Đà Nẵng:

Chừ mới nghe chuyện đánh giá tác động môi trường trong... 1-2 ngày (!?)

(Dân trí) - Chất vấn lãnh đạo sở Tài nguyên - môi trường, khi nghe ông Tô Hùng trình bày: Công trình đê, kè biển Kim Liên (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), việc đánh giá tác động môi trường của công trình chỉ thực hiện trong... 1-2 ngày. "Quá sơ sài! Chừ tôi mới nghe chuyện này" - chủ tịch TP Đà Nẵng nói.

Trên đây là phát biểu của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại phiên họp chiều 8/12 tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân thành phố sau khi nghe các đại biểu thảo luận, chất vấn và trả lời về các vấn đề ở các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố

Liên quan đến lĩnh vực môi trường, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết Đà Nẵng đang rất khẩn trương để được công nhận là Thành phố môi trường. Đối với các dự án môi trường, còn 3 điểm, bằng nhiều biện pháp, hình thức đầu tư sẽ hoàn thành trước 2018. Hiện bắt đầu có hiện nhà đầu tư trễ nải trong việc thực hiện cam kết tiến độ. Như chỗ âu thuyền Thọ Quang, theo như cam kết,là phải cắt xả thải trước 31/10, nhưng tới nay vẫn chưa xong... Ngày hôm qua thì có tờ trình phạt chỗ nhà máy xử lý nước thải Đà Sơn vì chậm trễ Còn xử lý các điểm ô nhiễm, ngập úng, theo ông Thơ, hầu hết các dự án này có thể rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.

Chủ tịch Đà Nẵng chia sẻ đối với các dự án mới, lãnh đạo thành phố sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thiếu sót để dẫn tới việc như vừa qua đã quản lý không được tốt một số dự án trong việc xây dựng, tư vấn thiết kế, thẩm định, phê duyệt các dự án khu công nghiệp... nhất là trong việc đánh giá tác động môi trường.

“Không thể đánh đổi lợi nhuận, thu hút đầu tư bằng việc dễ dãi trong thực hiện quy trình thẩm định, nhất là đánh giá tác động môi trường của công trình dự án. Chất vấn lãnh đạo sở Tài nguyên - môi trường, anh Tô Hùng (Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng) nói chỗ công trình đê, kè biển Kim Liên (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), việc đánh giá tác động môi trường của công trình chỉ thực hiện trong... 1-2 ngày. Quá sơ sài! Chừ tôi mới nghe chuyện này. Đoạn này hết sức nhạy cảm.Vì sạt lở ở khu vực biển Kim Kiên lớn. Nhất là chỗ xúc, hút cát phải hết sức cảnh giác. Đừng để như biển Cửa Đại ở Hội An (Quảng Nam), xúc hút hết cát không đủ cát bồi dẫn tới sạt lở bờ biển” - ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng bày tỏ trăn trở “ăn không ngon, ngủ không yên” để làm sao có được giải pháp phòng chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp, và dẫn tới một số vụ trọng án trong thời gian qua, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Chủ tịch TP Đà Nẵng nói: “Có đại biểu đã chất vấn anh Tam (Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) rất mạnh mẽ, cũng là lần đầu tôi nghe chất vấn mạnh mẽ như rứa, là anh Tam có dám hứa đấu tranh đến cùng để không để lọt tội phạm hay không? Tôi cho rằng đây không chỉ là việc của ngành Công an. Chỗ anh Tam là lực lượng nòng cốt, còn cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, trước thực trạng ma túy tổng hợp rất nguy hiểm, len lỏi trong từng ngóc ngách”

Ngoài ra, lãnh đạo Đà Nẵng cũng chia sẻ với những băn khoăn của đại biểu, tâm tư nguyện vọng của cử tri và toàn thể bà con nhân dân thành phố về các vấn đề an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư cho phát triển văn hóa, quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản, chống thất thu thuế, các dự án nằm trong quy hoạch trung hạn, dài hạn của thành phố...

Đà Nẵng đề nghị thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường

Trong phiên bế mạc kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP., Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã trình Chính phủ phương án thu phí ô tô dưới lòng lề đường, và mức thu phí ở các tuyến đường trong trung tâm sẽ cao hơn các khu vực khác.

“TP. Đà Nẵng đã có lộ trình cắt giảm phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng nếu chúng ta không phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, không phát triển các loại hình giao thông công cộng hiện đại, rất khó. Không lẽ một gia đình vài ba người chỉ có một xe cá nhân rồi đưa đón nhau đi làm, đi học lòng vòng.

Để giảm ùn tắc giao thông, thời gian qua chúng ta cũng đã có giải pháp làm cầu, làm hầm, lắp đặt tín hiệu giao thông, đậu đỗ ô tô ngày chẵn lẻ... và địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nữa. Gần đây, chúng tôi đã trình Chính phủ về việc thu phí đậu đỗ ô tô dưới lòng lề đường. Phí này càng đậu ở trung tâm là càng đắt” – ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.

Song song với giải pháp thu phí ô tô đậu dưới lòng đường, ông Thơ đề nghị các ngành tham mưu, viện quy hoạch, ngành GTVT phải siết chặt vấn đề nhà ở, nhập cư ở khu vực trung tâm.

Tâm An