1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Có gạo ăn là mừng lắm rồi”

(Dân trí) - Thấy một người đến nhận quà Tết, chúng tôi gọi người này bằng “bé”. Hỏi ra mới hay “bé” năm nay đã tròn… 49 tuổi. Câu chuyện vui trong buổi phát quà Tết cho các nạn nhân chất độc da cam ở TP Cần Thơ, kể ra mà buồn!

Những nạn nhân da cam chúng tôi gặp trong buổi phát quà hôm qua, 2/2, đều giống nhau ở điểm: nghèo. Câu nói đầu tiên họ chia sẻ với chúng tôi trong những ngày cuối năm là “có gạo ăn là mừng rồi lắm rồi, không mong gì hơn nữa”.

 

Đoạn đường từ nhà đến địa điểm nhận quà Tết trên đường Lý Tự Trọng (phường An Phú, quận Ninh Kiều) chỉ chừng 2km nhưng chiều qua, hai mẹ con cụ Phạm Thị Yên phải đi mất hơn 2 giờ đồng hồ. Bà cụ Phạm Thị Yên (73 tuổi) dắt theo con là Dương Thị Gieo (49 tuổi), chia sẻ: “Tui với nó chỉ dám đi bộ chứ đâu có tiền mà đi xe. Cả năm trời tui có khi nào ra khỏi nhà nên dắt con đi lại đây nhận quà Tết còn bị lạc đường”.
 
“Có gạo ăn là mừng lắm rồi”  - 1

Cụ Yên và cô con gái 49 tuổi dắt díu nhau tới nhận quà.
 

Cụ Yên có 3 người con, 2 trai, 1 gái, người con gái duy nhất bị di chứng dioxin, là nhân vật “bé” ở trên. Chồng cụ Yên mất cách đây đã hơn 20 năm. Một mình cụ làm đủ mọi nghề nuôi các con. Hai người con trai lớn lên lấy vợ ở Hậu Giang, cụ lại một mình tảo tần với người con gái “da cam”. 

 

Chị Dương Thị Gieo tuy đã gần 50 tuổi nhưng dáng hình như một đứa trẻ, không nhận biết được xung quanh. Cụ Yên than thở: “Tết năm nào với tui cũng là cái Tết nghèo, Tết chỉ có 2 mẹ con, còn 2 đứa con ở Hậu Giang thì có năm về, năm không bởi tụi nó cũng nghèo rớt mồng tơi, tiền đi xe từ Hậu Giang về Cần Thơ chỉ chừng 25.000 đồng cũng chẳng có”.

 

“Đứa con gái lớn nào có biết Tết là gì. Đến Tết có ai cho ít tiền thì cũng mua cho con một bộ quần áo mới…”, cụ Yên xót xa.

 

*

Cũng mắc di chứng dioxin nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thủy (28 tuổi) có thể tự lên nhận quà rồi cất vào túi. Nhưng cũng có lúc chị lẫn, quên đầu quên đuôi. Chị Thủy là con gái út trong một gia đình có 4 anh chị em. Bà Nguyễn Thị Lệ (55 tuổi) nhà ở phường Cái Khế, mẹ chị, kể bố chị đã bỏ về ngoài Bắc mười mấy năm nay, bỏ mặc bà nhọc nhằn với 4 con, nên cuộc sống gia đình nghèo khó lắm. Nhưng bà không quản ngại nuôi các con ăn học, thế nên con bà cũng có người đang làm giáo viên.

 

Bà Lệ đang sống với người con trai đầu, anh này làm bảo vệ, kiếm tiền nuôi bà và chị Thủy. Bà nói: “Tui bị một khối u ác tính đã nhiều năm, tháng nào cũng vô hóa chất nên mọi chi phí đều nhờ vào thằng con đầu. Nhưng lương bảo vệ chưa lo đủ cái ăn cho 3 mẹ con tui thì lấy tiền đâu trị bệnh. Vì thế cứ nợ nần khắp nơi”.
 
“Có gạo ăn là mừng lắm rồi”  - 2
Chị Thủy và chị Gieo lên nhận quà.

 

Nhiều năm nay gia đình bà Lệ sống quen cảnh nghèo khó. Bà bảo, “người nghèo như chúng tui thì sợ nhất là không có gạo để ăn, chứ có gạo là mừng rồi, mong gì thịt, cá, bánh kẹo. Đón Tết trong thiếu thốn riết rồi cũng quen”.

 

*

Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (30 tuổi) cứ ngơ ngẩn như đứa trẻ lên 3 trong buổi nhận quà Tết. Dẫn chị đi nhận quà là người chị ruột Phạm Thị Mỹ Phượng (39 tuổi). Chị Phượng cho biết, 6 anh chị em nhà chị, chỉ mình chị Hạnh nhiễm chất độc da cam, sống nhờ vào gánh rau còm cõi của chị.

 

Chị Phượng nói, ở tuổi này vẫn không dám lấy chồng, vì không nỡ bỏ lại mẹ và người em tật nguyền. Nói về những ngày sắp tới, chị bảo: “Bán rau có lời mới ăn Tết, còn không thì có gì ăn đó thôi”.

 

*

Trong buổi nhận quà Tết chiều qua có một em trai ngồi lặng lẽ ở góc bàn. Em là Đinh Quốc Cường (19 tuổi), đang là học viên ngành Công nghệ phần mềm của một trường dạy nghề. “19 năm nay em không đi được, mọi di chuyển đều có người bồng bế. Thời gian đầu đi học em cũng tủi thân lắm, nhưng sau em hiểu rằng quan trọng là tự lực đứng lên nên em đã cố gắng học” - Cường cho biết.

 

Là một nạn nhân da cam nhưng Cường may mắn lành lặn về trí não. Em vẫn hy vọng lắm vào tương lai: “Em không đi được nhưng em suy nghĩ được. Em sẽ cố gắng học để sau này có thể lo cho bản thân và gia đình”.
 
“Có gạo ăn là mừng lắm rồi”  - 3
Có gạo ăn là mừng rồi.

 

Ông Lê Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - bày tỏ: “Những gia đình có nạn nhân chất độc da cam hầu hết đều nghèo nên rất cần sự chia sẻ của cộng đồng. Mỗi dịp xuân về, chúng tôi đều tổ chức phát quà Tết nhằm phần nào đó hỗ trợ họ ăn Tết. Chúng tôi cũng vận động thêm các cá nhân, tổ chức khác đến với họ để tạo không khí Tết ấm áp hơn”.

 

Để hỗ trợ người nghèo ăn Tết, ngày 2/2, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Cần Thơ đã trao 400 suất quà, mỗi suất 270.000 đồng, với tổng số tiền hơn 108 triệu đồng cho các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ cũng trao tặng 2.200 phần quà trị giá hơn 200 triệu đồng cho các gia đình nghèo; tặng 20 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng, cho 20 em học sinh nghèo. 

 

Huỳnh Hải