1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyên gia quốc tế hiến kế chống ngập cho TPHCM

(Dân trí) - Ngày 29/9, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM đã lắng nghe nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, châu Âu,… trình bày các giải pháp công nghệ chống ngập, mô hình sống chung với nước,… cho thành phố.

 

Đánh giá về tình trạng ngập lụt tại TPHCM, nhóm chuyên gia quốc tế cho rằng tình trạng ngập đã tới mức “báo động đỏ”, nhất là trận lụt giữa tháng 9 năm nay. Thành phố hiện còn 31 điểm ngập cần giải quyết và với tốc độ xây dựng như hiện nay sẽ còn nhiều điểm ngập phát sinh.

Với thực trạng hiện nay, TPHCM cần phải tính tới tình huống xấu nhất khoảng 12% dân cư thành phố chịu thiệt hại thiên tai, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được. Thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn. Trong khi đó, các giải pháp chống ngập của thành phố hiện nay đã và đang triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) chìm trong biển nước sau cơn mưa chiều 15/9 vừa qua
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) chìm trong biển nước sau cơn mưa chiều 15/9 vừa qua

Để chống ngập, nhóm chuyên gia đề xuất 6 giải pháp tổng thể và các biện pháp cụ thể đối với hệ thống sông, vùng trũng và hệ thống thoát nước thành phố. Đồng thời, khuyến nghị cần mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước bẩn trong toàn thành phố; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời.

Theo nhóm chuyên gia, thành phố nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho công tác chống lụt với thời gian nhanh hơn và độ bền tốt hơn. Các nhóm giải pháp bao gồm: giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Đồng thời, đưa giải pháp như trị thủy kết hợp công nghệ phòng chống lũ lụt, mô hình sống chung với nước, hay phương pháp chống lụt thông minh.

Theo chuyên gia đến từ Đức, trước đây, con người cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến lũ lụt bằng hệ thống điều hòa và các hệ thống dẫn nước. Kết quả thực tế là chỉ giải quyết được một phần, lũ lụt vẫn phá hoại môi trường. Để chống lũ lụt hiệu quả, phải chấp nhận các quy luật tự nhiên. Nếu loại trừ quy tắc này, con người sẽ thất bại.

Con người phải sống chung với lũ và thực hiện các giải pháp thông minh; tạo ra không gian cho nước. Các quốc gia châu Âu đã chi 5 tỷ USD để tạo ra không gian mới cho nước để nước trở về với tự nhiên và không làm trái các quy luật tự nhiên.

Cùng với đó, người dân được trang bị hệ thống thông tin để sống cơ động khi nước lên và chủ động trở lại cuộc sống bình thường khi nước xuống. Trong khi đó, chuyên gia đến từ Nhật Bản lại tập trung vào giải pháp trữ nước đô thị, chia cống rãnh, bể điều tiết, cống ngầm trong thành phố.

Đi cùng với yếu tố công nghệ, các chuyên gia cho rằng yếu tố con người thực hiện các đề án chống ngập tại TPHCM là nhân tố quyết định, do vậy cần có những chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này…

Ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết ngập nước đang là thách thức mà thành phố phải đối mặt, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân.

Đánh giá cao các giải pháp mà nhóm chuyên gia nước ngoài tham vấn, gợi mở, ông Lê Thanh Hải đề nghị UBND thành phố cầu thị lắng nghe để rà soát lại đề án chống ngập; xử lý cục bộ và cấp bách các điểm ngập trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp, vốn đầu tư, vấn đề xây dựng công trình chống ngập sao cho hiệu quả và tiết kiệm.

Quốc Anh

Chuyên gia quốc tế hiến kế chống ngập cho TPHCM - 2