ chạy ngược xuôi đi tìm cá, nếu phát hiện ra cá, họ cho bật hàng chục bóng điện sáng trưng cả một vùng để “dụ” cá đến qui tụ một chỗ.

 

“Khi cá đã tập trung lại thì người thuyền trưởng phải căng mắt xem qua màn hình của máy dò cá, thấy cá đã “qui tụ” hoặc đang nằm dưới sâu, thuyền trưởng ra lệnh bung lưới cho nằm sẵn dưới biển rồi tăng ga, đóng cầu dao cho toàn bộ giàn đèn pha sáng rực chiếu thẳng xuống biển. Chỉ cần vài phút, cá không chịu nổi sức mạnh của ánh sáng liền trồi đầu lên hết mặt nước, lập tức bị xúc gọn trơn à!”, anh Sinh khái quát.

 

Với sức mạnh ánh sáng của pha xúc, nó có thể rọi sâu xuống 25 mét nước biển, trong phạm vi này, hầu như không có con cá nào chịu nổi sức công phá của đèn pha. Một ngư dân trên tàu anh Sinh tỏ vẻ am tường cho biết: “Tụi cá cơm, cá nục tới hừng đông mới chịu đèn nổi lên cao. Chỉ cần ba pha xúc bật sáng để trên ca bin tàu, lưới bỏ dưới boong chưa đầy hai phút nó đã bốc cháy. Huống hồ mắt con cá con tôm bị rọi trực tiếp thì 100 phần trăm nó bị nổi mắt, nhẹ thì cũng xuất huyết máu. Có như thế, miếng lưới của tàu pha xúc có trọng lượng chỉ 20 kg nhưng nó xúc được hàng tấn cá trong một đêm”.

 

Thực tế, tàu pha xúc chỉ vớt được một phần nhỏ cá, số còn lại bị chết nằm lại trong đại dương mênh mông. Không ai có thể đo lường được mức thiệt hại do hậu quả của pha xúc để lại là bao nhiêu. Một tàu pha xúc một đêm hoạt động có thể bật đèn pha cả trăm lần rọi thẳng xuống biển, nó sẽ tiêu diệt hàng trăm vạn ấu trùng đến cá tôm vừa mới trưởng thành. Mấy nghìn tàu pha xúc hoạt động trên biển miền Trung từ tháng này qua tháng nọ thì mức thiệt hại về nguồn lợi thủy sản rất là khủng khiếp.

 

Bộ Thủy sản (nay thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) chỉ cho phép các tàu đánh bắt bằng ánh sáng điện không quá 500W/đèn, thế nhưng mọi hoạt động của các tàu pha xúc dùng đèn gần đên 10.000 W/đèn mà không bị các cơ quan chức năng “thổi còi”.

 

Các nhà hải dương học và cơ quan bảo vệ ngư trường đã cho rằng đánh bắt thủy sản bằng đèn cao áp cũng không khác gì việc dùng thuốc nổ đánh cá trên biển. Và những gì được xem là biện pháp cải tiến kỹ thuật trong đánh bắt thủy sản thì bây giờ lại trở thành phương tiện hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển một cách công khai. Biển miền Trung thực sự đang bị bức tử bởi nghề “ăn cướp”.

 

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An – Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cảnh báo: “Với kiểu đánh bắt thủy sản bằng pha xúc có công suất lớn như hiện nay, nó ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản rất lớn. Vì tất cả các loại sinh vật biển ở trong vùng ánh sáng truy quét qua đều bị tiêu diệt sạch. Lớn thì nổ mắt, nhỏ thì chết do sức nóng quá lớn. Đây là một hiểm họa lớn đã được báo trước”.

 

Theo Tường Thành - Luân Hải

 Diễn đàn các nhà báo Môi trường Việt Nam