1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện cổ tích về người phụ nữ đi... bằng tay

Số phận đã cướp đi đôi chân lành lặn của đứa trẻ chưa đầy một tuổi Nguyễn Thị Hương, song số phận cũng phải chịu thua ý chí và nghị lực của người phụ nữ kiên cường ấy.

Giờ đây, chị là bà chủ một cơ sở khảm trai mỹ nghệ nổi tiếng ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội), tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động. Người phụ nữ ấy còn dạy nghề cho những người khuyết tật từ khắp nơi tìm về; nhiều người trong số họ thạo nghề, trưởng thành rồi về quê mở cơ sở sản xuất riêng.

 

Cô gái “lết” đi học nghề

 

Năm 1971, cô bé Hương bụ bẫm, xinh xắn ấy chào đời trong gia đình nghèo lại đông con ở thôn Vạn Điểm. Được vài tháng tuổi thì Hương bị những trận sốt triền miên. Bố mẹ nghèo “giật gấu vá vai”, tất tả vay mượn ngược xuôi để thuốc thang cho con; nhưng rồi bao nhiêu thuốc men cũng không thể ngăn được đôi chân của Hương teo nhỏ mỗi ngày, bố mẹ cô chỉ biết lặng lẽ khóc khi con gái mình vĩnh viễn không thể đứng, không thể lần bậu cửa lẫm chẫm học đi.

 

Tuổi thơ của cô bé Hương không có chăn trâu cắt cỏ, không có cánh diều, không có những trò đồng dao con trẻ, chỉ có những bức tường, vỏn vẹn từ trong nhà ra đầu ngõ.

 

Đến khi Hương thành thiếu nữ, nghề khảm gỗ ở làng bắt đầu phát triển mạnh, thanh niên trong làng kéo nhau đi học nghề. Hương thèm lắm, thấy nghề mộc làng mình phát triển nhưng trang trí hoa văn và khảm trai thì chưa nhiều người biết làm, chị xin gia đình cho đi học. Mọi người ngăn cản, bởi việc đi lại của Hương đã khó khăn lắm rồi, Hương vốn chỉ có thể đi… ngồi sự cố gắng của đôi tay, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người giúp đỡ, thì nói đến việc học nghề làm gì cho thêm tủi.

 

Nhưng rồi gia đình cũng phải đồng ý trước quyết tâm của chị, 22 tuổi chị bắt đầu đi học nghề trang trí hoa văn và khảm trai trên đồ gỗ mỹ nghệ. “Gọi là đi học nghề chứ thực ra hồi đó, tôi đến xưởng của người làng lân la học thôi chứ có được kèm cặp gì nhiều đâu. Thấy mình thế này, người ta sợ dạy rồi lại phí công”.

 

Chuyện cổ tích về người phụ nữ đi... bằng tay  - 1
Chị Hương đang chăm chú từng nét đục

 

Hồi ấy, thấy Hương lết đến xưởng mò mẫm học, nhiều người trong làng nhìn cô đầy ái ngại, cũng không ít những lời đàm tiếu. Việc học đối với Hương cũng không hề dễ dàng, công việc này hay phải di chuyển, chạy đi lấy cái này, cái kia, điều ấy đã khó khăn lắm rồi; rồi đôi tay phải làm cả công việc của hai chân, vốn đã mệt mỏi nay lại phải cầm đục, cầm búa nữa; những ngày đầu, hai tay sưng đỏ tấy lên, cái đục, cái búa trong tay mà không có cảm giác, lắm lúc chúng cứ tự do rời khỏi tay Hương đánh “coong” xuống đất.

 

Không nản lòng, ngày ngày cô vẫn bặm môi gắng sức để vừa ngả được tấm gỗ vừa giữ thăng bằng sao cho không… đổ, vẫn cần mẫn ngồi bên cạnh những người thợ trong xưởng để học, với quyết tâm sẽ tự lo được cho mình, và để cho thiên hạ thấy rằng mình “tàn nhưng không phế”.

 

 

Ngày lại ngày, bất kể gió mưa, rét mướt, cuối cùng Hương cũng học được nghề. Đến khi xin vào làm cho một cơ sở, để không thua kém bất kì người thợ nào, Hương nhận làm thêm cả buổi tối. Những đêm dài cả làng đã chìm sâu trong giấc ngủ, riêng mình Hương vẫn cặm cụi lạch cạch đục đẽo. Lúc cầm tháng lương đầu tiên trên tay, Hương đã bật khóc.

 

Tất cả nhờ đôi tay

 

Tìm đến cơ sở sản xuất của chị Hương hỏi thăm đến lần thứ ba thì chỉ thấy một cô gái ú ớ chỉ trỏ, tôi đoán mình đã đến đúng nhà chị. Ngôi nhà hai tầng nằm giữa xóm 2 của làng Vạn Điểm đất chật người đông, tầng một rộng khoảng 30m2 ngổn ngang gỗ các loại, đủ mọi kích cỡ, người đang đục, người đang khảm trai lên gỗ, người cầm chiếc cưa hình bán nguyệt bé xíu để cưa những mảnh trai thành các loại hoa văn. Chị Hương đeo kính cũng đang cặm cụi đục.

 

Năm 2005, chị Hương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về tinh thần vượt qua số phận, tạo việc làm cho nhiều lao động. Năm 2007, chị tiếp tục được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen.

Thật khó để tin rằng cơ ngơi của chị bắt đầu từ số vốn chỉ mấy trăm nghìn đồng. Khi quyết định tách ra lập cơ sở riêng, chị vừa là chủ vừa là thợ. “Năm 1994, mấy trăm nghìn là to lắm, tôi vừa dốc hết số tiền ki cóp được, vừa vay mượn anh em mới có được số vốn ấy đấy”.

 

Bỏ qua mọi lời xì xào của xóm giềng, chị miệt mài làm việc, làm đến quên ăn quên ngủ. Khách hàng của chị lúc đầu cũng chỉ là xóm giềng, họ mạc; sau thấy sản phẩm của chị cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo, khách hàng nơi khác bắt đầu tìm đến đặt hàng. Công mài sắt của chị bắt đầu cho thành quả, số tiền vốn ngày một tăng, tay nghề của chị cũng thuộc hàng nhất nhì của làng nghề.

 

Bao bọc những phận thiệt thòi khác

 

“Hữu xạ tự nhiên hương”, một số con em khuyết tật trong xã được bố mẹ đưa đến xin chị…dạy nghề. Người cùng cảnh bao giờ cũng thương và thông cảm nhau hơn, em nào đến chị cũng kiên trì kèm cặp “một thầy một trò” suốt ba tháng ròng; chị cũng chỉ nhận gạo, nhận tiền ăn trong ba tháng ấy. Khi các em đã nắm được cơ bản, đã bắt đầu làm được nghề, mọi khoản chu cấp của gia đình các em đều không cần nữa; nhiều em còn dành dụm được lương tháng để cuối năm gửi về cho bố mẹ.

 

Thời điểm này, xưởng của chị tạo công ăn việc làm cho 30 lao động; ăn ở, làm việc tại xưởng cũng đã 10 người. Chị bảo: “Từ ngày mở xưởng đến giờ, tôi cũng dạy nghề được cho gần 70 người, sống cùng một mái nhà ít cũng 365 ngày nên ai cũng như là ruột thịt, còn những em, những cháu khuyết tật đến với mình, lại càng thương hơn”. 

 

Em Vũ Thị Thùy, quê ở Khoái Châu – Hưng Yên, gần chục năm trước được bố mẹ vượt sông đưa cô con gái không may bị câm bẩm sinh sang tìm nhà chị Hương để học nghề. Thùy kể: “Một tháng hai lần, bố Thùy lại từ Khoái Châu – Hưng Yên sang đón con gái về nhà chơi hai ngày. Mỗi ngày công của Thùy là 150 nghìn đồng, cứ gửi cả chỗ chị Hương, cuối năm hoặc khi nào cần, bố mẹ em sẽ sang lấy.

 

Chia tay, Hương cười hồn hậu: “Vui nhất là có mấy đôi vợ chồng được se duyên đấy, chúng nó cùng lên học nghề, rồi yêu thương nhau”.

 

Theo Uông Bích Thủy

TTVH