1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Chuyện về đội bóng vô địch quốc gia đi làm cỏ thuê

(Dân trí) - “Những lúc không có kinh phí đi thi đấu, cả đội chúng tôi phải rủ nhau đi làm cỏ thuê để lấy tiền tham gia. Trước khi ra sân, mỗi cầu thủ ăn tô bún 20 nghìn là xong…” - huấn luyện viên của đội bóng nhiều lần đạt giải vô địch quốc gia trải lòng.

Chúng tôi tìm về một trong những cái “nôi” đào tạo bóng đá khá nổi tiếng của đại ngàn Gia Lai, được gặp đội bóng đã nhiều lần đạt giải vô địch quốc gia giành cho trẻ em nghèo dưới tuổi 15. Dù là những cầu thủ trẻ nhiều lần được chạm tới đỉnh vinh quang của mùa giải trong nước và từng được đi thi đấu ở nước ngoài, nhưng các em phải sống một cuộc sống bần nông lam lũ với một tương lai vô định.

Chưa từng được đào tạo qua trường lớp, cũng không phải là cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp, nhưng nhiều năm nay ông Khelly Khiêm (58 tuổi, trú xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) luôn là một huấn luyện viên giỏi của đội bóng trẻ em nghèo dân tộc Bahnar của xã. Ông Khiêm kể, chẳng biết phong trào yêu bóng đá xuất hiện ở xã Glar từ khi nào, nhưng từ khi còn trẻ ông đã tham gia vào đội bóng của xã để đi thi đấu các giải huyện và tỉnh: “Phong trào đá bóng của xã rất mạnh, xã có 12 thôn thì 11 thôn có sân bóng, dù không được ai dẫn dắt nhưng từ sau giải phóng đến giờ, đội bóng của xã Glar rất nhiều lần giành giải nhất tỉnh. Còn thi đấu ở huyện từ xưa tới nay mới duy nhất đứng nhì một lần, còn toàn bộ đều đứng nhất”, ông Khiêm tự hào khoe.

Huấn luyện viên Khiêm bên những chiếc cúp và huy chương mà ông và các cầu thủ nghèo đạt được
Huấn luyện viên Khiêm bên những chiếc cúp và huy chương mà ông và các cầu thủ nghèo đạt được

Nhưng điều tự hào nhất của huấn luyện viên Khiêm và người dân xã Glar chính là đội bóng giành cho trẻ em nghèo dưới tuổi 15 của xã. Dù tất cả các cầu thủ trẻ của đội đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có em mồ côi cha mẹ, thất học, nhưng với niềm đam mê bóng đá, các em luôn cố gắng khắc phục để liên tục đứng trên đỉnh cao vinh quang. Không chỉ liên tục đạt giải nhất tỉnh, mà ngay cả giải vô địch quốc gia năm nào đội cũng vào đến chung kết. Đặc biệt, đã 4 lần đội bóng này đứng đầu giải vô địch quốc gia các năm 2005, 2007, 2011 và 2012.

Nhắc tới những thành tích đáng nể này, giọng ông huấn luyện viên không chuyên bỗng chùng xuống khi kể về hoàn cảnh của các cầu thủ nhí. Nhiều năm qua, đội bóng của ông liên tục thay đổi cầu thủ để phù hợp với quy định tuổi của giải, nhưng có một điều dường như không đổi: đó là sau giây phút chạm tới đỉnh vinh quang, các em lại phải trở về với một cuộc sống cơ cực, quanh năm bám rẫy hoặc đi làm thuê. Bởi các em đều có chung hoàn cảnh nghèo khó, sớm phải mưu sinh bằng nghề rẫy, thậm chí phải nghỉ học sớm để đi làm thuê.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng cho phong trào bóng đá của xã
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng cho phong trào bóng đá của xã

Điển hình như lứa cầu thủ năm nay của huấn luyện viên Khiêm có 12 em thì đến 3 em bị mồ côi cha, mẹ và một số em đã phải nghỉ học từ sớm để đi làm thuê như em Môn mồ côi mẹ, 2 em Rô Ma và H’Mu đều mất cha. Một số em may mắn khi cha mẹ còn sống nhưng vì sinh ra trong cảnh nghèo khổ nên phải mưu sinh vất vả từ rất sớm. “Trong đội bóng năm nay, em nào may mắn thì còn được đi học, còn lại thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống. Nhưng nói chung em nào cũng phải đi làm cả, em đi học thì một buổi đến trường, một buổi đi làm rẫy, còn em nghỉ học thì làm cả ngày”, ông Khiêm buồn nói.

Những thành tích đếm mãi mới hết của các trẻ em nghèo nơi đây về bóng đá
Những thành tích đếm mãi mới hết của các trẻ em nghèo nơi đây về bóng đá

Dẫu khó khăn là vậy nhưng các em vẫn không từ bỏ lòng đam mê yêu bóng đá của mình, công việc dù có mệt nhọc đến đâu nhưng chiều nào các cầu thủ nhí cũng giành ít nhất 1 tiếng để tập luyện. Thậm chí nhiều hôm, các em đi rẫy hoặc đi làm thuê chưa kịp về nhà hay nghỉ ngơi là đã lao ngay ra sân bóng. Chính sự đam mê cháy bỏng này đã giúp các em chiến thắng hoàn cảnh, liên tục đạt được đỉnh vinh quang. “Thầy trò chúng tôi không hề được đào tạo hay hướng dẫn gì mà chỉ là tự học hỏi từ những lần đi thi đấu với các đội và học hỏi ở trên ti vi thôi. Còn chúng tôi chiến thắng là nhờ vào sự đoàn kết, sự đam mê và nỗ lực của các em”, ông Khiêm tiết lộ.

Đúng vậy, phải có một sự đoàn kết và lòng đam mê lớn cộng với sự quyết tâm không ngừng nghỉ ở như đội bóng xã Glar, thì những trẻ em nghèo này mới liên tục đạt được giải cao như vậy. Bởi, dẫu là một đội bóng nhưng các em không hề có bất cứ một đồng kinh phí hay nhà tài trợ nào. Ngay cả đến đồng phục thi đấu của đội mỗi em cũng chỉ có một bộ chỉ giành cho những ngày đi thi đấu ở các mùa giải, và mỗi lần mặc xong các em phải giặt thật sạch và “nộp” lại cho huấn luyện viên để các cầu thủ năm sau mặc.

Đội bóng của xã Glar trong một lần đại diện cho trẻ em nghèo Việt Nam ra nước ngoài thi đấu
Đội bóng của xã Glar trong một lần đại diện cho trẻ em nghèo Việt Nam ra nước ngoài thi đấu

Khó khăn nhất với đội phải kể đến đó là kinh phí đi thi đấu, vì không phải lúc nào đội cũng nhận được sự tài trợ của huyện hoặc của tỉnh, mà có lúc phải tự lo chi phí để được tham gia. “Vì đội không có bất cứ nhà tài trợ nào nên nhiều lúc đi thi đấu, thầy trò chúng tôi phải tự lo lấy kinh phí. Lúc đó cả đội lại kéo nhau đi làm cỏ thuê để lấy tiền thi đấu, trước khi ra sân thì mỗi em ăn một tô bún 20 nghìn đồng là xong”, huấn luyện viên đội bóng trẻ em nghèo chia sẻ.

Không chỉ đạt đỉnh cao ở các giải đấu giành cho trẻ em nghèo trong nước, mà nhiều lần đội bóng của xã Glar đã được xuất ngoại đi thi đấu các giải trong khu vực: “Đội bóng cũng đã mấy lần được đi thi đấu ở nước ngoài. Mỗi lần đi thi đấu như vậy, khó khăn lớn nhất của đội chính là việc ăn uống, khi các món ăn đều lạ với các em. Và nhất là bữa ăn không có nước mắm nên rất là khó ăn”, ông Khiêm tâm sự.

Đội bóng của xã Glar trong một lần đại diện cho trẻ em nghèo Việt Nam ra nước ngoài thi đấu
Dù lòng đam mê của đội bóng xã Glar (áo đỏ) luôn bùng cháy với nhiều khả năng thiên phú nhưng sau mỗi mùa giải các em lại ngậm ngùi trở về với ruộng nương mà ít có ai ngó tới

Đam mê và nghị lực là vậy, nhưng tiếc rằng sau mỗi lần bước trên đỉnh cao của mùa giải, các cầu thủ không chuyên của xã nghèo Glar lại trở về với công việc làm thuê, cuốc mướn ngày thường. Và khi các em đã quá tuổi 15 thì sự đam mê và năng khiếu bẩm sinh về bóng đá của các em cũng chỉ để giải trí trên những sân cỏ của xóm làng, hiếm em nào được các nhà chuyên môn để mắt tới. “Trước đây đã có 2 cầu thủ của xã được đội bóng Thái Sơn Nam trong TPHCM gọi vào đá nhưng sau một thời gian tập luyện, các em nhớ nhà quá nên đã bỏ về. Thỉnh thoảng cũng có một vài em khi vào làm thuê cho công ty 75 hoặc các công ty cao su cũng tham gia đội bóng của công ty. Còn lại thì chưa có năm nào có ai về chọn lựa các em, giúp các em trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cả”, ông Khiêm cho biết thêm.

Thiên Thư