1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có hay không đới đứt gãy chạy qua đập Sông Tranh?

(Dân trí) - Các chuyên gia khẳng định động đất tại đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, lại có nhiều bất ngờ quanh kết luận có hay không đới đứt gãy kiến tạo địa chất chạy qua đập Sông Tranh.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2045/Dong-dat-lien-tiep-tai-thuy-dien-Song-Tranh.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Động đất liên tiếp tại thủy điện Sông Tranh</b></a>

Sáng 9/11, tại hội thảo “Địa chất công trình nền đập nhà máy thủy điện Sông Tranh 2”, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 bắt nguồn từ việc xây đập trong khu vực có kiến tạo địa chất phức tạp và hiện tượng động đất kích thích sẽ còn kéo dài tới 3-5 năm nữa.

TS Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại nhấn mạnh rằng, Sông Tranh là hiện tượng đặc biệt, không giống bất cứ nơi nào. Động đất kích thích ở Sông Tranh 2 không giống với hồ Hòa Bình, Sơn La… vì ngoài áp suất cột nước còn là do cấu tạo địa chất phức tạp nên rất khó dự đoán. “Tôi không nghĩ động đất kích thích ở Sông Tranh 2 sẽ dừng lại ở 4,6 độ richter, bởi thực tế vừa qua tích nước càng cao, động đất càng mạnh. Hồ Sông Tranh 2 tuy không lớn nhưng địa chất vùng hồ lại rất phức tạp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Còn theo nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Duy Phương – Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam - đập Sông Tranh 2 được xây dựng trên nền đá gneiss cứng chắc, kết quả chỉ tiêu kháng nén trung bình của đá toàn công trình đạt 900÷1000 kG/cm2, riêng vùng đập cường độ kháng nén khô gió trung bình 1041 kG/cm2. Điều đó chứng tỏ đá tại công trình có cường độ rất cao. Tuy nhiên khu vực này lại ghi nhận có nhiều đới đứt gãy, trong đó đới đứt gãy bậc 2 Hưng Nhượng – Tà Vi là lớn nhất. Đới này có chiều dài 5km, cách tuyến đập khoảng 2km, nằm ở thượng lưu hồ chứa là đứt gẫy phân đới, phân chia hai đới cấu trúc Ngọc Linh và Trà Bồng – Khâm Đức, có đới phá hủy rộng trên 10m, đới ảnh hưởng có thể lên tới 100m. Trong vùng còn có 4 đới đứt gãy bậc 3. Một số đứt gãy bậc 4 cắt qua hai vai đập, khu phụ. Vai trái đập đang tồn tại khối trượt, tuy không lớn nhưng cần phải xử lý ngay.

PGS. TS Lê Trọng Thắng – Trưởng bộ môn Địa chất công trình (Đại học Mỏ - Địa chất) - cũng cho rằng,  khi mực nước lên 158m, Sông Tranh 2 đã xuất hiện rung chấn. Trong 3 tháng mực nước dâng cao nhất (175m) thì xảy ra 41 trận động đất cường độ trên dưới 3 độ richter, tiếp đó từ 22-6 tới đầu tháng 11 (5 tháng hạ nước hồ xuống mực nước chết) xảy ra 27 trận trong đó có 3 trận có cường độ hơn 4 độ richter. Điều này cho thấy, bên cạnh áp suất cột nước còn có tác động của các đới đứt gãy bị thấm nước. Động đất kích thích chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện địa chất nhất định như: phát triển các hệ thống đứt gãy lớn có khả năng sinh chấn; đá bị phân cắt thành các khối có khả năng dịch chuyển và đặc biệt là tồn tại các đới đá dập vỡ để nước hồ có thể thấm xuống. Điều đáng chú ý là trong suốt thời gian qua, mặc dù nước hồ đang ở mực nước chết, nghĩa là cột nước nơi sâu nhất cũng chỉ đạt khoảng từ 50 đến 55m, nhưng các trận động đất có cường độ lớn nhất liên tiếp xảy ra. Điều này cho thấy yếu tố tác động của nước thấm từ đáy hồ xuống làm suy giảm độ bền của đất đá đóng vai trò chính so với tác động của chiều cao cột nước trong việc gây nên động đất kích thích tại Sông Tranh 2. Động đất vẫn có thể xảy ra khi cột nước không quá lớn.

Các nhà khoa học đang tranh cãi gay gắt về đới đứt gãy chạy qua đập Sông Tranh
Các nhà khoa học đang tranh cãi gay gắt về đới đứt gãy chạy qua đập Sông Tranh

Từ những nghiên cứu này, ông Thắng đưa ra nhận định: Động đất dưới 5 độ richter chiếm xác suất 85,26%. Sông Tranh 2 có chiều cao cột nước 95m, dung tích hồ chứa 700 triệu m3, nhiều khả năng rơi vào nhóm dưới 5 độ richter. Thời gian động đất kích thích có thể kéo dài 3-5 năm. PGS.TS Lê Trọng Thắng cũng nhận định, nhiều khả năng trận động đất 4,6 độ richter ngày 22-10 vừa qua đã tiến gần tới đỉnh. Sau khi đạt đỉnh, cường độ động đất sẽ giảm và tần suất xuất hiện sẽ thưa dần, gần như đạt trạng thái bình ổn.

Ngược lại với ý kiến của ông Thắng, TS Nguyễn Văn Túc – Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường cho biết: vừa qua, đoàn công tác thuộc Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam gồm các chuyên gia độc lập là các giáo sư đầu ngành về Vật lý địa cầu, Cơ học đất nền móng, Địa chất thủy văn, địa bức xạ… đã khảo sát, nghiên cứu địa chất liên quan đến sự cố Đập Thủy điện Sông Tranh 2. Đoàn công tác đã dùng thiết bị chuyên dụng máy đo Địa bức xạ để khảo sát địa chất, tìm các đới đứt gãy và khảo sát toàn bộ công trường lòng hồ, đập dâng, nhà máy và các khu xung quanh khu lòng hồ.

“Qua nghiên cứu thực địa chúng tôi tạm thời rút ra kết luận sơ bộ: Thứ nhất không có đới đứt gãy kiến tạo địa chất chạy qua đập Sông Tranh. Thứ hai có một hệ thống đứt gãy chạy theo phương Bắc Nam trong lòng hồ, cơ sở để gây nên động đất. Đây là đứt gãy đang hoạt động, biểu hiện ở đây ai cũng biết là có nguồn nước khoáng, nước nóng sông Vin, tức là có nguồn nước nóng phun lên. Thứ ba, về nền đập thì không có vấn đề”- ông Túc khẳng định.

Ông Túc cũng cho biết, qua đợt khảo sát đoàn còn phát hiện thêm một đới đứt gãy Á vĩ tuyến, chạy theo hướng Đông Tây, song song với thân đập phụ, sát bờ phải đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Theo đoàn công tác cho rằng sự cố thấm nước qua thân đập, trượt đất ở bờ trái hoàn toàn không đáng lo ngại mà đới đứt gãy ở sát bờ phải này cần phải được nghiên cứu thêm để sớm đưa ra giải pháp xử lý thỏa đáng.

Thanh Trầm