1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện tiếp về “Người trở về từ địa phủ”...

(Dân trí) - “Nhà tôi đang ở là của bố mẹ cho chứ tôi lấy đâu ra sức, ra tiền mà làm”, người cựu tù đảo Phú Quốc phân trần. “Ăn xái ngôi nhà” - như lời ông nói, nhưng đã 27 năm rồi ông vẫn không đủ tiền đổ mái cho căn nhà bớt dột nát…

Tôi từng là đồng đội với chị Trâm...

Chúng tôi đến thôn Tiên Hào (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thì trời bắt đầu cơn mưa nặng hạt, một ông cụ khi nghe tôi hỏi thăm nhà người cựu tù đảo Phú Quốc Vũ Minh Tằng - nhân vật trong bài viết “Người trở về từ “địa phủ” và 9 cái răng lưu lạc” đã không chút nề hà dẫn chúng tôi đến tận cổng.

Căn nhà ông Tằng nằm khuất sâu trong xóm, cũng cũ kỹ và giản dị như chính bản thân của ông. Có thể dễ dàng đoán được tuổi đời của căn nhà đã tròm trèm 27 năm bởi con số 1984 được khắc “chễm chệ” trên mái. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, một bàn uống nước, 2 giường gỗ xập xệ và một cái tủ. Ấn tượng nhất chính là hình khung gỗ lồng ảnh vợ chồng ông Tằng: một ảnh thời trai trẻ sung sức và một ảnh thời “thất thập cổ lai hy”.

“Anh thấy không, hồi trai trẻ vợ chồng tui là đôi đẹp nhất làng này đấy. Bà ấy “chết tui” cũng vì cái vẻ đẹp trai, phong độ. Hồi đó tui mới có 24 tuổi chứ mấy”, chỉ tay vào bức ảnh đen trắng, ông Tằng rít một hơi thuốc từ bộ ống điếu tự chế vừa cười vừa nhìn sang bà Nguyệt đang ngồi nhai trầu đầu giường. Bà vợ ông mấy hôm nay do trở trời, 2 đầu gối do bệnh thấp khớp cứ sưng vù nên chẳng đi đâu được, thế mà miệng vẫn cười tủm tỉm khi nghe ông Tằng kể về những năm tháng quen nhau nên vợ nên chồng.
 
Chuyện tiếp về “Người trở về từ địa phủ”... - 1

Chàng trai trẻ trắng trẻo đẹp trai năm xưa giờ đã già với những phần cơ thể "lạo xạo" thương tích

Ông kể, lúc trai trẻ sung sức thì vợ chồng lại xa nhau. Năm 1962, ông nhập ngũ lên đường đánh Mỹ còn bà Nguyệt ở nhà nuôi 2 con: một cô con gái 2 tuổi và một cậu con trai đang còn nằm trong bụng mẹ. “Tôi với liệt sỹ Đặng Thùy Trâm ở cùng một đội chứ đâu xa, lúc đó (năm 1967 ông Tằng đóng quân Quảng Ngãi - PV) tôi 29 tuổi, chức vụ y sỹ, còn chị ấy 22 tuổi nhưng đã là bác sỹ rồi đấy”, ông Tằng bồi hồi nhớ lại.

Ông Tằng cùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm quen và làm việc cùng nhau đúng một tháng rồi không bao giờ còn gặp lại được nhau nữa. Cái ngày định mệnh 3/9/1967 ông bị địch bắt trong hang Đá Chẹt, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm do đang đi công tác ở đồng bằng nên thoát. 3 năm sau thì chị Trâm hi sinh trong một trận tập kích của địch, còn ông vẫn đang ngồi thi gan ở “địa phủ” với bao màn tra tấn của “con quỷ Trần Văn Nhu”.

“Năm 1967 lúc bị bắt, số hiệu của tôi là tù nhân thứ 504. Năm 1973, lúc tôi được ra tù con số đã lên hơn 41 nghìn, trong đó tù nhân nữ ngót nghét 15 nghìn người. Ở đảo Phú Quốc chia ra 4 trại giam, mỗi trại chứa khoảng 1.800 người xếp thứ tự A, B, C, riêng “thằng Nhu” nó cũng sát hại phải 5.000 người rồi”, ông Tằng lại rít hơi thuốc dài.

Ông Tằng cũng không hiểu sao mình vẫn sống qua hàng trăm màn tra tấn dã man hơn thời trung cổ của viên cai ngục Trần Văn Nhu. Thậm chí, để ngồi nói chuyện với tôi ngày hôm nay, ông bảo cũng đã kỳ lạ lắm rồi. Ông lần giở cho tôi xem những tấm phim chụp đợt kiểm tra tổng thể hồi tháng 6/2010: 4 đốt sống bị chẻ làm đôi, hai rẻ sương sườn bị gãy, hốc mắt còn găm mảnh đản R15 và thêm chẩn đoán viêm hang vị, nghi ung thư dạ dày... “Tấm nào cũng bệnh cũng tật, đen tối y như tờ chụp phim, may sao tâm trí tôi vẫn còn sáng lắm”, người cựu tù nở nụ cười làm giãn hẳn khuôn mặt vốn nhăn nheo, gầy xọm của mình.

Giá mà đổ mái bằng được một gian thì hay...

Bệnh tật đầy người, nhưng ông Tằng cũng không nghĩ ngợi nhiều, bởi với ông còn sống được đến ngày hôm nay đã là quá đỗi hạnh phúc rồi. “Đồng đội mình hi sinh hết, mình vẫn có con, có cháu, dù chỉ là thân già với nhau nhưng...”, ông Tằng theo thói quen lại bỏ dở câu nói để cúi xuống rít ống điếu thuốc làm bằng tre  - thói quen vốn có từ thời trẻ, mãi đến giờ ông vẫn không bỏ được dù vợ ông lúc nào cũng lo lắng có hại cho sức khỏe của ông.
 
Chuyện tiếp về “Người trở về từ địa phủ”... - 2

Để thỏa sở thích hút thuốc của mình, ông Tằng cẩn thận tháo từng hàm răng giả để lên bàn

Ông Tằng có 5 người con: 3 trai, 2 gái. Hai đứa con có trước khi ông nhập ngũ chiến đấu và 3 đứa con có sau ngày đoàn tụ. Các con ông đều làm ăn xa, chỉ có người con trai ở gần nhà để chăm bố mẹ lúc trái gió trở trời. Con của ông cũng như chính bản thân ông: tất cả đều nghèo, bệnh tật.

Lúc ra đi chiến đấu với 2 bàn tay không, khi trở về ông cũng bàn tay không. Lúc ra đi ông nặng 54kg thì khi trở về ông chỉ có 23kg cùng “một lô một lốc” vết thương hằn in trên cơ thể. Riêng việc tự ăn uống ông cũng không làm được mà phải nhờ vợ là bà Nguyệt bón. Bà Nguyệt bón cho ông ăn suốt 30 năm. Công việc này chỉ chấm dứt khi ông sắm được “hàm răng giả” mới đây.

Căn nhà ông Tằng đang ở, mới nhìn tôi cũng ngạc nhiên vì sự gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Nền nhà lát gạch hoa trông vẫn còn mới. “Cái nhà này không phải của tôi đâu mà là “ăn xái” lại của các cụ đấy. Bố mẹ tôi mất cũng đã 20 năm nay rồi mà tôi vẫn chưa xây thêm được gì, nhiều khi muốn đổ mái bằng dù chỉ một gian cho bớt cảnh thấm dột mà khó quá”, ông Tằng phân trần.
 
Chuyện tiếp về “Người trở về từ địa phủ”... - 3

Ông Tằng mong ước có tiền đổ mái bằng cho nhà đỡ dột nát, dù chỉ 1 gian...

Số tiền 1,3 triệu đồng trợ cấp chế độ “bệnh binh 2” hàng tháng, phải tằn tiện lắm mới đủ để 3 thân già là vợ chồng ông cùng cậu em trai tàn tật ăn uống qua ngày. Nhà ông cũng có 3 sào ruộng nhưng không có ai còn sức để tự cày cấy, đành nhờ người cày hộ và người ta trả cho ông khoảng 5 tạ thóc/năm, tương đương khoảng 2 triệu đồng.

Thế nên, khi chúng tôi nhã ý tặng thêm ông “5 tạ thóc” quy ra tiền mặt cùng một chiếc xe lăn (được trích từ Quỹ Nhân Ái của Báo điện tử Dân trí), ông Tằng rơm rớm nước mắt vì mừng. “Sáng nay tôi đi dự ngày Thương binh liệt sỹ ở xã cũng được động viên “cân đường, hộp sữa” rồi, giờ lại có số tiền này để giúp thêm đứa cháu đang học đại học trên tỉnh thấy mừng chi lạ. Tụi nó học giỏi lắm mà tui chẳng có chi để thưởng cả”, ông Tằng tâm sự.
 
Chuyện tiếp về “Người trở về từ địa phủ”... - 4

Vợ chồng ông Tằng, bà Nguyệt bên xe lăn cùng số tiền 2 triệu đồng do Báo điện tử Dân trí ủng hộ  
 
“Mình già rồi, giờ sống vui với con cháu được ngày nào hay ngày ấy, đòi hỏi chế độ, công lao làm gì hả chú. Chú cho tôi gửi lời thăm những người đã quan tâm giúp đỡ tôi trên báo nhé. Thế mà cũng nhiều người tốt lắm đấy chú à...”, tự dưng trong tôi lại dấy lên niềm cảm phục ông, người cựu tù oai hùng dũng cảm đảo Phú Quốc năm xưa vẫn đang giản dị, vui vẻ cuộc sống đời thường...
 

Ông Vũ Minh Tằng hiện sống tại thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Số ĐT liên lạc: 0350 399 1805

Sông Lam