1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giám đốc Công an Hà Nội:

“Cố gắng xử phạt 60 - 70% vi phạm giao thông”

(Dân trí) - “Chúng tôi đang cố gắng xử phạt 60 – 70% người vi phạm, nhưng không phải mình mong vi phạm nhiều để phạt nhiều mà mong muốn ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên”, Giám đốc Công an HN, Nguyễn Đức Nhanh trao đổi về việc áp dụng phạt gấp đôi.

Sau hơn 10 ngày công an Hà Nội thực hiện xử phạt tăng nặng, thậm chí phạt gấp đôi đối với các vi phạm giao thông theo Nghị định 34 của Chính phủ, ông có đánh giá như thế nào?

Nghị định 34của Chính phủ được ban hành rất kịp thời, đáp ứng được đòi hỏi thực tế của các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau khi có nghị định 34, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã mở một đợt tuyên truyền vận động những người tham gia giao thông  thực hiện đúng luật, nhất là tuyên truyền mới về nghị định 34.

Công an thành phố cùng với sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho thành phố có quyết định về phạm vi ranh giới nội thành và ngoại thành để quy định mức xử phạt… Sở Giao thông vận tải đã triển khai cắm những biển quy định nội thành và ngoại thành, quy định các tuyến đường theo quyết định của thành phố.

Sau 10 ngày thực hiện nghị định chúng tôi đã có một báo gửi bộ Công an, lãnh đạo Thành phố. Đánh giá chung là số người vi phạm, mức phạt tăng lên gấp 2 lần so với 10 ngày trước đó. Cụ thể, trong 10 ngày đầu thực hiện đã phạt hơn 7 tỷ đồng và hơn 29 ngàn trường hợp vi phạm.
 
“Cố gắng xử phạt 60 - 70% vi phạm giao thông” - 1

Nhưng ở đây không phải mình chỉ tính thành tiền là bao nhiêu, số trường hợp vi phạm là bao nhiêu mà quan trọng việc xử phạt được thực hiện nghiêm hơn. Theo tính toán của công an thành phố, trước đây chỉ phạt được 20 – 30% số trường hợp vi phạm, còn trên 70% chưa xử phạt được.

Sở dĩ như vậy vì giờ cao điểm anh em cảnh sát giao thông phải tập trung vào việc phân luồng để chống ùn tắc nên không thể giăng ra để xử phạt được. Thêm nữa, nhiều người vi phạm bỏ trốn hoặc tìm cách tránh…

Lần này chúng tôi đang cố gắng phấn đấu 60 – 70% số trường hợp vi phạm bị xử phạt. Nếu 100% người vi phạm đều bị xử phạt luật sẽ nghiêm hơn rất nhiều.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của Nghị định 34, nhất là việc phạt tăng nặng đối với ý thức tham gia giao thông của người dân và thực tế giao thông của Hà Nội có tốt hơn không?

Qua nghị định 34 mình xử lý kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn để làm cho trật tự giao thông thành phố tốt hơn. Thực tế, trong những ngày qua, ùn tắc giao thông giảm hơn, vấn đề chấp hành luật giao thông nghiêm hơn so với trước đây.

Tôi nói ví dụ, việc dừng đỗ xe trái phép đã giảm hẳn, các điểm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cũng giảm… Có thể nói, ý thức người dân đang từng bước được nâng lên theo nghị định 34.

Về phía cảnh sát giao thông có những vướng mắc hoặc khó khăn gì khi triển khai xử phạt theo nghị định 34?

Với những người đi bộ và đi xe đạp vi phạm, cảnh sát giao thông xử phạt rất khó khăn. Bởi lẽ, họ không có giấy tờ và mình không thể giữ xe của họ được. Hơn nữa, người ta không có tiền, trong khi cảnh sát giao thông đang phải làm rất nhiều việc.
 
“Cố gắng xử phạt 60 - 70% vi phạm giao thông” - 2
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh: "Việc chấp hành luật giao thông nghiêm hơn trước đây" (Ảnh: Việt Hưng)

Đây là những người vi phạm giao thông, không phải là đối tượng hình sự và nếu giữ một người dân đi xe đạp vi phạm hay giữ một người dân vượt rào ngăn cách sẽ rất phức tạp.

Việc xử phạt với các trường hợp vi phạm trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm cũng không nhiều, thưa ông?

Đúng thế! Với những trường hợp này, một là các bậc cha mẹ không mang giấy  khai sinh, hai là các bậc cha mẹ nói cháu dưới 6 tuổi…  Lấy gì làm căn cứ để khẳng định trên 6 tuổi hoặc dưới 6 tuổi là một khó khăn với anh em cảnh sát giao thông.

Với nghị định 34, mức phạt tăng lên rất nhiều, thậm chí gấp đôi mức phạt cũ nên cũng gây “áp lực” kinh tế với người vi phạm. Vậy cảnh sát giao thông có gặp nhiều những trường hợp không đủ tiền nộp phạt hay thậm chí là thái độ thái quá từ người vi phạm?

Trong hơn 10 ngày qua cũng xảy ra những trường hợp người vi phạm do thấy mức phạt cao đã xin hoặc có những trường hợp bỏ trốn, bỏ chạy khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh. Tuy nhiên, mệnh lệnh của công an thành phố là xử phạt kiên quyết.

Có một số lái xe tắc xi, lái xe tải hoặc có hành vi lăng mạ, bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ. Số vụ chống lại người thi hành công vụ, chống lại cảnh sát giao thông có tăng lên, điển hình như các vụ ở Long Biên, Thường Tín…

Nhưng quan điểm của chúng tôi là phải xử lý thật kiên quyết và nếu bắt được những trường hợp này sẽ xử lý theo tội chống người thi hành công vụ.

Ở trên ông có nói, công an thành phố đang phấn đấu để có thể xử phạt 60 – 70% số trường hợp vi phạm, vậy hiện nay đã xử phạt được bao nhiêu?

Chúng tôi đang cố gắng xử phạt 60 – 70% người vi phạm, nhưng không phải mình mong vi phạm nhiều để phạt nhiều mà mong muốn ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên. Có nghĩa là làm sao giống như các nước tiên tiến, ý thức tham gia giao thông phải tuyệt đối.

Thế còn hiện nay đang phải cố gắng từng bước để cứ vi phạm là phải phát hiện, xử phạt, bởi nếu 100% người vi phạm đều bị xử phạt thì ý thức người tham gia giao thông sẽ được nâng lên rất cao.

Xin cảm ông!

Cấn Cường (thực hiện)