1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Chuyện người quấn cờ Tổ quốc vào ngực

Thuyền trưởng cho tàu gầm lên đua với tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa là kình ngư 24 tuổi. Con tàu bị nã đạn bắn cháy nóc cabin, nhưng lá cờ Tổ quốc vẫn được anh em bảo vệ đến cùng.

Anh Bùi Văn Phải quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa biển Hoàng Sa! Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Bùi Văn Phải quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa biển Hoàng Sa! Ảnh: Nguyễn Thành.

 

Sáng 22/3, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của thuyền trưởng kiêm chủ tàu Bùi Văn Phải đưa 8 ngư dân trở về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sau hành trình Hoàng Sa đầy rủi ro, bị tàu tuần tra Trung Quốc bắn cháy cabin ngày 20/3.

 

Tàu cá đi Hoàng Sa, trên nóc cabin luôn treo 2 lá cờ Tổ quốc. Các ngư dân kể lại, nếu mình vô sát đảo Hoàng Sa mà để cờ bay đỏ rực là bị bắn.

 

Trong 8 ngư dân trên tàu, ngoài 2 người quê ở Khánh Hòa ra Lý Sơn đi bạn, còn lại đều là các ngư dân trẻ ở địa phương. Khi bị tàu tuần tra Trung Quốc đuổi theo, các ngư dân nghe 5 phát súng nổ. Tiếp đến là ngọn lửa trùm lên cabin. Anh Phạm Quang Thạnh, 33 tuổi – người thay phiên chỉ huy tàu cùng với Bùi Văn Phải, thấy khói lửa bốc lên từ phía sau rồi bén vào khoang lái liền hô lớn để anh em chạy ra cứu hỏa. Khi ấy trên nóc cabin có 4 bình gas để nấu ăn, trong đó 2 bình còn đầy gas.

 

Bất chấp ngọn lửa đang cháy bùng trên kèo gỗ, anh Thạnh và thuyền trưởng Phải nhảy vào lửa dội nước, lôi đồ đạc ra ngoài. Anh em bên dưới tiếp nước biển lên. Trong khói lửa, thuyền trưởng Bùi Văn Phải cuộn lấy lá cờ Tổ quốc ở nóc cabin vào ngực để không bị cháy. Dập tắt được lửa, tay chân anh Phải và anh Thạnh cháy sém. Còn lá cờ chỉ bị thủng vài lỗ nhỏ và ngay sau đó được Phải cắm lên nóc cabin!

 

Những ngư phủ trẻ trên tàu QNg 96382 dũng cảm cứu tàu, cứu cờ Tổ quốc. Ảnh: Thanh Trung.
Những ngư phủ trẻ trên tàu QNg 96382 dũng cảm cứu tàu, cứu cờ Tổ quốc. Ảnh: Thanh Trung.

 

Những ngư dân nghèo quả cảm

 

Thuyền trưởng Phải là anh cả trong gia đình có 3 anh em ở xã An Hải (Lý Sơn). Cha là ông Nguyễn Nồi, một ngư phủ nổi tiếng, không may bị bệnh mất sớm. Phải bỏ học để gánh vác cả gia đình, nuôi các em ăn học. 13 tuổi, Phải theo bác họ là Bùi Giống lên tàu ra khơi làm chân nấu cơm, rồi nhanh chóng trở thành kình ngư thứ thiệt.

 

Sau gần 10 năm làm thuê, anh Phải quyết tâm tích cóp sắm riêng chiếc tàu. Ông Trần Như Hồng trong xóm thấy cậu Phải hiền lành siêng năng nên hùn vốn và mai mối cho đứa cháu gái. Sau đó, đặt niềm tin vào chàng thanh niên giỏi giang này, 7 người bà con phía vợ cho anh mượn 250 triệu đồng.

 

Các chủ nậu trong đất liền cũng cho anh mượn 500 triệu đồng nữa. Cộng với khoản tiền bán đồ đạc trong nhà, cuối cùng anh Phải đủ tiền mua con tàu cũ để nâng cấp, là tàu QNg 96382 công suất 105 CV hiện giờ.

 

Trung Quốc coi việc bắn tàu cá Việt Nam là “chính đáng”

 

Bất chấp hành vi ngang ngược và vi phạm luật pháp quốc tế của mình, ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn tuyên bố việc bắn tàu cá Việt Nam là “chính đáng và cần thiết”.

Tàu hạ thủy đi biển Hoàng Sa từ năm 2012. Anh Phải gọi 8 anh em bạn bè trong xã cùng nhau ra khơi lặn hải sâm, bắt ốc. Sáu chuyến ra khơi trong năm 2012, anh thu hồi vốn chưa được bao nhiêu. Sau chuyến bị bắn cháy cabin tàu vừa rồi chi phí cho chuyến ra khơi gần 300 triệu đồng coi như mất trắng.

 

Ngày 25/3, tàu QNg 96382 sau khi bán 76 con hải sâm thu được 36 triệu đồng đã mua sắm thiết bị quay lại đảo Lý Sơn. Riêng anh Phải ở lại đất liền để đưa vợ ra Đà Nẵng khám bệnh. Sáng 26/3, anh Phải lại tất tưởi quay lại Quảng Ngãi khi hay tin Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi trao tặng 30 triệu đồng. Anh Phải là trụ cột chính trong gia đình. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Nở đau gần tuần nay nhưng do chồng đi biển, nên giờ mới đi khám và nằm lại điều trị tại Đà Nẵng.

 

Chín thuyền viên trên tàu QNg 96382 đa phần độ tuổi 19, 20 và có hoàn cảnh khó khăn. Phạm Quang Thạnh, người nhiều lúc nhận nhiệm vụ thuyền trưởng cùng anh Phải trong những chuyến ra khơi cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Anh Thạnh có vợ và 3 con, nhưng vợ là chị Võ Thị Lợi lại mắc chứng bệnh động kinh đã mấy năm nay.

 

“Anh em chúng tôi bàn tính nhau rồi, sẽ góp sức góp của mỗi người một ít với hy vọng sớm sửa chữa tàu thuyền, khi có đủ kinh phí lại ra khơi. Quyết không bỏ Hoàng Sa, Trường Sa” – anh Thạnh quả quyết.

 

Ý chí ấy không có gì là khó hiểu, khi Phạm Quang Thạnh chính là hậu duệ thuộc phái Phạm Quang ở Lý Sơn, có ông tổ là Phạm Quang Ảnh – cai đội được triều Nguyễn cử ra cắm mốc tại Hoàng Sa từ năm 1815. Sau đó, ông đã hy sinh trên biển cùng đội dân binh của mình.

 

Theo Nguyễn Thành - Thanh Trung
 
Tiền phong