1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Công bố thông tin về di tích Chăm 1.000 năm tuổi

(Dân trí) - Ngày 28/8, sau hơn một tháng khai quật di tích Chăm làng Phong Lệ giai đoạn 2, đoàn khảo cổ do Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với các nhà khảo cổ Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những thông tin ban đầu về khu đền tháp này.

Đây là khu đền tháp kiến trúc Chămpa có niên đại khoảng 1.000 năm tại tổ 3, phường Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Toàn cảnh khu chân tháp Chăm vừa được khai quật
Toàn cảnh khu chân tháp Chăm vừa được khai quật

Ông Nguyễn Chiều, giảng viên Khảo cổ học Khoa Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), phụ trách công tác khai quật cho biết, trong lần khai quật giai đoạn 1 vào tháng 4/2011, đoàn khai quật 5 hố với diện tích khoảng 206m2 đã phát hiện được tháp cổng và bắt đầu lộ một phần của tháp chính. Sau đó, đoàn đã tiếp tục khai quật thêm 4 hố khác với diện tích khoảng 300m2.
 
Các viên gạch hình vuông, đá cuội và đá thạch anh ở trong các Ô Khám dưới chân đền tháp
 
Các viên gạch hình vuông, đá cuội và đá thạch anh ở trong các Ô Khám dưới chân đền tháp
Các viên gạch hình vuông, đá cuội và đá thạch anh ở trong các Ô Khám dưới chân đền tháp

Năm nay, trên tổng diện tích khoảng 500m2, đoàn đã khai quật phần tháp chính. Theo kết quả đo đạc hiện tại, nền móng tòa tháp chính này có diện tích khoảng 16m x 16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ (cửa giả) và 1 cửa chính. Ngoài ra, đoàn khai quật còn phát hiện một số vết tích điêu khắc nghệ thuật khá tinh xảo, giúp xác định niên đại.

So sánh những di tích hiện còn và hiện vật đã được thu gom về bảo tàng trong đợt khai quật trước cho thấy, niên đại của khu đền tháp Chăm làng Phong Lệ tương ứng với di tích Chăm ở Khương Mỹ (tỉnh Quảng Nam), và niên đại cụ thể xác định là vào cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.
 
Các viên gạch hình vuông, đá cuội và đá thạch anh ở trong các Ô Khám dưới chân đền tháp
Người dân địa phương rất quan tâm đến các hiện vật văn hóa Chăm từ làng Phong Lệ và khu vực đền tháp Chăm này

Ông Nguyễn Chiều cho biết, quá trình khai quật đã làm lộ rõ và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc chân móng của một tòa tháp Chăm rất lớn. Chân móng có hình chữ Thập. Từ cửa Đông đến cửa Tây có chiều dài 23,15m, từ cửa Bắc đến cửa Nam có chiều dài 19,3m. Từ móng tường Đông đến móng tường Tây dài 15,85m; từ móng tường Bắc đến móng tường Nam dài 16,15m.

Bề mặt của chân móng khá bằng phẳng được tạo bởi một lớp gạch vụn đầm rất chắc, dày khoảng 10cm. Phía dưới lớp gạch vụn đầm mặt móng đến độ sâu hơn 2m là những lớp gạch vụ đầm khác xen kẽ giữa những lớp đá cuội và cát trắng. Độ dày của những lớp gạch vụ này không đều nhau. Dưới cùng là sinh thổ gồm những lớp đất cát pha khá mịn và chặt.

Ở tâm chính của móng tháp có một hố vuông có độ sâu cùng với móng tháp. Hố vuông này được các nhà khảo cổ gọi là hố thiêng. Hố thiêng là nơi đặt bệ thờ, thường thờ thần Shiva với vật tế là ngẫu tượng Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của Ấn Độ giáo.
 
Các sinh viên nước ngoài cũng rất quan tâm đến các hiện vật được khai quật từ khu đền tháp Chăm này
Các sinh viên nước ngoài cũng rất quan tâm đến các hiện vật được khai quật từ khu đền tháp Chăm này

Dưới phần tháp chính có 8 hốc chính mà các nhà khảo cổ tạm gọi là các Ô Khám. Các Ô Khám này chứa cát, một viên gạch hình vuông được đặt trên một hòn đá cuội và dưới cùng là hai viên đá thạch anh có nhiều đầu nhọn.

Ông Nguyễn Chiều cũng cho biết tạm thời dừng khai quật tại di tích này để có thể lập dự án nghiên cứu tiếp và đầy đủ hơn. Ông cũng mời những ai am hiểu chuyên sâu về kiến trúc đền tháp này có những nghiên cứu đóng góp bổ sung nhằm hoàn thiện hơn nữa khu đền tháp.

“Lập dự án bảo tồn để gìn giữ một di tích văn hóa có 1.000 năm tuổi để thế hệ hôm nay và mai sau có điều kiện chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học hỏi”, ông Chiều cho biết.

Công Bính