1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Có chủ trương thật đặc biệt may ra người lao động mới có nhà”

(Dân trí) - Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đặng Ngọc Tùng đã nhấn mạnh như vậy. Theo ông Tùng, mỗi tỉnh phải có một cơ quan chuyên trách về nhà ở xã hội, không đặt ra vấn đề kinh doanh mới có thể lo được nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, lập đề án phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu từ nay tới 2012 sẽ xây dựng khoảng 500.000 căn nhà và dự kiến, tháng 6/2008 đề án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Ông có thể nói gì về con số mà Bộ Xây dựng đã đưa ra?

Nhu cầu của người lao động rất lớn, nhưng chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Cho nên nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động, người nghèo vẫn đang quá bức bách. Tôi cũng mong sao cho đề xuất của Bộ Xây dựng thực hiện được. Nhưng 500 ngàn căn thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người lao động và người nghèo hiện nay.

Tôi cũng băn khoăn là cách làm sẽ như thế nào, bởi với cách làm như hiện tại sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu trên. Ta cứ đặt vấn đề giao cho các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp thì cái gì có lợi họ mới làm, còn cái gì không có lợi thì không làm. Có lẽ phải tính một bước khác, ví như Chính phủ phải làm một tổng cục về nhà ở mà tổng cục này, không kinh doanh, may ra mới lo được nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Nhưng chẳng nhẽ vẫn phải dựa vào ngân sách nhà nước?

Chính phủ đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc xây dựng nhà ở xã hội, xây nhà cho người nghèo, công nhân, người lao động, đó là kênh rất tốt. Nhưng thực tế, trong suốt thời gian vừa rồi, các doanh nghiệp đều tập trung vào những gì có lợi. Nếu không có sự cương quyết điều hành của Chính phủ rất khó thực hiện được vấn đề nhà ở cho người nghèo.

Vậy theo ông phải có giải pháp mạnh nào để làm được nhà cho người lao động có thu nhập thấp?

Có thể mỗi tỉnh thành lập ra một cơ quan lo về nhà ở cho người lao động. Chính quyền địa phương giao đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ quan này. Các cơ quan đó đứng ra để mời, tổ chức cho các Cty xây dựng vào đấu thầu, xây dựng nên các căn nhà có chất lượng. Cơ quan đó sẽ đứng ra phân phối cho người nghèo và quyết định giá.

Nhưng giá này là giá không có tiền đất, không có cơ sở hạ tầng, chỉ là giá xây dựng không thì lúc đó mới thật sự là giá rẻ. Việc phân phối phải làm sao cho thật vô tư, phải chọn những người nghèo và bốc thăm ai trúng căn nào ở căn đó. Phải làm như thế, chứ chỉ giao cho các Cty thì Cty nào cũng chạy theo lợi nhuận rồi các thủ tục nảy sinh, làm sao giá thành không cao lên được.

Có những ý kiến cho rằng, chúng ta có thể xây nhà chất lượng cao, giá cao và cho người lao động được trả góp trong nhiều năm. Ông nói gì về cách làm này?

Nếu giá cao làm sao người lao động chịu nổi. Cũng phải thấy rằng, do đất đai, do các thủ tục và do người ta “ăn” nhiều nên giá mới cao như hiện nay. Đồng lương của người lao động như thế này mà đặt vấn đề giá cao, cho dù trả góp cũng rất khó. Người lao động quanh năm làm vất vả, thế mà lương thu nhập có 800 ngàn, 900 ngàn hoặc 1 triệu/tháng chỉ đủ tiền ăn, đi lại, lấy đâu dôi dư mà dành cho phần mua nhà cửa.

Theo tôi phải có một chủ trương thật đặc biệt, may ra người lao động mới có thể có nhà được.

Xin cảm ơn ông!
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lí nhà, Bộ Xây dựng: “Phải có quyết tâm rất cao của chính quyền địa phương”:
 
Cái vướng nhất chính là kinh phí. Kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là từ ngân sách, có thể là ngân sách Trung ương, hoặc địa phương. Mà ngân sách thì chả bao giờ...thừa cả. Do vậy các địa phương, ngoài việc bố trí ngân sách cho các công trình khác thì một nội dung quan trọng khác là phải bố trí ngân sách cho nhà ở xã hội. Tất cả trông chờ vào trung ương thì rất là khó.
 
Vì các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là phi lợi nhuận. Không có lợi nhuận thì đương nhiên không hấp dẫn các doanh nghiệp. Thế tôi mới nói là phải có quyết tâm rất cao của hệ thống chính quyền địa phương thì mới có thể thực hiện được.
 
Cấn Cường (thực hiện)