1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chống khủng bố - sao để đỡ “rối” và “tốn”?!

(Dân trí) - Lập Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố ở cấp, bộ, ngành nào; hoạt động kiêm nhiệm hay chuyên trách; làm sao để tổ chức này vận hành hiệu quả, không tốn kém và rối rắm… Nhiều câu hỏi được đặt ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 21/5.

Thẩm tra dự thảo luật Phòng chống khủng bố do Bộ Công an xây dựng, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa khái quát, trong những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố của bọn phản động người Việt lưu vong và phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào nội địa.
 
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình dự án luật trước Quốc hội.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình dự án luật trước Quốc hội.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khá nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước để hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về các vấn đề như biện pháp phong tỏa tài sản liên quan đến khủng bố; việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố; hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố…

Vấn đề thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên là nội dung có nhiều đại biểu tập trung phân tích từ nhiều khía cạnh khác nhau. Dự thảo Luật nêu hướng quy định Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách chống khủng bố thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Tranh luận về việc này, có ý kiến đề nghị lập Ban chỉ đạo ở 2 cấp quốc gia và tỉnh; có ý kiến đề nghị duy trì Ban chỉ đạo tới cả cấp huyện, cấp xã. Một số ý kiến khác đề nghị duy trì Ban chỉ đạo ở một số Bộ, ngành hoạt động như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, khủng bố thế giới ngày càng gia tăng, tuy Việt Nam chưa xảy ra nhưng nguy cơ là hiện hữu, vì thực tế lực lượng Công an đã từng phát hiện một số đối tượng trà trộn, móc nối, kích động người dân để thực hiện những vụ quấy rối an ninh trật tự. Bởi thế đề nghị lập Ban chỉ đạo cả ở cấp TƯ và cấp tỉnh thành, trong đó Ban chỉ đạo TƯ do Thủ tướng làm Trưởng ban, ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Lực lượng phòng chống khủng bố bao gồm Công an, Quân đội với mục đích đầu tiên là ngăn ngừa khủng bố.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) phân tích, về cơ bản thì khủng bố và tài trợ khủng bố cũng như là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người và thậm chí là tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người - đều là tội phạm. Nếu dự kiến thành lập UB Quốc gia về phòng, chống khủng bố, ông Hồng “vẽ” ra mô hình UB này với các thành phần “không khác mấy với thành phần UB Quốc gia phòng, chống tội phạm”.

Đại biểu cho rằng, tính hiệu quả khi sử dụng ngay những lực lượng ở ban, phân ban của UB Quốc gia phòng chống tội phạm để tham mưu cho hoạt động chống khủng tố sẽ cao hơn việc lập UB riêng.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) tán thành quy định lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở cấp quốc gia, cấp tính và duy trì hoạt động thường xuyên. Ông Sơn cho rằng không nhất thiết tổ chức mô hình này ở tất cả các bộ ngành TƯ.

Thành viên Ban chỉ đạo, theo ông Sơn, chỉ nên hoạt động kiêm nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc công an tỉnh sẽ đóng vai trò thường trực của Ban chỉ đạo cấp TƯ và cấp tỉnh.
 
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình dự án luật trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): "Những bộ, ngành có nguy cơ khủng bố cao cần "chỉ định" lập Ban chỉ đạo nội bộ".

Đối với những bộ, ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng, chống khủng bố và có nguy cơ khủng bố cao ví dụ như Bộ quốc phòng, công an, giao thông, ngoại giao… ông Sơn cho rằng cần “chỉ định” lập Ban chỉ đạo cụ thể.

Đại biểu Nam Định “gật đầu” với phân tích của đại biểu Nguyễn Công Hồng về việc ghi rõ “quân đội là một trong hai lực lượng lượng nòng cốt trong hoạt động phòng, chống khủng bố. Bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố thì cần được xác định là Phó ban chỉ đạo thường trực phòng, chống khủng bố của quốc gia và của cấp tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống khủng bố”.

Trung tướng Trần Văn Độ - Chánh án TA quân sự TƯ (đại biểu tỉnh An Giang) - lại nêu quan điểm “can gián” việc lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của bộ, ngành. Ông Độ phân tích, thành phần Ban chỉ đạo của TƯ tất yếu đã có đại diện của các bộ, ngành quan trọng. Vậy nên, chỉ cần Ban chỉ đạo ở TƯ và ở cấp tỉnh là đủ. “Vấn đề quan trọng là Ban chỉ đạo nào tham mưu và chỉ đạo phối hợp như nào để hoạt động phòng, chống khủng bố của có hiệu quả. Không nên tốn kém nhiều cho Ban chỉ đạo rồi trở thành rối rắm” - ông Độ phát biểu.

Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, hợp tác quốc tế là cần thiết, vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng phải bảo đảm độc lập chủ quyền, không để nước ngoài lợi dụng. Ông Kha đồng ý cần xem xét, quy định kỹ những trường hợp từ chối hợp tác chống khủng bố.

P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng