1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Chuyện buồn của một kỷ lục Việt Nam

Chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam do nghệ nhân Vũ Văn Sinh cùng các nghệ nhân khác ở làng Đàn Viên, xã Cao Viên (Thanh Oai - Hà Tây) khởi dựng ngày 18/9/2006. Nhiều tháng trôi qua, chiếc đèn đang bị bỏ phế ở một góc nhà.

Tết Trung thu (2006), đèn được trưng bày tại Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, được truyền hình trực tiếp, được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

 

Đèn có độ cao 6,5m, rộng 2,56m, giữa có trục thẳng đứng để giữ vững thăng bằng cho đèn khi vận hành. Đèn chia thành hai vòng, vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong được lắp ghép với trục quay chính, vòng ngoài được chia thành sáu múi hình lục lăng để trang trí các đề tài truyền thống, lịch sử dân gian...

 

Đèn gồm ba phần chính. Phần trên thân đèn là hình trống đồng Ngọc Lũ tượng trưng 4.000 năm dựng nước và giữ nước với các hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng cưỡi voi. Phần dưới thân đèn thể hiện các đề tài dân gian, cây đa, chú Cuội, chị Hằng, chăn trâu thả diều, đám cưới chuột, hứng dừa. Phần giữa (thân đèn) thể hiện thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược. Hình ảnh công nông liên minh chắc tay súng, vững tay cày...

 

Để bao bọc hết phần ngoài của đèn phải cần đến 70m vải xa tanh, trọng lượng của đèn nặng 3.000kg. Khi sử dụng, đèn quay 360O, vận tốc quay khoảng 15-20 vòng/ phút.

 

Sau khi trưng bày tại Nhà văn hóa tỉnh Hà Tây, tại Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội và được truyền hình trên cầu truyền hình Hà Nội - Huế - TPHCM, nghệ nhân Vũ Văn Sinh cũng như các nghệ nhân Nguyễn Văn Thảo (80 tuổi), Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) mong muốn một đơn vị đứng ra nhận bảo quản và trưng bày chiếc đèn này.

 

Thế nhưng sau Tết Trung thu năm 2006 không ai nhận hoặc nhắc đến chiếc đèn kéo quân kỷ lục này nữa. Nghệ nhân Vũ Văn Sinh cùng với một số người trong làng đành phải bỏ tiền túi thuê xe chở đèn về nhà.

 

Nhiều tháng trôi qua, kể từ ngày vinh quang đến nay, chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam được truyền hình, được ghi vào sách kỷ lục nay đang nằm trong góc vườn nhà nghệ nhân Vũ Văn Sinh. Nghệ nhân Vũ Văn Sinh buồn buồn nói thêm: “Biết đâu đến Tết Trung thu năm nay lại có người hỏi đến”. 

 

Theo Nguyễn Văn Ninh
Tuổi Trẻ