1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chống tham nhũng vẫn đang được làm ráo riết”

(Dân trí) - “Dư luận chung cho rằng chống tham nhũng vừa qua có vẻ chùng xuống nhưng đánh giá của Ban chỉ đạo có lẽ chúng ta chỉ nhìn một số vụ việc kéo dài hoặc xử lý chưa gọn… Tôi đã nói, hình như báo chí có sự chùng xuống chứ chẳng ai chùng cả”.

Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền đã trả lời báo chí như vậy bên hành lang kì họp Quốc hội. 

Thưa ông, vừa qua nhiều ý kiến cho rằng, các vụ tham nhũng khi mới phát hiện ra thường rậm rộ nhưng sau đó lại teo dần?

Ở đây, mình cần phân biệt, khi khởi tố, có dấu hiệu của nhiều tội danh nhưng trong quá trình điều tra, theo nguyên tắc đủ căn cứ sẽ kết luận, không đủ thì phải loại ra.

Vậy nên ban đầu có thể nhiều vấn đề nhưng về sau rõ ràng không đủ căn cứ, ít nội dung thì phải kết luận ít nội dung chứ không phải cứ nói lúc đầu thì rình rang, lúc sau lại teo dần, tóp đi là không phải.

Như vậy ông khẳng định, trong diễn biến điều tra đã làm rất cẩn thận để đưa ra những kết quả cuối cùng có nhiều điểm thay đổi so với ban đầu?

Theo nguyên tắc của pháp luật cũng như theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải làm đúng pháp luật, chính xác, khách quan, có tội đến đâu kết luận đến đó, không vì lý do nào đó mà tội ít lại nói nhiều hoặc cố xử cho được. Phải xử nghiêm nhưng xử đúng pháp luật chứ không phải xử nghiêm có nghĩa là xử nặng, nhiều.

Tinh thần như vậy nhưng có thể do thông tin ban đầu mình nắm chưa thật đầy đủ, mình đưa ra nhiều nội dung. Nhưng quá trình điều tra, xem xét lại chứng cứ, các điều kiện để có thể kết luận được thì mới thấy chưa đảm bảo, không đúng, phải loại ra. Cũng vì cách làm có trách nhiệm và đúng pháp luật đó, vừa qua có một số vụ việc phải trả hồ sơ điều tra đi điều tra lại nhiều lần.

Trong báo cáo của Chính phủ có nhận xét tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp hơn nhưng số vụ việc phát hiện, xử lý lại giảm. Vậy ở đây có gì mâu thuẫn?

Phải hiểu thế này, không phải tính chất nghiêm trọng, phức tạp ở thời điểm này so với thời điểm khác là như nhau mà thực ra ở mỗi thời điểm là khác nhau.

Ví dụ, trước khi có Nghị quyết TW 3 chỉ đạo chống tham nhũng, mình đánh giá tình hình là nghiêm trọng và phức tạp nhưng ở mức độ và phạm vi rộng hơn, nhiều hơn, thậm chí có những vụ tồn đọng kéo dài mà chưa được giải quyết.

Qua 2 năm thực hiện NQ, xem lại thấy đã giải quyết rất nhiều vụ việc. Hiện nay, mức độ phức tạp và nghiêm trọng vẫn còn vì tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn, nhiều phạm vi nhưng không phải giữ nguyên như trước. Vậy nên tôi nói, tính chất nghiêm trọng và phức tạp cũng đã khác đi.

Thứ hai, do chúng ta đã ráo riết làm trong 2 năm qua nên dĩ nhiên số vụ việc cũng phải giảm xuống. Thứ ba, tính chất phức tạp, nghiêm trọng là hành vi tinh vi hơn, có sự liên kết, hiện giờ có cả yếu tố nước ngoài nữa. Việc điều tra, khởi tố, phát hiện để xử lý đương nhiên cũng khó hơn. Khó hơn mà ít hơn cũng là một sự tất yếu của thực tế vì cái gì đã khó thì không thể làm ào ào, làm nhiều được.

Chúng ta đang nhấn mạnh sự nghiêm trọng và phức tạp là để chúng ta đừng chủ quan, để thấy mức độ tình hình hiện nay vẫn còn tác động rất không có lợi cho phát triển.

Với chống tham nhũng, quan trọng là người dân phải nhìn thấy, cảm thấy biến chuyển?

Thực tế các cơ quan chức năng vẫn làm quyết liệt và phải nói là đơn thư tố cáo của dân, của cán bộ công chức ngày càng nhiều hơn.

Bây giờ chúng ta đánh giá chùng là do cách thông tin của chúng ta, nhất là trong một số vụ án xử lý có phần khó, phải xử đi xử lại hoặc có một số vụ việc xử rồi nhưng dư luận cho rằng chưa xử đến nơi đến chốn.

Dư luận nói như thế, chúng ta cũng phải lắng nghe nhưng quan trọng là phải phân tích đúng bản chất vấn đề, tức là hiện nay chúng ta đã làm gì, làm được gì và làm như thế nào. Dưới góc độ là người theo dõi việc này, tôi thấy chúng ta cũng đã làm ráo riết.

Thưa ông, trong số án xử tham nhũng vừa rồi có nhiều án treo và có đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng có sự nương nhẹ đối với tội phạm?

Bây giờ chúng ta phải tổng kết lại bởi cấp nào xử án treo nhiều hoặc trong trường hợp nào là án treo nhiều... Có thể phải chờ các cơ quan chức năng về mặt này phân tích.

Nhưng theo dõi chung tôi thấy rằng có thể chúng ta có cảm giác chứ không phải là án treo nhiều, ta chưa dẫn chứng được trường hợp nào nhiều.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo