1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Có hiện tượng găm giữ, làm giá USD

(Dân trí) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định như vậy khi nói về những diễn biến trên thị trường ngoại tệ mấy ngày gần đây và cho biết NHNN đang soạn thảo một số văn bản chỉ đạo, phối hợp với các bộ ngành liên quan để có biện pháp xử lý thích hợp.

Có hiện tượng găm giữ, làm giá USD - 1
Giá USD tự do đã vượt 18.000 VND.
 
Thống đốc có thể nói rõ hơn về hiện tượng găm giữ, làm giá USD trên thị trường tiền tệ mấy ngày gần đây?
 
Nói về quản lý ngoại hối, chúng ta đều biết chính sách tỷ giá vẫn được điều hành linh hoạt và theo tín hiệu cung cầu trên thị trường. Thủ tướng vừa phát biểu với các nhà đầu tư tại Hồng Kông, quý 1 năm nay chúng ta có rất nhiều thuận lợi và đây là lần đầu tiên sau nhiều năm xuất siêu khá lớn, với mức 1,65 tỷ USD.
 
Tất nhiên có hiện tượng găm giữ và làm giá trên thị trường trong vài ngày qua. Theo tôi có nhiều lý do, ví dụ như tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Đánh giá khủng hoảng và thông tin khủng hoảng có nhiều ý kiến trái ngược nhau, tôi không bình luận về các ý kiến này. Mặc dù những ý kiến này cũng làm ảnh hưởng thị trường và chúng ta cũng phải bắt nguồn từ việc đánh giá khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nước ta.
 
Chúng tôi đang có những văn bản chỉ đạo và phối hợp với Bộ Công an, quản lý thị trường, UBND các địa phương để xem xét vấn đề trên.
 
Mấy ngày nay, tỷ giá biến động mạnh trong khi nhiều loại hàng hóa niêm yết bằng ngoại tệ (điển hình là ô tô, xe máy nhập ngoại…) gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
 
Có hiện tượng găm giữ, làm giá USD - 2

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.

Theo điều 22 của Pháp lệnh quản lý ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối; trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng cho phép. Do đó, các trường hợp vi phạm khi bị cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử lý theo pháp luật.
 
Trong những thời điểm cung - cầu ngoại tệ trên thị trường căng thẳng, một phần do các tổ chức có nguồn thu ngoại tệ không muốn bán lại cho ngân hàng, một số ý kiến cho rằng chúng ta nên tái áp dụng quy định kết hối, buộc các tổ chức bán lại cho ngân hàng theo một tỷ lệ nào đó?
 
Nhiều ngân hàng thương mại đã kiến nghị chuyện này, nhưng quyền quyết định cuối cùng là của thủ tướng, không phải quyền của thống đốc. Trên thực tế, chúng ta đã áp dụng biện pháp này. Năm 1999 - 2001, chúng ta kết hối ngoại tệ và tôi thấy cũng bình thường.
 
Quay trở lại với diễn biến trên thị trường ngoại tệ, một số ý kiến cho rằng, có tình trạng căng thẳng cung cầu là do các bộ ban ngành liên quan chưa phối hợp chặt chẽ với nhau?
 
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương trong vấn đề cân đối, góp phần ổn định tỷ giá. Bộ Công Thương phải làm tốt xuất nhập khẩu, tránh đẩy áp lực quá lớn lên Ngân hàng Nhà nước. Các bạn nói đúng, trong cán cân tổng thể, các quốc gia đều xem cán cân thương mại là quan trọng nhất.
 
Trung Quốc sau 12 năm cải cách, từ năm 1978 cho tới 1990, họ xuất siêu từ đó đến giờ và có lượng ngoại tệ dự trữ tới 2.000 tỷ USD. Còn Việt Nam, sau 23 năm đổi mới, chúng ta vẫn phải nhập siêu. Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.
 
Xin cám ơn Thống đốc!
 
An Hạ