1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phú Yên:

Cho doanh nghiệp ồ ạt hút cát, bỏ qua đánh giá tác động môi trường

(Dân trí) - Để có cát san lấp mặt nền bán đấu giá, tỉnh Phú Yên đã cho doanh nghiệp tràn vào hút cát trên sông Đà Rằng, bỏ qua các đánh giá tác động môi trường. Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, doanh nghiệp này được hút 1,1 triệu m3 cát.

Hoạt động hết công suất

Theo ghi nhận của PV Dân trí sáng ngày 6/4 tại khu vực sông Đà Rằng (thuộc hạ lưu sông Ba) đoạn chảy qua thành phố Tuy Hòa, ghi nhận có 10 máy hút cát đang ầm ầm chạy hết công suất để lấy cát san lấp mặt bằng khu đô thị Nam Tuy Hòa, do Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư.

Hàng chục máy hút cát hoạt động công khai ngày đêm
Hàng chục máy hút cát hoạt động công khai ngày đêm

Việc khai thác này hết sức công khai, với sự cho phép của tỉnh Phú Yên. Theo đó các ghe hút cát nằm rải rác dọc khúc sông này, với mỗi máy hút đơn vị thi công trang bị một ống hút và phun đường kính khoảng 30cm, số cát được hút sẽ phun trực tiếp vào bờ để xe tải vận chuyển đi san lấp.

Một công nhân ở đây cho biết: "Chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm, làm việc hết công suất thì 24 giờ chúng tôi cho lên bờ khoảng 1.000 m3 cát. Như vậy, tính ra với hệ thống máy móc hiện có, thì một ngày doanh nghiệp này sẽ lấy đi của sông Đà Rằng gần 10.000 m3 cát".

Sống gần khu vực này, ông Trần Văn Thi, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa bức xúc nói: “Nhiều tháng nay, các máy hút cát hoạt động suốt ngày đêm. Khu vực này nằm ngay cửa biển mà bị hút cát ồ ạt như thế, cát chỗ khác sẽ cuốn qua, chắc chắn dòng chảy của sông sẽ bị thay đổi, nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông là rất cao”.

Ông Hoàng Văn Quốc, Trưởng Văn phòng Đại diện Tổng Công ty Thành Trung tại Phú Yên (đơn vị tổng thầu của dự án) cho biết, đơn vị này đã bắt đầu tiến hành hút cát sông Đà Rằng để san lấp mặt bằng cho khu đô thị Nam Tuy Hòa từ cuối tháng 10/2016. Phạm vi hút cát trên sông có chiều rộng 600 m và chiều dài 1.200 m, hút đến độ sâu khoảng 3 m.

Ông Quốc cũng thừa nhận công suất mỗi máy hút khoảng 1.000 m3 cát/ngày đêm nhưng trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ hút khoảng 5.000 m3 cát. Trong tổng sản lượng gần 1,1 triệu m3 cát san lấp mặt bằng cho dự án, hiện đơn vị thi công đã hút đạt 60%. Dự kiến chưa đến 2 tháng nữa sẽ hoàn thành việc hút cát.

Khi đề cập quy luật của dòng chảy, lấy cát chỗ này thì sông "chuyển" cát ở nơi khác bồi đắp lại, dễ làm thay đổi dòng chảy, ông Quốc thừa nhận sông có mang cát ở thượng nguồn và lấp lại. “Tuy nhiên, ảnh hưởng không đáng kể” - ông Quốc nói.

Ông Quốc cho rằng mọi thủ tục để hút cát đều đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên hoàn tất.

Chưa có đánh giá tác động môi trường

Còn theo ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, Ban đã cho nhà thầu hút cát san nền dự án sau khi “hỏi ý kiến” của Sở TN&MT.

“Đầu tháng 10/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên có công văn gửi Sở TN&MT đề nghị cho nhà thầu hút gần 1 triệu m3 để san nền khu đô thị. Theo hồ sơ dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì công tác bơm cát từ sông Ba để san nền là một nội dung công việc trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam Tuy Hòa. Ban Quản lý khu kinh tế đề nghị Sở TN&MT có ý kiến hướng dẫn thủ tục liên quan nếu có đối với công tác nạo vét, bơm hút cát từ sông Ba để san nền. Sau đó, Sở TN&MT có công văn đồng ý cho hút cát”.

Đại diện Sở TN&MT cho rằng Sở TN&MT cho phép dự án trên được hút 1,1 triệu m3 cát để nâng nền là do năm 2005 tỉnh có dự án chống xói lở bờ nam sông Đà Rằng đã được UBND tỉnh phê duyệt ĐTM vì trong đó có phần việc hút cát từ sông. Tuy nhiên, sau khi bị chúng tôi truy vấn, ông Dục thừa nhận dự án chống xói lở khác hoàn toàn với dự án khu đô thị mới.

Trưởng phòng Khoáng sản thừa nhận, đến nay việc hút cát của Tổng Công ty Thành Trung chưa hề có đánh giá tác động môi trường và Sở TN&MT cũng chưa bao giờ kiểm tra việc hút cát nói trên.

Trung Thi