1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện đời người mù hành khất trở thành nhà văn

(Dân trí) - Chiến tranh đã cướp đi của ông đôi mắt nhưng những đau khổ, vùi dập của cơm áo gạo tiền đã biến ông từ một gã mù hành khất trở thành một nhà văn. Con đường đến với nghiệp văn chương của ông cũng lắm gian nan như chính cuộc đời của ông vậy.

Nhà văn Nguyễn Trung Thành
Nhà văn Nguyễn Trung Thành

Bước ngoặt khổ đau của chàng trai mê văn chương

Hơn 50 tuổi nhưng nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành (SN 1959, trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) có trong tay “tài sản” kha khá, gồm cả thơ, truyện ngắn... như “Tiếng lòng”, “Khúc ru lòng” (thơ); “Hương đại” (tiểu luận); “Thủ lĩnh cóc tía” (truyện thiếu nhi); “Phục thiện”, “Nẻo khuất” (truyện ngắn)… và nhiều giải thưởng các cuộc thi sáng tác khác. Với ông, đó những thăng trầm trong cuộc đời bôn ba chìm nổi, đầy cay đắng của một người tưởng chừng đã mất hết niềm hy vọng khi mang trên mình thân phận của một người mù.

Trong căn nhà nhỏ nép mình bên vườn cây ăn quả khá rộng chất đầy những cuốn sách quý, có cả những cuốn truyện đã mục hết gáy nhưng vẫn được vợ chồng ông cất giữ cẩn thận, ông bảo đó là “quà” vợ dành cho ông. Bà vốn làm nghề thu mua đồng nát, biết chồng đam mê văn chương, bà nhặt nhạnh lại hoặc tìm mua ở các cửa hàng sách cũ về. Những lúc rảnh rỗi, chính bà lại ngồi đọc cho ông nghe. Ông hướng đôi mắt chỉ còn hố sâu hun hút của mình, nghiêng tai lắng nghe đầy trân trọng.

Ông vốn mê văn chương từ nhỏ, cuốn sách nào vào tay ông đều được đọc ngấu nghiến. Nhưng đến năm 8 tuổi, trận bom Mỹ đã cướp đi của ông đôi mắt. “Hôm đó tôi đang nằm đọc chương 8 cuốn tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Solokhov thì bom Mỹ dội xuống. Sức ép của bom khiến máu trào ra từ đôi mắt, nóng hổi, nhức buốt đến tận đỉnh đầu. Sau một thời gian dài chạy chữa, năm 19 tuổi, tôi bị mù hoàn toàn”, nhà văn Nguyễn Trung Thành nhớ lại.

Chán chường, bi quan, không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, có lần ông đã định tìm tới cái chết nhưng khi chai thuốc sâu vừa đưa lên miệng thì người bạn thân phát hiện và lao tới giành ra được. Người bạn ấy đã chửi té tát vào mặt ông nhưng chính những lời nói đó đã thức tỉnh nghị lực sống trong ông. Từ đó, ông học cách chấp nhận số phận, làm quen với cuộc sống không ánh sáng.

Chàng trai gần 20 tuổi ấy tập làm tất cả mọi việc trong bóng tối. Dần dần người thanh niên mù đã có thể đi mò cua, bắt ốc về cho mẹ đi bán. Rồi cậu quyết tâm học nghề đan lát. Đôi bàn tay không biết bao nhiêu lần tướp máu vì bị nan tre cứa, dao cắt. Rồi Thành đã có thể quảy gánh rổ rá trên vai, vịn vai mẹ đi ra chợ bán.

Nên duyên từ gánh khoai ế

20 tuổi, đã biết khát khao tình yêu đôi lứa nhưng nhận thức được thiệt thòi của mình, Thành không dám mơ ước về người con gái của riêng mình. Nhưng tình yêu đã đến bất ngờ từ một gánh khoai lang ế. Ngày đó, sau khi bán hết rổ rá, Thành cùng mẹ trở về nhà; trên đường về thì gặp một người phụ nữ đang ngồi nghỉ dọc đường cùng gánh khoai lang ế. Trưa nắng, lại đói mệt nhưng Thành quả quyết giúp bà cụ gánh khoai lang về tận nhà. Bà cụ cứ nằng nặc mời mẹ con Thành ở lại dùng cơm để cảm ơn. Đó là lần đầu tiên chàng trai Thành khi đó gặp cô gái Nguyễn Thị Chính, con gái bà cụ, là vợ nhà văn bây giờ.

Cảm phục trước nghị lực và sự nghĩa hiệp của chàng trai, Chính dành cho Thành tình cảm đặc biệt. Vượt qua những xì xào, dị nghị của làng xóm, hai người quyết tâm đến với nhau. Nội ngoại đều nghèo, của ra riêng của hai vợ chồng trẻ chỉ là căn nhà mái tranh vách đất rộng hơn 10m2. Khó khăn chồng chất nhưng hai vợ chồng trẻ chỉ với 1 cặp mắt sáng đã lần hồi vượt qua. Ngoài việc đan rổ, rá để bán, Thành tiếp tục nghề mò cua bắt ốc. Còn chị Chinh kiếm thêm đồng ra đồng vào bằng gánh phế liệu.

Ông luôn dành tình cảm đặc biệt và sự trân trọng cho những hy sinh của người vợ
Ông luôn dành tình cảm đặc biệt và sự trân trọng cho những hy sinh của người vợ

4 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng mưu sinh lại đè nặng lên vai người mù Nguyễn Trung Thành, nhất là khi bà Chinh ngã bệnh do một thời gian dài lao lực, kham khổ. Mất đi một chỗ dựa tài chính, cô con gái đầu đang học tiểu học phải nghỉ để ở nhà giúp mẹ. Túng quẫn, gánh rổ rá và con cua, con ốc không thể lo đủ cho cả nhà ngày 2 bữa cơm độn khoai, sắn, ông dắt cô con gái gần 10 tuổi đi hành khất.

Người đàn ông đầu đội nón mê, vai vác loa, một tay cầm micrô, tay kia đặt trên vai gầy của cô con gái bé bỏng lê la khắp dải đất miền Trung để nhận sự ban ơn của người đời. Không thể nói hết khổ cực, vất vả của hai cha con trên bước đường mưu sinh nhưng điều khiến ông day dứt nhất là phải để cho con phải chịu cảnh thất học. Ông xin đời ban ơn và những đồng bạc lẻ hai cha con kiếm được đều từ mồ hôi và bằng cả nước mắt…

Với kho tàng văn thơ có được, ông vừa dò dẫm bước đi, vừa “xuất bản miệng” những bài thơ, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Những trang văn, những số phận qua giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của ông lại có sức hút kỳ lạ. Bởi vậy, hai cha con ít khi phải chịu cảnh đứt bữa.

Bỏ “nghề” hành khất, về với văn chương

Đó là một ngày mưa năm 1994, khi hai cha con tá túc dưới hiên một người phụ nữ ở Quảng Bình. Vị chủ nhà tốt bụng biết người hành khất mê văn và hiểu văn đã đọc cho ông nghe truyện ngắn “Em là Xiêm Huệ” của nhà văn Bá Dũng. Nhân vật trong truyện là cô gái có số phận bi đát nhưng với ý chí và nghị lực cũng sự sự giúp đỡ của người đời, cô đã vượt qua số phận để thành công. Và chính câu chuyện đã làm thay đổi cuộc đời ông, khiến ông quyết định bỏ “nghề” hành khất, quay về với văn chương.

“Cuộc đời mình không thể là người ăn mày mãi được. Mình có khối óc, mình có quyết tâm, còn tương lai của các con nữa. Chúng không thể thất học được”, ông quả quyết nói với chính mình.

Ông luôn dành tình cảm đặc biệt và sự trân trọng cho những hy sinh của người vợ
Tủ sách với hơn 2.000 cuốn là thứ tài sản quý báu mà người vợ tần tảo gom góp cho chồng trong suốt mấy chục năm qua

Trở về quê, may mắn thay, bà Chinh cũng dần hồi phục sức khỏe và tiếp tục nghề nhặt phế liệu của mình. Gánh nặng mưu sinh trên vai ông được san sẻ phần nào. Ông quyết tâm đi học chữ braille, dù rất khó khăn nhưng cuối cùng ông cũng chinh phục được thứ ngôn ngữ “đọc” bằng tay ấy. Từ một người đi học muộn, ông trở thành giáo viên dạy chữ nổi cho Hội người mù tỉnh Nghệ An. Công tác ở Hội, ông có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc với những tác phẩm văn học, những tạp chí văn nghệ. Ông bắt đầu tập làm thơ, viết truyện ngắn và viết báo.

Không phải tác phẩm nào của ông cũng được công chúng đón nhận hay đủ điều kiện để xuất bản nhưng ông không nản chí. Vừa học, vừa nghiền ngẫm, lựa chọn thể loại, cách hành văn phù hợp hơn. Có những khi mạch nguồn cảm xúc tuôn trào, ông không ghi kịp ra giấy nên đọc để vợ con chép lại. Rồi ông mua được cái máy ghi âm. Những ý văn, những câu chữ được ông đọc vào đấy, khi rảnh rỗi mở ra chép lại, chỉnh sửa rồi cho vào bì thư, gửi cho các nhà xuất bản, các tòa soạn báo.

Những đứa con tinh thần của ông lần lượt được bạn đọc đón nhận bởi chứa đựng trong đó là thông điệp về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, về tình nghĩa vợ chồng… Cầm đồng nhuận bút trên tay, ông rơi nước mắt vì sung sướng. Rồi ông lấn sân sang cả lĩnh vực phát thanh. Những kịch bản, những câu chuyện của ông được phát trong chuyên mục “Câu chuyện truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam được thính giả đón đợi và có nhiều phản hồi tích cực.

Năm 1996, nhà văn Nguyễn Trung Thành giành giải B truyện ngắn Báo Nghệ An; Giải C tạp chí Đời mới - Hội người mù Việt Nam; Năm 2005, giải khuyến khích văn học của Đài TNVN; Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần ba; Giải 3 luận văn của Liên hiệp Hội người mù Onkyo Đông Á Thái Bình Dương; Năm 2006, giải khuyến khích “Chuyện đời tự kể” báo Tuổi trẻ; Năm 2010, giải đặc biệt truyện ngắn “Vượt lên số phận” do tạp chí Thanh niên tổ chức, Giải C toàn quốc các hội Văn học nghệt thuật với tiểu thuyết “Nẻo khuất” và Giải đặc biệt cuộc thi “Nguồn sáng đời tôi” do Trung ương Hội người mù tổ chức.

Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn, nhưng khán giả thân thiết, các sáng tác của ông được tuyển chọn và in thành sách. Nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất là những trang viết của mình đã góp phần nuôi dạy các con nên người. Cô con gái đầu từng theo ông lang thang khắp nơi nay đã trở thành cô giáo mầm non, 3 người con còn lại cũng được ăn học tới nơi tới chốn và có việc làm ổn định.

Tuổi không còn trẻ, sức khỏe không còn như xưa nên bà Chính nghỉ nghề đồng nát, ở nhà phụ chồng chăm sóc vườn cây, đọc sách hay làm “thư ký” riêng cho chồng. Nói về người vợ một đời tần tảo, chắt chiu, hy sinh vì chồng con, ông luôn dành cho vợ những lời tốt đẹp. Nghe chồng nói về mình, bà chỉ cười - nụ cười viên mãn, hạnh phúc.

Hoàng Lam - Lê Quân