1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nghệ An:

Công ty “biến mất”, hàng trăm lao động bơ vơ

(Dân trí) - Có “bảo bối” là giấy phép mở chi nhánh ở Nghệ An, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Phú Thọ (Thanh Hoá) ngang nhiên tuyển hàng trăm lao động, thu hàng trăm triệu đồng tiền tín chấp. Chưa đầy 3 tháng sau, lãnh đạo chi nhánh và công ty đột ngột “mất tích”.

Công ty “ma”?

 

Ngày 15/8/2006, Công ty Phú Thọ thành lập với giấy phép số 2603000449 do Sở kế hoạch đầu tư Thanh Hoá cấp ở địa chỉ 89 đường Lê Lai, TP Thanh Hóa. Vốn pháp định của công ty là 1 tỷ đồng, ngành nghề chính là sản xuất nước rửa chén và kinh doanh tổng hợp. Giám đốc công ty là ông Đào Đức Phước.

 

Gần một tháng sau khi thành lập, công ty bắt đầu “tiến quân” vào Nghệ An, Hà Tĩnh, rải tờ rơi tuyển dụng: Tuyển 200 công nhân sản xuất nước rửa chén, 40 kế toán bán hàng và 15 nhân viên văn phòng. Sau khi vào làm việc, người lao động sẽ được nhận từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng tiền lương/tháng. Nộp 50 ngàn đồng khi đến nộp hồ sơ đăng ký.

 

Ngày 10/10/2006, công ty đã xin được giấy phép mở chi nhánh tại Nghệ An do Sở kế hoạch đầu tư tỉnh này cấp. Thuê văn phòng, kho sản xuất tại Công ty Cổ phần vận tải ôtô số 5 (Quán Bàu, TP Vinh). 

 

Điều kiện tuyển dụng rất đơn giản: Người lao động phổ thông không cần bằng cấp, trung cấp kế toán chưa có việc làm, sau khi vào công ty sẽ đào tạo thêm. Vì thế, trong một thời gian ngắn, công ty nhận được hàng trăm hồ sơ xin việc. Mỗi hồ sơ nộp kèm 50.000 đồng. Ngoài ra, những người trúng tuyển, khi làm hợp đồng lao động phải nộp kèm 2 triệu đồng (đối với người lao động) và 5 triệu đồng (đối với nhân viên văn phòng) gọi là tiền tín chấp. Sau 18 tháng, công ty sẽ trả lại số tiền trên.

 

Vì muốn có ngay việc làm nên rất nhiều người lao động đồng ý với điều khoản công ty đưa ra. Đương nhiên, công ty bỗng có trong tay hàng trăm triệu đồng. Rồi không hiểu lý do gì, gần 1 tháng sau khi mở chi nhánh, lãnh đạo công ty đột nhiên “mất tích”, văn phòng chi nhánh đóng cửa kín mít.

 

Hàng trăm người lao động nháo nhác, bơ vơ, hoang mang về khả năng của một công ty “ma”. Họ đã viết đơn nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.

 

Sự “mất tích” kỳ lạ

 

Hỏi đến chi nhánh Công ty Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Huân - Ban kinh doanh kho - Công ty Cổ phần vận tải ôtô số 5 - bức xúc: “Mất hút rồi, mới mở được mấy hôm thì cửa phòng chi nhánh đóng kín mít. Tiền nợ thuê văn phòng và kho của công ty chúng tôi là 20 triệu đồng nhưng chẳng thấy lãng đạo Công ty Phú Thọ đâu. Chúng tôi đã gửi 3 công văn, nhưng hai công văn trước thì phía Công ty Phú Thọ khất lần dịp khác. Công văn thứ ba thì bị trả lại vì không có địa chỉ của Công ty Phú Thọ ở Thanh Hoá do đã đóng cửa”.

 

Không đòi được nợ, phía công ty ông Huân đã nhờ Công an Nghệ An can thiệp. Công văn ký ngày 10/3/2007 có nội dung: “Ngày 28/7, Công ty Cổ phần vận tải ôtô số 5 liên lạc được với ông Phước - Giám đốc Công ty Phú Thọ. Ông Phước nói qua điện thoại là công ty ông bị phá sản và đề nghị Công ty Cổ phần vận tải số 5 cho thanh lý hợp đồng vắng mặt (ông Phước nói ông vào (vào Nghệ An - PV) sợ bị đánh)”.

 

Sự “biến mất” lạ lùng của lãnh đạo Công ty Phú Thọ còn làm cho hàng trăm người lao động như ngồi trên chảo lửa vì rất có thể họ sẽ bị mất trắng số tiền tín chấp đã nộp cho công ty.

 

Chiều 14/3, PV Dân trí đã liên tục liên lạc với ông Đào Đức Phước qua số máy di động nhưng không có người nghe máy. Liên lạc qua số máy của văn phòng Công ty Phú Thọ ở Thanh Hoá thì nhân viên bảo “ông Phước không có mặt, tôi không giải quyết được”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa