1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chợ đầu mối Long Biên chạy… kiểm dịch

(Dân trí) - 14 giờ chiều nay, quang cảnh chợ đầu mối Long Biên “sạch sẽ đột xuất” khi biết sẽ có đoàn kiểm tra công tác kiểm dịch, phòng ngừa cúm gia cầm. Tuy nhiên, ngay sau đó, hoạt động giết mổ kiểu “tay không bắt giặc” vẫn diễn ra ngay tại các sạp gà sống.

Khi đoàn kiểm tra đến, hầu hết các “sạp gà” đã xếp lồng, buông bạt, tạm dừng buôn bán để vệ sinh khu giết mổ. Mặt đường, cống rãnh vãi vôi bột trắng xóa. Lớp nước nhơm nhớp, ứ đọng khắp nơi đã được giội rửa, quét dọn, tống, đẩy xuống miệng hố ga, nắp cống. Đầu khu gia cầm tập trung một đội vệ sinh tăng cường cho ngành y tế với một máy phụ thuốc đã hòa sẵn hóa chất.

 

Trong ngày hôm nay (26/10) đã có 3 đoàn kiểm tra đến chợ này. Khi chúng tôi ở đây, Ban Quản lý chợ đang tiếp một đoàn kiểm tra của UBND TP Hà Nội, mọi quy định dường như đều được tuân thủ nghiêm ngặt.

 

Nhưng hoạt động giết mổ vẫn diễn ra ngay tại các “sạp gà” sống. Những người giết mổ vẫn “tay không bắt giặc”, cắt tiết, làm lông… mà không hề có găng tay, khẩu trang. Chị Phạm Hồng Yến - cán bộ Chi cục thú y Hà Nội đang trực tại chốt kiểm dịch này cho biết: Cán bộ của Chi cục thú y đã thường xuyên nhắc nhở nhưng người dân vẫn chủ quan, coi thường các biện pháp phòng ngừa mặc dù điều đó là để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ.

 

Chợ đầu mối Long Biên chạy… kiểm dịch - 1

Quang cảnh khu gia cầm sạch sẽ khác hẳn ngày hôm qua.

Một chủ lồng ở chợ này tươi cười: “Có gì đâu mà sợ. Báo chí cứ làm ầm ĩ chứ chúng tôi làm đây mãi, toàn thấy người nơi khác chết chứ chúng tôi có sao đâu. Mà nếu có bị, chúng tôi phải bị trước chứ”(?!). Chủ hàng cũng cho biết thêm lượng gà tiêu thụ từ khi có dịch vẫn ổn định, có giảm nhẹ nhưng không đáng kể.

 

Từ khi có dịch cúm gia cầm, chốt kiểm dịch tại chợ đã hoạt động tăng cường 24/24 với hơn 10 cán bộ. Theo chị Phạm Hồng Yến, tất cả gà qua chợ đều được cán bộ kiểm dịch qua 2 khâu: trước hết là kiểm tra nguồn gốc gia cầm đưa vào chợ, sau đó đến khâu kiểm soát giết mổ rồi mới đóng dấu kiểm dịch và cho gia cầm chế biến xuất chợ.

 

Công tác kiểm dịch vẫn có vẻ chỉ mang tính chất đối phó, hình thức chứ chưa thực sự xuất phát từ nhận thức đầy đủ của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ Long Biên cũng rất bức xúc về hiện tượng một số cơ quan báo chí đưa tin thiếu chính xác, thiếu tính toán, cân nhắc dẫn đến tâm lý lo sợ quá mức với người dân cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của chợ.

 

Phương Thảo - Mạnh Cường