1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chưa có hướng thay thế để từ bỏ điện hạt nhân”

(Dân trí) - “Nếu nghiên cứu cho thấy các nguồn năng lượng sơ cấp có thể đảm bảo, đẩy lùi được nhu cầu phát triển điện hạt nhân, chúng ta rất vui mừng triển khai. Nhưng theo chiến lược phát triển điện quốc gia đến 2050 vẫn chưa thể có được nguồn chủ động nào”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn khi xây dựng dự án làm điện hạt nhân.

Kỳ họp lần này, nhiều ý kiến đề xuất nên đưa ra bàn lại vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận mà Quốc hội khóa trước đã thông qua vì lo ngại về độ an toàn của loại hình năng lượng này sau bài học tại Nhật Bản vừa qua. Phương án từ bỏ điện hạt nhân cũng được nhiều nước phát triển đề cập. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

Chủ trương đầu tư điện hạt nhân của ta hiện mới đang làm ở mức độ nghiên cứu khả thi nên rất có điều kiện để đưa thêm vào những yếu tố về an toàn. Theo đó, mức độ an toàn phải tính toán theo đúng chuẩn quốc tế.

Khi sự cố Fukushima xảy ra tại Nhật, cả thế giới cũng bàn rất nhiều đến giải pháp an toàn cho điện hạt nhân. Riêng giải pháp làm mát các thanh nhiên liệu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra đến 3 - 4 giải pháp dự phòng bên cạnh giải pháp dùng nước biển như vừa rồi. Vậy nên những giải pháp cho an toàn điện hạt nhân không phải là vấn đề của một quốc gia nữa mà là vấn đề của cả nhân loại.
 
“Chưa có hướng thay thế để từ bỏ điện hạt nhân” - 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Cần lập dự án mới biết hiệu quả điện hạt nhân" (ảnh: Việt Hưng).

Tất cả các tổ chức công nghệ về hạt nhân trên thế giới đều đang phải nghiên cứu để có những giải pháp an toàn cho các nhà máy vì hiện có đến 400 - 500 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới, không thể trong một lúc đóng cửa hết được. Phải có giải pháp đảm bảo an toàn hơn.

Nhưng để đảm bảo khả năng an toàn hơn thì chi phí đầu tư xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có thể đội lên rất nhiều. Hiệu quả của điện hạt nhân khi đó có cần xem xét lại?

Phân tích rất đúng. Tuy nhiên để biết điện hạt nhân như vậy đắt hơn hay khả thi hơn không hay ngân hàng nào chấp nhận cho vay đầu tư như thế thì phải lập dự án mới biết được. Chưa lập dự án thì chưa biết gì cả.

Chúng ta có thể tính tới giải pháp thay thế điện hạt nhân ngay từ giờ, thưa Phó Thủ tướng?

Đặt vấn đề giải pháp thay thế thì cách tốt nhất là phải làm rõ giải pháp thay thế là gì. Vừa qua, Thủ tướng có ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Đồng thời Chính phủ hiện cũng đang giao cho các Bộ ngành nghiên cứu cơ chế về điện nhiệt, điện mặt trời, năng lượng sóng biển… Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách để xem xét các giải pháp có thể đảm bảo đáp ứng điện cho quốc gia.

Nếu xem xét các giải pháp đó đáp ứng đủ nhu cầu điện thì có thể tính đến việc bỏ hẳn điện hạt nhân?

Cho đến bây giờ, các tính toán của chúng ta đều cho thấy chưa có khả năng đó. Có thể một số quốc gia khác họ đáp ứng được nhưng tại Việt nam, theo chiến lược phát triển điện quốc gia, cũng như theo các kế hoạch phát triển dài hạn đến năm 2030 và thậm chí đến 2050 vẫn chưa thể có được nguồn năng lượng sơ cấp mà chúng ta chủ động được.

Chúng tôi đã bàn đến các giải pháp như nhập khẩu điện, tăng cường thủy điện, nhập khẩu than nhưng đều rất khó khăn. Nếu phát triển được các tiềm năng về năng lượng sơ cấp sẵn có sẽ giảm được một phần nhu cầu phát triển điện hạt nhân.
“Chưa có hướng thay thế để từ bỏ điện hạt nhân” - 2
Điện gió đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại Quy Nhơn.

Sau sự cố, dù đang thiếu điện nhưng Nhật Bản vẫn có ý định từ bỏ điện hạt nhân. Sao chúng ta không đặt vấn đề phát triển một hình khác thay thế?

Cho đến bây giờ, kế hoạch phát triển điện hạt nhân, như tôi nói, vẫn cần phải làm báo cáo nghiên cứu khả thi đã. Trên cơ sở đó, nếu thấy dự án đảm bảo an toàn, yên tâm được thì chúng ta mới làm.

Còn lại chúng ta vẫn tiếp tục phát triển những nguồn năng lượng sơ cấp có khả năng thay thế. Nếu nghiên cứu cho thấy những nguồn ấy có thể đảm bảo, đẩy lùi được nhu cầu về phát triển điện hạt nhân, chúng ta rất vui mừng triển khai.

Nhưng có thể thấy việc phát triển điện ở Việt Nam hiện còn rất thấp. Để đáp ứng nhu cầu, việc áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng là một hướng phải thúc đẩy toàn dân đi vào. Như vậy chúng ta cũng giảm được nhu cầu về năng lượng.

Hiện chúng ta cần 20% nhu cầu năng lượng để sản xuất ra 1 đơn vị GDP. Như vậy nghĩa là tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn trong khi trình độ công nghệ đang áp dụng cũng còn rất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.

Mọi người đều suy nghĩ đến việc làm sao hạn chế nhất khả năng phải dùng điện hạt nhân để đảm bảo an toàn thì hành động thiết thực nhất là tiết kiệm điện. Làm được vậy, nhu cầu phát triển điện của đất nước không bị đẩy lên quá cao. Vừa qua khi công bố Tổng sơ đồ 7, Thủ tướng đã duyệt yêu cầu giảm hệ số đàn hồi giữa nhu cầu điện với tăng trưởng kinh tế từ hệ số 2 hiện giờ xuống còn 1,5 rồi 1 - 0,8 để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm nhu cầu phát triển quá nhiều điện.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

P.Thảo (ghi)