1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chưa có căn cứ “xét” vụ lót tay để thầu in tiền

(Dân trí) - Chính phủ đã chủ động liên hệ với Úc sau thông tin cán bộ nước này chi hàng triệu USD “lót tay” quan chức Việt Nam để trúng thầu dự án in tiền polymer. Tuy nhiên tới giờ vẫn chưa có tài liệu, chứng cứ nào hé mở từ Úc.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi những thông tin mới nhất về vụ việc trong buổi họp báo tổng kết công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2009, diễn ra chiều 9/7.
 
Gần đây một số báo chí quốc tế và Việt Nam có đưa tin một doanh nghiệp của Úc đã chung chi tiền hối lộ cho một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trúng thầu dự án in tiền polymer và cung cấp một số thiết bị. Sau thông tin này phía Việt Nam có tiến hành điều tra để làm rõ không thưa ông?
 
Thông tin từ Úc là có việc hối lộ cho nhiều tổ chức ở nhiều nước trong đó có một số quan chức ở Việt Nam. 
 
Việc này, về phía Việt Nam, khi thanh tra NHNN, chúng tôi nhận thấy việc in tiền cũng có một số thiếu sót, một số khuyết điểm nhưng nói là câu kết với bên ngoài để đưa nhận hối lộ, có hành vi tiêu cực nghiêm trọng… thì không có dấu hiệu gì cụ thể. Vậy nên khi kết luận, thanh tra không quy kết trách nhiệm trong việc này.
 
Đánh giá chung, các thông tin từ bên ngoài đưa ra vẫn chỉ là một phía, qua việc người của họ khai báo là có hối lộ, đưa tiền cho quan chức Việt Nam. Mới đây, một công ty Mỹ trả lời trước điều tra của Bộ Tư pháp nước này cũng nói đã hối lộ cho 10 đơn vị của Việt Nam số tiền hơn 100.000 USD.
 
Tuy nhiên nếu họ không có bằng chứng là bút tích hay ghi âm, ghi hình hoặc người làm chứng… mà chỉ nói hối lộ cho quan chức Việt Nam một cách rất ngẫu nhiên và tuỳ hứng như vậy thì không có căn cứ gì để xét.
 
Chưa có căn cứ “xét” vụ lót tay để thầu in tiền - 1
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
 
Có nên “giật mình” trước với “khói lửa” không khi vụ việc tương tự xảy ra tại Dự án đại lộ Đông - Tây, nước bạn xử xong cán bộ của mình chúng ta mới có phản ứng khiến dư luận đặt vấn đề nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam?
 
Về thái độ của phía Việt Nam, sau khi có thông tin này, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao liên hệ với các cơ quan chức năng của Úc đề nghị cung cấp thông tin.
 
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao CQĐT liên hệ qua một số tổ chức bên phía bạn để có thể thu nhập ngay một số thông tin cần thiết cho việc xem xét ban đầu.
 
Vậy đến giờ chúng ta đã có được đầu mối gì từ phía nước bạn chưa, thưa Tổng thanh tra?
 
Đến giờ, ngay ở bên Úc, họ đưa vấn đề có hối lộ nhưng cũng mới chỉ là thông tin bên ngoài. Hiện vẫn chưa có bất cứ tài liệu, nội dung nào chuyển cho chúng ta cũng như chúng ta cũng chưa có bất kỳ chứng cứ nào, chưa thể có kết luận gì.
 
Nhưng ngay vụ PCI, dù phía Nhật Bản đã cung cấp rất nhiều tài liệu, chứng cứ về hành vi đưa hối lộ, có địa chỉ rõ ràng thì phía Việt Nam cũng mới chỉ kết luận hành vi cố ý làm trái, có khởi tố vụ án đưa nhận hối lộ nhưng đến giờ vẫn chưa khởi tố bị can. Có vướng mắc pháp lý trong việc công nhận những tài liệu từ phía nước ngoài làm chứng cứ buộc tội?
 
Vụ PCI, nói chung hiện nay cơ quan chức năng đã nhận khoảng 4.000 trang tài liệu từ nước bạn, chủ yếu bằng tiếng Anh, một phần là tiếng Nhật. Giờ chúng ta phải dịch thuật ra để biến thành tài liệu tiếng Việt, mất hơn 1 tỷ đồng, rồi còn phải giám định lại để kiểm tra tính chính xác.
 
Khi đảm bảo tính chính xác rồi chúng ta mới chuyển hoá các tài liệu này thành cơ sở để điều tra, thẩm vấn chứ không phải lấy tài liệu họ đưa cho là có thể kết luận, xử lý ngay. Việc này mất thời gian và mất công sức rất nhiều, mà cơ chế hiện nay của chúng ta việc phối hợp điều tra với bên ngoài còn rất khó khăn.
 
Việt Nam đã ký công ước của Liên hợp quốc về Phòng chống tham nhũng khá lâu nhưng 30/6 vừa qua Chủ tịch nước mới có quyết định phê chuẩn. Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng cơ chế gì để phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước ngoài trong lĩnh vực này?
 
Chúng ta đã tiến hành rà soát các văn bản, quy định của Việt Nam, các nhiệm vụ… để xem xét khả năng tham gia của Việt Nam đến đâu và chừng nào mới có thể phê chuẩn được.
 
Nhìn chung hệ thống pháp luật của chúng ta về cơ bản khá tương thích với những quy định của công ước nhưng về cụ thể thì còn rất nhiều vấn đề phải bổ sung, hoàn thiện mới có thể thống nhất với các nội dung của công ước.
 
Thời điểm này Chính phú thấy rằng đã là lúc phải phê chuẩn công ước vì việc này thể hiện quyết tâm chính trị của chúng ta.
 
Xin cám ơn Tổng thanh tra!
 
P. Thảo (ghi)