1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn: Buông lỏng quản lý, tự đặt ra khoản thu

(Dân trí) - Kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Với trách nhiệm là người quản lý trực tiếp, nhưng ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã buông lỏng trong công tác quản lý, phá vỡ quy hoạch; đặt ra khoản thu không đúng với nội dung thu…

Không tuân thủ quy hoạch xây dựng

Thực hiện chỉ đạo tại văn bản 7815, ngày 6/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 890/QĐ-TTTH thành lập Đoàn xác minh làm rõ một số nội dung tố cáo, đề nghị giải quyết một số vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ của ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn.

Theo đó, ông Trịnh Huy Triều - Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn bị tố đã cho xây dựng các ki ốt, nhà hàng ăn uống quá cao, vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, không dân chủ, công khai trong việc lựa chọn cho thuê. 

Các nhà hàng, ki ốt mọc lên san sát nhau phá vỡ quy hoạch và cảnh quan du lịch
Các nhà hàng, ki ốt mọc lên san sát nhau phá vỡ quy hoạch và cảnh quan du lịch

Theo đó, tại quyết định 4638, ngày 26/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá quy định: “Trong khi chưa thực hiện được các dịch vụ công cộng phía Tây đường Hồ Xuân Hương theo quy hoạch, giao cho UBND thị xã Sầm Sơn tổ chức dịch vụ công cộng tạm thời trên khuôn viên bãi biển. Công trình dịch vụ phải đảm bảo mỹ quan. Dịch vụ đáp ứng cho các nhu cầu tối thiểu phục vụ tắm biển cho nhân dân và du khách; không tổ chức dịch vụ ăn uống, trông xe trong khu vực bãi biển”.

Tuy nhiên, ngày 27/11/2014, ông Trịnh Huy Triều đã “bỏ quên” quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp tạm thời các ki ốt trên khuôn viên bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương. Theo đó, các ki ốt từ phía Bắc đường Lê Thánh Tông đến khu vực Vạn Chài resort bố trí 27 ki ốt, trong đó 9 ki ốt ở xã Quảng Cư và 18 ki ốt ở phường Trung Sơn, thị xã sẽ xây dựng các ki ốt và giao cho các hộ thuê kinh doanh trong 5 năm.

Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cũng đã cho phép các hộ kinh doanh được quản lý tạm thời một phần diện tích mở rộng xung quanh ki ốt, trên phần diện tích được giao quản lý, được phép xây dựng thêm một số lều quán phục vụ giải khát, ăn uống nhẹ. Sau khi có “chỉ đạo” của UBND thị xã Sầm Sơn, các hộ kinh doanh đua nhau mở dịch vụ ăn uống, bất chấp quy định trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn: Buông lỏng quản lý, tự đặt ra khoản thu - 2
Báo cáo kết quả xác minh đơn tố cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa
Báo cáo kết quả xác minh đơn tố cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa

Kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho thấy, UBND xã Quảng Cư và phường Trung Sơn chưa công khai quy hoạch bố trí tạm thời các ki ốt, chưa công khai phương án của UBND thị xã Sầm Sơn. Nhiều trường hợp không qua đấu thầu, bình xét hoặc rút thăm, trong đó có một số doanh nghiệp, cá nhân không thuộc địa bàn phường Trung Sơn. UBND thị xã đã cùng UBND xã Quảng Cư và phường Trung Sơn bàn giao ki ốt cho các chủ kinh doanh hè 2015, nhưng chưa làm thủ tục, chưa ký hợp đồng, nhưng các hộ này vẫn xây dựng thêm các lán xung quanh ki ốt và kinh doanh trong hè 2015.

Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã giao cho các chủ ki ốt kinh doanh được quản lý tạm thời một phần diện tích mở rộng xung quanh ki ốt, trong phương án có đề cập đến việc bố trí các lán tạm, nhưng không nêu cụ thể về số lượng, quy mô, diện tích, dẫn đến các lán này được bố trí dày đặc, không kiểm soát được. Các hộ kinh doanh còn chặt cây phi lao để làm các ki ốt và xây dựng thêm các lán tạm làm phá vỡ quy hoạch và cảnh quan du lịch.

Trong khi tại thông báo số 351-TB/TU của Thị uỷ Sầm Sơn thì mỗi ki ốt chỉ được rộng 150-300m2, đường kính 15m, các ki ốt cách nhau 100m. Nhưng trên thực tế, các quán rộng tới gần 1.000m2, mọc san sát nhau. Chưa kể việc đấu thầu các ki ốt này không công khai và thiếu dân chủ. Qua tìm hiểu được biết, nhiều chủ kinh doanh các ki ốt ở đây là cán bộ từ cấp trưởng phố, bí thư chi bộ phố đến phường, thị xã và doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài, rất ít người dân có rừng bị thu hồi được thuê lại diện tích để kinh doanh.

Cụ thể như ki ốt số 34 - Nhà hàng Sao Mai phục vụ ăn uống, hải sản tươi sống là của trưởng phố và bí thư chi bộ, ngoài ra còn có 6 trường hợp là cá nhân, doanh nghiệp thuê, không qua đấu thầu, bình xét hoặc rút thăm như báo cáo số 1277 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa khẳng định.

Ông Trịnh Huy Triều, Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn
Ông Trịnh Huy Triều, Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn

Theo báo cáo số 1277/BC-TTTH, ngày 5/11/2015 về kết quả các minh nội dung tố cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá thì Ban thường vụ Thị ủy Sầm Sơn ban hành thông báo không đúng với quy hoạch. Chủ tịch UBND thị xã đã buông lỏng công tác quản lý, thực hiện sai quy hoạch, để xảy ra các sai phạm nêu trên, làm phá vỡ quy hoạch và cảnh quan du lịch. Trách nhiệm lãnh đạo thuộc về ban thường vụ Thị ủy, trách nhiệm quản lý trực tiếp thuộc về Chủ tịch UBND thị xã.

Tự đặt ra khoản thu 

Theo đơn tố cáo, trong năm 2014 và 2015, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã bắt buộc các chủ ki ốt kinh doanh trên bãi biển đóng góp vào ngân sách bằng việc ban hành các thông báo về các khoản thu nộp của các ki ốt trên khuôn viên bãi biển gồm: thuế, phí vệ sinh môi trường và các khoản đóng góp khác. Trong đó có “khoản thu đóng góp khác” là không đúng quy định.

Cụ thể, tại Thông báo số 600/TB-UBND ngày 24/4/2014 của ông Trịnh Huy Triều về thay đổi danh mục các khoản thu của các chủ ki ốt kinh doanh trên bãi biển. Sau khi nhận được thông báo trên, các chủ ki ốt băn khoăn về “khoản thu khác”, thay vì chỉ có khoản thuế và phí vệ sinh môi trường như các năm trước.

Với thông báo này thì năm 2014, thị xã thu về hơn 2,1 tỷ đồng từ 42 ki ốt. Phần thu khác này được chia làm hai khoản thu: Thu đóng phúc lợi ngân sách thị xã là 1,505 tỉ đồng; thu đóng phúc lợi ngân sách phường, xã là 682 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 25/5/2015, UBND thị xã ban hành Thông báo số 855/TB-UBND yêu cầu gần 50 chủ ki ốt phải đóng số tiền trên 12,5 tỉ đồng; trong đó khoản thu “đóng góp khác” là 2,35 tỉ đồng bao gồm đóng cho ngân sách thị xã 1,41 tỉ đồng, cho ngân sách phường, xã 940 triệu đồng. Theo đó thì mỗi hộ kinh doanh ki ốt phải đóng cho “khoản thu đóng góp khác” dao động từ 30 đến gần 100 triệu đồng.

Phiếu thu các khoản của một hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn
Phiếu thu các khoản của một hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn

Tại báo cáo kết quả xác minh tố cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa số 1277 thì “khoản thu đóng góp khác” thực chất đây là khoản thu của các chủ hộ kinh doanh phải nộp để được thuê ki ốt, nhưng dưới hình thức “các khoản thu đóng góp khác”, không đúng với nội dung thu.

Về vấn đề này, ông Trịnh Huy Triều khẳng định, đã thu theo đúng Luật Ngân sách và quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời ông Triều lý giải việc thu như trên là để chi phí cho hàng loạt công việc quản lý khác như chi khai mạc hè, chi cho đội an ninh trật tự, chi cho đội cấp cứu biển, chi làm trang web, in ấn tài liệu…

Như vậy, với việc các hộ kinh doanh ki ốt trên địa bàn phải đóng góp “khoản thu khác” theo thông báo của UBND thị xã Sầm Sơn đã vô tình “tiếp tay” cho nạn “chặt chém” vốn là vấn đề nhức nhối những năm của của ngành du lịch Sầm Sơn.

Trần Lê